Thị phần tín dụng ngân hàng quốc doanh dự báo tiếp tục giảm

Trần Anh - 15:56, 24/02/2021

TheLEADERNhững yêu cầu về vốn cùng với đà tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tác động tiêu cực tới khả năng tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng quốc doanh.

Trong 5 năm gần đây, ngành ngân hàng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các ngân hàng tư nhân về thị phần tín dụng. Trong 26 ngân hàng niêm yết tính đến năm 2020 đã tăng tổng thị phần tín dụng từ 65,4% cuối năm 2015 lên 71,3% năm 2020. Khi tính cả Agribank - một trong hai bên cho vay lớn nhất thị trường, 27 ngân hàng này chiếm 84,5% tổng thị phần tín dụng năm 2020. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân của các ngân hàng trong 5 năm qua là 14,6%.

Tuy nhiên, phần lớn thị phần gia tăng những năm qua thuộc về các ngân hàng thương mại tư nhân, trong khi thị phần tín dụng của các ngân hàng quốc doanh bị thu hẹp. Một trong những nguyên nhân là yêu cầu về vốn, tạo cơ hội cho các ngân hàng có nguồn lực tốt và gây áp lực lên các ngân hàng còn lại. Trong quá trình phát triển của ngành ngân hàng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đang có sự phân hóa lớn diễn ra.

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chia thị trường tín dụng thành 3 nhóm chính, bao gồm nhóm 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank), nhóm ngân hàng tư nhân lớn nắm giữ trên 2% thị phần (MB, Techcombank, VPBank, Sacombank, ACB, SHB) và nhóm còn lại có thị phần tín dụng trên 1% (TPBank, VIB, Eximbank…).

Với nhóm ngân hàng quốc doanh, trong số bốn nhà cho vay lớn nhất, áp lực về vốn có sự khác biệt. Điều này dẫn đến việc Vietinbank đã kém hiệu quả về tăng trưởng tín dụng. Trong đó, Vietcombank là ngân hàng duy nhất đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn trung bình toàn ngành, ở mức 16,2%. Vietcombank đã duy trì tốt đà tăng trưởng tín dụng với hệ số CAR ổn định và mức sinh lời cao.

Trong khi đó, Vietinbank bị hạn chế bởi nền tảng vốn mỏng, tỷ lệ đòn bẩy cao, hiệu quả thấp và không đủ dư địa để pha loãng tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Kết quả là, ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng tín dụng hàng năm một con số trong giai đoạn 2018-2020 và thị phần của ngân hàng đã giảm đáng kể trong 5 năm qua.

Agribank cũng bị mất thị phần tín dụng. Tỷ lệ CAR của ngân hàng, theo chuẩn Basel II, chỉ ở mức 6% trong năm 2020 và thị phần giảm so với mức đỉnh năm 2018.

BIDV cũng đã chứng kiến tăng trưởng tín dụng chậm lại những năm gần đây, khi tác động tích cực từ đợt phát hành riêng lẻ giảm dần. Tỉ lệ CAR của BIDV tính đến nửa đầu năm 2020 ở mức 8,97%, gần mức yêu cầu tối thiểu 8% của Basel II. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tại BIDV tăng trưởng âm đã mang lại dư địa cho dư nợ cho vay khách hàng, do áp lực từ nền vốn mỏng lên hạn mức mở rộng tín dụng.

Nhìn chung, các ngân hàng quốc doanh đều mất thị phần tín dụng trong 5 năm qua, chỉ riêng Vietcombank là ngoại lệ. Các ngân hàng quốc doanh chủ yếu dựa vào khoản cho vay khách hàng để tăng trưởng dư nợ tín dụng. BIDV và Vietinbank nắm giữ một lượng trái phiếu doanh nghiệp đáng kể trong giai đoạn 2016-2019. Mặc dù tăng trưởng tín dụng thấp, các ngân hàng này vẫn giảm đáng kể số dư trái phiếu doanh nghiệp trong 3 năm qua (khoảng 73 nghìn tỷ đồng).

Với nhóm ngân hàng TMCP tư nhân lớn nắm giữ trên 2% thị phần tín dụng, triển vọng là khác nhau giữa các ngân hàng trong nhóm. Nhóm này đã tăng khoảng 3,5% thị phần tín dụng kể từ cuối năm 2015. MB đứng đầu về tốc độ tăng trưởng, sau đó là Techcombank và VPBank, trong khi ACB tăng trưởng chậm hơn.

Bốn ngân hàng này cũng vượt trội hơn các ngân hàng khác trong nhóm về giá trị vốn hóa thị trường. Sacombank là ngân hàng duy nhất trong nhóm này đánh mất thị phần tín dụng. Khẩu vị rủi ro và độ dày vốn được phản ánh thông qua mức tăng trưởng tín dụng bình quân 5 năm, trong đó Sacombank có mức thấp nhất (14,5%) do quá trình xử lý tài sản xấu tồn đọng.

MB, Techcombank, VPBank là những công ty có tốc độ tăng trưởng tín dụng kép hàng năm trên 20%, với hệ số an toàn vốn của các ngân hàng này thuộc hàng đầu. VDSC nhận thấy có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang trái phiếu doanh nghiệp vào năm 2020 để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong một năm mà nhu cầu vay vốn bị ảnh hưởng. Techcombank, mặc dù có tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2016-2019 một phần đóng góp từ trái phiếu doanh nghiệp (14%), đã tăng mạnh tỷ trọng công cụ nợ này vào năm 2020.

Sáu ngân hàng trong nhóm này đã tăng số dư trái phiếu doanh nghiệp thêm 88 nghìn tỷ đồng trong năm 2020, chiếm tỷ trọng khá lớn trong tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ đóng góp của trái phiếu doanh nghiệp vào tăng trưởng tín dụng năm 2020 trong nhóm dao động từ 20% (MB) đến 38% (Sacombank).

Với nhóm ngân hàng quy nhỏ còn lại có thị phần trên 1%, hầu hết đều có tăng trưởng tín dụng cao trong giai đoạn 2016 - 2020, nhưng TPBank là ngân hàng duy nhất có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trên 30%.

Năm 2020, ngân hàng này cũng gia tăng tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp. VIB cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng bình quân vượt trội. Tốc độ tăng trưởng của nhóm này là do nền dư nợ tín dụng thấp, khi tổng thị phần của 6 ngân hàng này chỉ xấp xỉ một mình Vietcombank. Cũng có một số ngân hàng đi ngược thị trường, như Eximbank đã dính nhiều lùm xùm trong hoạt động khiến ngân hàng tăng trưởng âm trong năm 2020 và thị phần tín dụng của ngân hàng này cũng giảm mạnh.

Cho năm 2021, VDSC dự báo tăng trưởng tín dụng 11,4% -14,7%, trung bình là 13,1%. Các ngân hàng tư nhân lớn, bao gồm Techcombank, MB, VPBank, ACB dự kiến sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng của họ, đạt trên mức trung bình của ngành.

Nhóm ngân hàng quốc doanh được dự báo sẽ vẫn bị áp lực về yêu cầu vốn, ngoại trừ Vietcombank. Thị phần tín dụng của các ngân hàng này trong ngắn hạn sẽ duy trì xu hướng giảm do thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng cao.