Thị trường phát điện và bán buôn điện cạnh tranh đã hình thành ở Việt Nam

Nhật Hạ - 17:55, 18/03/2021

TheLEADERĐây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An đưa ra trong hội nghị trực tuyến Đối thoại quốc tế về chuyển đổi năng lượng Berlin năm 2021.

Thị trường phát điện và bán buôn điện cạnh tranh đã hình thành ở Việt Nam
Việt Nam đứng thứ ba ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong lĩnh vực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Tại diễn đàn đối thoại quốc tế về chuyển đổi năng lượng Berlin vừa diễn ra trong hai ngày 16 – 17/3, với sự tham gia của hơn 2.700 đại biểu từ gần 100 nước, Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Đặng Hoàng An khẳng định, năng lượng có vai trò quan trọng sống còn đối với phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam.

Cùng với đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, Chính phủ Việt Nam quyết tâm và đang giành ưu tiên cao cho các nỗ lực phát triển ngành năng lượng theo hướng phát triển bền vững với mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát thải khí nhà kính.

Việc đưa vào vận hành thị trường điện và thị trường năng lượng cạnh tranh là các công cụ hiệu quả nhất nhằm thiết lập nền tảng cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Trong lĩnh vực điện lực, Việt Nam đã ban hành lộ trình phát triển thị trường điện theo ba cấp độ (Quyết định 63/2013/QĐ-TTg) nhằm lần lượt tự do hóa khâu phát điện, bán buôn điện và bán lẻ điện.

Đến nay, thị trường phát điện và bán buôn điện cạnh tranh đã được hình thành, các nhà máy điện đã và đang có thể chào giá cạnh tranh trong môi trường minh bạch và bình đẳng, một quá trình tái cơ cấu ngành điện (phân tách giữa yếu tố độc quyền tự nhiên và yếu tố cạnh tranh) đang được thực hiện nhằm hướng đến sự hình thành của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, cung cấp cho khách hàng sự lựa chọn đơn vị cung cấp điện.

Năm 2012, Việt Nam đã phê duyệt lộ trình Lưới điện thông minh để từng bước hiện đại hóa lưới điện, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong quản lý lưới điện, chú trọng thúc đẩy sự phát triển của nguồn điện phân tán, nguồn điện năng lượng tái tạo quy mô nhỏ và sự tham gia tương tác của khách hàng sử dụng điện trong việc quản lý và điều chỉnh phụ tải điện.

Các công nghệ tự động hóa đã được chủ động triển khai nhằm tích hợp số lượng lớn các nguồn điện tái tạo không điều khiển được như điện gió, điện mặt trời vào hệ thống.

Ông An cho biết, Việt Nam đang dành các khoản đầu tư lớn cho lĩnh vực năng lượng, tái cơ cấu toàn diện ngành năng lượng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo xu hướng mới trong phát triển bền vững bao gồm ứng dụng công nghệ tiến tiến, thân thiện với môi trường để nâng cao hiệu suất của ngành năng lượng, tăng tỷ trọng các nguồn và năng lượng tái tạo và thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Được biết, Đối thoại chuyển đổi năng lượng Berlin là diễn đàn quốc tế thường niên, có quy mô lớn, do Bộ Ngoại giao và Bộ Kinh tế năng lượng Cộng hòa Liên bang Đức đồng chủ trì nhằm thúc đẩy hợp tác chống biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, chia sẻ các ý tưởng về quá trình chuyển đổi năng lượng một cách an toàn, hợp lý và có trách nhiệm đối với môi trường.

Chủ đề chính của diễn đàn năm nay là “Mục tiêu năng lượng - hướng đến trung lập khí hậu”, tập trung thảo luận 5 chủ đề bao gồm hợp tác quốc tế, kinh tế xã hội, ứng dụng sáng tạo, tài chính, thiết kế thị trường.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tại đối thoại lần này, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện thành công việc chuyển đổi năng lượng, trong bối cảnh nỗ lực này đang nhận được sự ủng hộ toàn cầu, từ việc Mỹ quay trở lại với chính sách bảo vệ khí hậu đến việc các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cam kết hướng tới trung hòa carbon.

Ông nhấn mạnh, với sự chuyển đổi năng lượng và việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang dần khép lại, thế giới sẽ thay đổi đáng kể trong những thập kỷ tới.

Đồng thời, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier cho rằng, nếu có hướng tiếp cận thông minh, quá trình chuyển đổi năng lượng và bảo vệ khí hậu sẽ không mâu thuẫn với sự thịnh vượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Thay vào đó, việc chuyển đổi năng lượng có tiềm năng trở thành động cơ cho sự đổi mới và tăng trưởng bền vững.

Trước đó, đầu tháng 3/2021, trang energyvoice.com dẫn kết quả nghiên cứu mới nhất của IHS Markit (Anh) cho thấy Việt Nam đứng thứ ba ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong lĩnh vực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, chỉ sau Australia và Nhật Bản. Đồng thời, Việt Nam cũng đứng đầu trong số các thị trường mới nổi nhờ đưa ra biểu giá điện tốt để thu hút đầu tư vào điện gió và điện mặt trời.

Trong thời gian tới, nhu cầu năng lượng của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh nhằm đáp ứng với sự tăng trưởng cao của nền kinh tế và nhu cầu sinh hoạt ngày càng lớn của người dân.

Để phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện) đang được khuyến khích phát triển mạnh mẽ, từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045.

Cụ thể, về chương trình phát triển nguồn điện, tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2GW. Trong đó nhiệt điện than 27%; nhiệt điện khí 21%; thủy điện 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%, nhập khẩu khoảng gần 4%; thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng gần 1%.

Năm 2045, tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7GW. Trong đó nhiệt điện than 18%; nhiệt điện khí 24%; thủy điện 9%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác trên 44%, nhập khẩu khoảng gần 2%, thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng 3%.