Thế khó của doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững

Hoàng Đông - 10:01, 07/06/2024

TheLEADERTiên phong đáp ứng những tiêu chuẩn bền vững khiến doanh nghiệp tiêu tốn chi phí, mất năng lực cạnh tranh, còn nếu chậm chuyển đổi, doanh nghiệp lại bị tụt hậu và khó đáp ứng được thị trường.

Thế khó của doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững
Ngành dệt may chịu nhiều áp lực chuyển đổi xanh. Ảnh: Hoàng Anh

Hiện nay, tại nhiều thị trường lớn, các chính sách về tiêu chuẩn bền vững được ban hành, tạo sức ép cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trong đó, ngành dệt may vốn là lĩnh vực tiêu tốn tài nguyên, tạo nhiều phát thải nên chịu khá nhiều áp lực chuyển đổi xanh.

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), doanh nghiệp nói chung và ngành dệt may nói riêng đang rơi vào thế khó, bởi dù biết là phát triển bền vững đem lại những giá trị trường tồn nhưng doanh nghiệp tiên phong thực hiện sớm hơn thời điểm tiêu chuẩn bền vững của thị trường được thiết lập sẽ gặp nhiều bất lợi.

Bởi lẽ, sản xuất xanh thường tiêu tốn chi phí hơn so với sản xuất thông thường nhưng chưa chắc cứ “xanh” là bán được hàng. Khi kinh tế có dấu hiệu suy thoái, thu nhập người tiêu dùng giảm, vấn đề “ăn đủ, mặc đủ” được ưu tiên chứ ít ai nghĩ đến “ăn xanh, mặc xanh”.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra xu thế tiêu dùng xanh đang dần lên ngôi nhưng theo ông Trường, quá trình phải diễn ra trong dài hạn chứ thói quen tiêu dùng khó lòng thay đổi ngay lập tức. Doanh nghiệp tiên phong triển khai giải pháp xanh, nhận được chứng nhận bền vững nhưng chứng nhận đó không có tác dụng “bắt người tiêu dùng phải mua hàng của mình”.

Thực tế đã có doanh nghiệp nhận “trái đắng” khi tiên phong chuyển đổi xanh. Ông Trường lấy ví dụ về một đơn vị đối tác đã nhập sợi vải tái chế có giá rất cao về nhưng phải để kho cả năm chưa lấy ra sản xuất được vì “nhu cầu của người mua chưa tới”.

Doanh nghiệp tiên phong gặp nhiều bất lợi nhưng cũng không thể triển khai chậm. Bởi nếu tiêu chuẩn đã được thiết lập, doanh nghiệp không kịp chuyển đổi xanh thì không bán được hàng, nhất là với hàng xuất khẩu sang các thị trường phát triển. 

Vậy bài toán khó đặt ra cho doanh nghiệp là làm sao chọn đúng thời điểm để triển khai các giải pháp chuyển đổi xanh.

Tuy nhiên, Chủ tịch Vinatex nhìn nhận, doanh nghiệp có thể chủ động thực hiện một số giải pháp chuyển đổi xanh với mục tiêu tạo ra giá trị ngay trước mắt.

Chẳng hạn, Vinatex nhờ ứng dụng một số thay đổi trong quy trình sản xuất đã biến 87% lượng bùn thải thành chất thải thông thường, thay vì chất thải nguy hại như trước đây. Nhờ đó, doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho xử lý chất thải nguy hại.

Hoặc các chính sách về đãi ngộ, phúc lợi cho người lao động cũng được Vinatex thực hiện một cách bài bản, phần vì yêu cầu từ phía thị trường Mỹ, phần vì đây là cách thu hút và giữ chân lực lượng lao động lành nghề.

Tại Tọa đàm Doanh nghiệp tiên phong thực thi ESG và kinh tế tuần hoàn do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, ông Trường kiến nghị, về mặt chính sách, Việt Nam cần thể chế hóa các tiêu chuẩn về ESG, kinh tế tuần hoàn cho ngành dệt may cũng như các ngành nghề khác một cách phù hợp với lộ trình thế giới.

Cụ thể, Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên có thể không cần phải tiên phong ban hành những tiêu chuẩn khắt khe, thay vào đó là “chậm lại một bước” rồi xây dựng tiêu chuẩn bám theo các nước phát triển.

Lý do là doanh nghiệp dù không bị điều chỉnh bởi quy định trong nước nhưng chắc chắn phải tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế nếu muốn xuất khẩu được. Nhóm doanh nghiệp này sẽ là tham chiếu để Việt Nam ban hành tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện thực tế.

“Chúng ta phải chấp nhận rằng, con đường hướng đến phát triển bền vững không phải là một đường thẳng mà là một đường khúc khuỷu, có lúc lên, có lúc xuống”, ông Trường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Vinatex cũng đề nghị có cơ chế tăng cường các nghiên cứu để dẫn đường và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển (R&D) cũng như cơ chế huy động tài chính hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh hiệu quả.