Phát triển bền vững
Thêm nguồn vốn khủng tài trợ phát triển bền vững tại Việt Nam
HSBC Việt Nam mới đây công bố cam kết thu xếp nguồn vốn lên tới 12 tỷ USD tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp tại Việt Nam đến năm 2030.
Trong thư gửi Chính phủ Việt Nam, HSBC đã trình bày kế hoạch tài trợ về tài chính lẫn chuyên môn cho các dự án xanh, dự án phát triển bền vững trọng điểm và có tiềm năng, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải carbon của Việt Nam.
Mục tiêu là nhằm hỗ trợ các mục tiêu khí hậu và cam kết của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị COP26, đặc biệt mục tiêu chuyển đổi thành nền kinh tế đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đây là một phần trong cam kết về cân bằng khí thải của Tập đoàn HSBC, nhằm cung cấp 750 – 1.000 tỷ USD đến năm 2030 để tài trợ và đầu tư bền vững, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển sang các phương thức kinh doanh bền vững hơn và giảm phát thải carbon.
Theo báo cáo của HSBC với tựa đề “Giải quyết cuộc khủng hoảng tiếp theo”, TP.HCM nằm trong số các thành phố ở châu Á (cùng với thành phố Mumbai, Thượng Hải, Bangkok và Jakarta) đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao.
Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo rằng Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nghiêm trọng nhất, đồng thời ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến thu nhập quốc gia của Việt Nam giảm 3,5% vào năm 2050.
Để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần đầu tư đáng kể vào năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng xanh. HSBC đã gia tăng các hoạt động và giải pháp hỗ trợ khi phát triển bền vững ở châu Á tăng tốc vào năm 2021.
Đây cũng là mục tiêu chính của HSBC Việt Nam nhằm giúp xây dựng một tương lai phát triển và bền bỉ hơn cho Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, đánh giá: “Chính phủ Việt Nam có tham vọng rõ ràng trong việc ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu thông qua tài chính và chuyển giao công nghệ. Nhờ những cam kết mạnh mẽ đó, các doanh nghiệp sẽ tự tin hơn để vay và đầu tư”.
HSBC Việt Nam sẽ huy động nguồn vốn từ thị trường tài chính trong nước và quốc tế để có thể cung cấp đa dạng các giải pháp bền vững trong lĩnh vực tín dụng xanh, tài trợ nợ, chuỗi cung ứng, thương mại, tiền gửi xanh và các sản phẩm đầu tư.
Để cung cấp các giải pháp này, HSBC sẽ kết hợp giữa quy trình đánh giá rủi ro nghiêm ngặt và các tiêu chuẩn tài chính xanh quốc tế.
“Với sự hỗ trợ và chỉ đạo tận tình từ Chính phủ, sự sẵn sàng của các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân tại Việt Nam, kiến thức và kinh nghiệm quốc tế chuyên sâu của HSBC trong lĩnh vực tài chính bền vững, tôi tin rằng cùng nhau, chúng ta có thể tạo nên những đóng góp rõ rệt cho mục tiêu chống biến đổi khí hậu của Việt Nam”, ông Tim nhấn mạnh.
Lĩnh vực phát hành nợ bền vững đạt giá trị 1,2 nghìn tỷ USD trên toàn cầu trong chín tháng đầu năm 2021, trong đó khu vực châu Á Thái Bình Dương chiếm 19%, và báo cáo của HSBC cho thấy nhu cầu vẫn gia tăng đối với các nhà phát hành.
Theo Khảo sát đầu tư và tài chính bền vững 2021 của HSBC, khoảng 73% nhà phát hành tại châu Á cho biết mong muốn công ty của mình tích cực tìm kiếm lời khuyên về các vấn đề xanh, xã hội hoặc bền vững liên quan đến các giao dịch trên thị trường vốn trong 12 tháng tới. Đây là tỷ lệ cao nhất so với các khu vực khác trên thế giới.
Năm 2021, HSBC là nhà bảo lãnh phát hành các trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững và trái phiếu liên kết bền vững lớn nhất toàn châu Á, với khối lượng giao dịch tăng gần gấp đôi so với năm 2020.
Thời gian qua, HSBC Việt Nam đã hỗ trợ các dự án xanh và bền vững quan trọng tại Việt Nam, góp phần vào việc giúp nền kinh tế giảm phát thải carbon, như tài trợ cho nhà máy nhựa tái chế Duy Tân, cấp khoản tín dụng thương mại xanh ngắn hạn trong lĩnh vực xây dựng điện gió cho PCC1.
Ngoài HSBC, Việt Nam đã nhận chương trình tài trợ xanh đầu tiên với quy mô lớn do VPBank thực hiện với khoản tín dụng trị giá hơn 212 triệu USD do IFC cấp. Chương trình này bao gồm tám nhóm tài sản xanh, trong đó có nhóm “sản phẩm, sản xuất, và công nghệ thân thiện với môi trường và/hoặc phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn”.
Tổ chức này gần đây cũng đã cấp khoản vay trị giá 70 triệu USD cho HDBank – một trong những ngân hàng hàng đầu về tài trợ khí hậu – để tăng nguồn tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Với khoản vay của IFC, dự kiến HDBank sẽ mở rộng danh mục tài trợ khí hậu lên tới trên 800 triệu USD vào năm 2025, từ đó giúp cắt giảm hơn 54.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2025 và sau đó.
Về phía khu vực tư nhân, các doanh nghiệp Việt Nam đã cho thấy nỗ lực và hành động phát triển bền vững trong nhiều năm qua, hướng tới mục tiêu khí hậu chung.
Đơn cử, năm 2019, 9 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì đã bắt tay cùng thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), với mong muốn thông qua việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn giúp quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn.
PRO Việt Nam sẽ hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tỷ lệ bao bì thải ra môi trường.
Liên minh này sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động trên các lĩnh vực gồm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có.
Nestlé tại Việt Nam, bao gồm công ty Nestlé Việt Nam và công ty La Vie – thành viên của PRO Việt Nam, mới đây đã công bố Cam kết trung hòa nhựa đến năm 2025.
Doanh nghiệp này còn ký thỏa thuận hợp tác với Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường nhằm mục tiêu thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, cũng như thúc đẩy các hoạt động về quản lý bao bì bền vững, và góp phần thực thi có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), một thành viên khác của PRO Việt Nam, đã dừng sử dụng ống hút nhựa từ tháng 4/2019 tại hơn 600 điểm bán trên toàn quốc; thay màn co, túi nilong gói thực phẩm tự hủy bằng lá chuối tươi.
Những hành động này đánh dấu Saigon Co.op là hệ thống bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam quyết định không bán ống hút nhựa, mở màn cho chiến dịch bảo vệ môi trường mới thông qua hành vi tiêu dùng trên kênh bán lẻ hiện đại.
Hành động nhỏ dẫn lối hiện thực hóa tham vọng khí hậu tại COP26
HDBank nhận thêm 70 triệu USD để tài trợ năng lượng tái tạo
IFC sẽ cung cấp khoản vay trị giá 70 triệu USD cho HDBank – một trong những ngân hàng hàng đầu về tài trợ khí hậu – để tăng nguồn tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Đề xuất phát hành trái phiếu năng lượng cho điện than
Đại diện Ngân hàng MB đề xuất cần có cơ chế tài chính riêng để phát triển các dự án điện than.
Standard Chartered cam kết tài trợ 6 tỷ USD cho các dự án xanh của T&T Group
Ngày 31/10 và 1/11, trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị COP26 và thăm làm việc tại Vương quốc Anh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tập đoàn T&T Group của doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã ký kết và trao một loạt biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với các đối tác hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực tài chính, môi trường, năng lượng tái tạo, y tế, giáo dục, thể thao.
HSBC cấp tín dụng xanh đầu tiên cho điện gió Việt Nam
Đây là khoản tài chính bền vững đầu tiên mà HSBC cấp cho một doanh nghiệp điện gió trong nước, và là khoản tín dụng xanh thứ ba cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Điểm mới của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung quy định thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế mới, tạo tác động lớn đến doanh nghiệp.
Vingroup và PV Power hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh
Vingroup và PV Power ký thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy hệ thống điện mặt trời áp mái.
Sandoz khởi động chương trình cộng đồng phòng, chống đề kháng kháng sinh
Sáng ngày 22/11/2024, công ty Sandoz đã chính thức phát động chương trình cộng đồng về phòng, chống kháng kháng sinh (AMR) tại Việt Nam.
Chúng ta đã đi bao xa trên con đường phát triển bền vững
Có lẽ đã đến lúc thay đổi góc nhìn về triển vọng và thực tiễn của sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Giải mã sức hút của shophouse Nghi Sơn Central Park
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.
PV Gas theo đuổi các dự án khí tại Bắc Bộ
PV Gas vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về các dự án khí, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ.
Phố đi bộ nơi 'tọa độ kim cương' của Phổ Yên chính thức lộ diện
Phố đi bộ bên cạnh quảng trường Vạn Xuân sẽ sớm trở thành biểu tượng giao thương và điểm đến sôi động bậc nhất, giúp gia tăng giá trị bất động sản cho khu vực