Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc cho rác thải

Phạm Sơn - 10:26, 26/10/2020

TheLEADERHệ thống truy xuất nguồn gốc rác thải sẽ là cơ sở để thực thi công cụ chính sách Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, đáp ứng cách tiếp cận mới “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc cho rác thải

Hiện nay, mô hình kinh tế tuần hoàn được xem như là giải pháp vẹn toàn nhất cho bài toán ô nhiễm môi trường và khủng hoảng rác thải khi giải quyết được mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, điều mà trước đây từng được coi là hiển nhiên và con người bắt buộc phải chấp nhận.

Theo ông Nguyễn Thế Chinh, Nguyên viện trưởng Viện chiến lược và chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường, mô hình kinh tế tuần hoàn là điều tất yếu trong tiến trình phát triển, cần được lồng ghép vào những thành tựu của kinh tế kỹ thuật số để đạt được hiệu quả cao và bao trùm.

Một trong những ứng dụng của công nghệ số đang được nhiều chuyên gia quốc tế đề xuất nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn là hệ thống truy xuất nguồn gốc, hoạt động dựa trên nguyên lý và nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ Optel cho biết, hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là đối với ngành bao bì. Cụ thể, thông qua hệ thống này, nhà sản xuất có khả năng quản lý hiệu quả hơn sản phẩm và tối ưu hóa tuổi thọ của bao bì.

Đảm bảo lợi ích vẹn toàn cho các bên trong chuỗi giá trị tái chế

Các thông tin hữu ích có thể truy xuất được thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc bao gồm giá trị thị trường của bao bì, sự di chuyển của bao bì trong chuỗi cung ứng, bao bì đang được tái sử dụng hay tái chế như thế nào và giai đoạn nào đang gây ra sự lãng phí đối với bao bì.

Như vậy, đây sẽ là công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp thực thi khung chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), một trong những khái niệm mới được cụ thể hóa tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mới được trình lên Quốc hội xem xét vào tháng 5 vừa qua.

Bên cạnh đó, công cụ này cũng giúp doanh nghiệp hạn chế vấn nạn hàng nhái, hàng giả cũng như thu hồi sản phẩm nhanh chóng hơn trong các trường hợp rủi ro.

Về phía người tiêu dùng, hệ thống truy xuất nguồn gốc cho phép truy cập dễ dàng các thông tin liên quan đến sản phẩm và bao bì sản phẩm, bao gồm nguồn gốc nguyên vật liệu, quy trình sản xuất cũng như cam kết của nhà sản xuất đối với bao bì.

Các thông tin bổ sung khác có thể được cân nhắc thêm vào hệ thống như hướng dẫn phân loại, xử lý sơ hoặc tái chế rác thải sau khi sử dụng cũng như các địa điểm thu gom rác thải được cấp phép và kiểm soát, giúp người tiêu dùng tham gia tích cực vào chuỗi giá trị tái chế.

Đây cũng là mục tiêu đầu tiên được Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đặt ra trong tầm nhìn dài hạn để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn đối với ngành bao bì. Ông Jeff Fielkow, Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam, một thành viên của PRO Việt Nam lý giải, nâng cao tỷ lệ thu gom giúp các nhà máy tái chế đảm bảo nguyên liệu đầu vào, qua đó có động lực đầu tư cải tiến công nghệ và nâng cao chất lượng.

Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc cho rác thải nhựa
Kế hoạch thực hiện áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với ngành bao bì của PRO Việt Nam. Ảnh: PRO Việt Nam.

Với vai trò điều tiết và kiểm soát, các cơ quan chính phủ có thể sử dụng công cụ truy xuất nguồn gốc để theo dõi mức độ thực thi của các doanh nghiệp, bao gồm nhà sản xuất, nhà bán lẻ và đơn vị xử lý rác thải.

Từ đó, những hiện tượng vi phạm nghiêm trọng, hủy hoại môi trường để trục lợi, điển hình như vụ việc công ty môi trường Mỹ Nga chôn lấp trái phép chất thải nguy hại sẽ được ngăn chặn kịp thời.

Lực lượng thu gom rác thải phi chính thức, bao gồm người thu mua phế liệu và các làng nghề tái chế cũng có thể được kiểm soát để tham gia tích cực vào mô hình kinh tế tuần hoàn nhờ vào hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Cụ thể, theo Ngân hàng Thế giới (WB), hiện có khoảng 10% rác thải rắn sinh hoạt có khả năng tái chế được thu gom và xử lý bởi khu vực phi chính thức. Do đó việc đưa nhóm này tham gia vào chuỗi giá trị tái chế sẽ trở thành nguồn lực vô cùng quan trọng.

Theo đó, với các thông tin được cung cấp trên hệ thống truy xuất nguồn gốc, những người trong nhóm phi chính thức có thể xử lý sơ phế liệu và bán lại doanh nghiệp tại hệ thống thu gom với mức giá cho trước. Các đơn vị tái chế và doanh nghiệp sản xuất cũng có thể cân nhắc tới việc cung cấp trang thiết bị cho họ để hoạt động này diễn ra thuận lợi.

Một điều quan trọng được các chuyên gia nhấn mạnh là tính minh bạch của thông tin được chia sẻ. Các thông tin sẽ được lưu trữ một cách an toàn, không bị xâm phạm hay cố tình sửa đổi vì mục đích gian lận, trục lợi.

Công ty giải pháp công nghệ Everledger nhận định, các mô hình kinh tế đều cần được hoạt động dựa trên nền tảng là dòng chảy của thông tin. Do đó, với những thông tin minh bạch và được truy cập dễ dàng thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ được vận hành bài bản và hiệu quả.

Tuy nhiên, những thách thức do sự thiếu hụt về công nghệ, hành lang pháp lý chưa rõ ràng đang đặt ra đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc tái chế, đòi hỏi nỗ lực không ngừng nghỉ của doanh nghiệp, chính phủ và các bên liên quan.

Các chuyên gia của Everledger nhận xét, hệ thống truy xuất nguồn gốc không phải là giải pháp hoàn hảo cho mọi vấn đề, tuy nhiên sẽ là một cơ hội tốt để hiện thực hóa và tối ưu hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn trong tương lai tới.