Thỏa thuận thuế của nhóm G7: Dấu chấm hết cho ‘cuộc đua xuống đáy’?

Phạm Sơn - 09:46, 09/06/2021

TheLEADERThỏa thuận về mức thuế chung toàn cầu được kỳ vọng sẽ chấm dứt hiện tượng cạnh tranh trong thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế đang diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới.

Thỏa thuận thuế của nhóm G7: Dấu chấm hết cho ‘cuộc đua xuống đáy’?
Thỏa thuận về thuế mới được G7 đưa ra trong cuộc họp tại London. Ảnh: Reuters.

Các bộ trưởng tài chính của nhóm G7 đã đạt được “thỏa thuận mang tính lịch sử nhằm cải cách hệ thống thuế toàn cầu, phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuật số”. Thông tin này được đưa ra bởi Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Rishi Sunak, ngay sau khi ông Sunak chủ trì cuộc họp kéo dài 2 ngày ở London.

Cụ thể, nhóm G7 đồng thuận đưa ra các quy định nhằm đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế tại các nước diễn ra hoạt động sản xuất kinh doanh, thay vì tìm cách chuyển phần lợi nhuận về những “thiên đường thuế”. Đồng thời, G7 cũng yêu cầu áp mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% trên toàn thế giới.

Nhận xét về thỏa thuận mới của các bộ trưởng tài chính G7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Olaf Scholz khẳng định, đây là “tin xấu đối với các thiên đường thuế trên khắp thế giới".

Chủ trương về chính sách thuế mới được nhóm G7 đưa ra trong bối cảnh các quy tắc thuế trên toàn thế giới từ những năm 20 của thế kỷ trước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp đa quốc gia chuyển phần lợi nhuận sang cơ sở kinh doanh tại các quốc gia có thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, hay còn gọi là chuyển giá để hạn chế mức thuế phải đóng.

Đồng thời, hoạt động toàn cầu của những doanh nghiệp công nghệ như Facebook hay Google ngày càng khó kiểm soát. Các nước châu Âu đã tiến hành áp thuế dịch vụ kỹ thuật số cho các công ty này. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số là một động thái mang tính phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp Mỹ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen cho biết, sau khi quy tắc thuế mới có hiệu lực, thuế dịch vụ kỹ thuật số tại các nước châu Âu sẽ được gỡ bỏ.

Theo Reuters, thỏa thuận này có thể sẽ không chỉ dừng lại ở nhóm G7 khi nước Ỹ mới đây cho biết sẽ “tìm kiếm sự ủng hộ từ quốc tế” tại cuộc họp của G20 diễn ra tại Venice vào tháng tới.

Có được sự đồng thuận của G20 sẽ là bước tiến quan trọng để đạt được một thỏa thuận mang tính toàn cầu, khi quy mô kinh tế của nhóm G20 chiếm tới hơn 90% GDP thế giới.

Cái kết cho ‘cuộc đua xuống đáy’?

Song song với quá trình hội nhập, những cuộc cạnh tranh ưu đãi thuế để thu hút dòng vốn FDI đã diễn ra tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Cụ thể, các quốc gia thi nhau hạ thấp thuế, cam kết thêm nhiều ưu đãi về thuế, phí thuê đất để lôi kéo doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào.

Tuy nhiên, thỏa thuận thuế của G7, theo nhận xét của bà Janet Yellen, nguyên Chủ tịch Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed), đương nhiệm Bộ trưởng Tài chính Mỹ, sẽ chấm dứt cuộc chạy đua xuống đáy về thuế trên toàn cầu. Bà Chrystia Freeland, Bộ trưởng Bộ Tài chính Canada cũng đưa ra nhận định tương tự.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức thuế chung 15% là chưa đủ để chấm dứt hiện tượng cạnh tranh ưu đãi thuế. Đại diện tổ chức Oxfam bình luận, 15% là “rào cản khá thấp mà các công ty có thể dễ dàng vượt qua”. Viện Nghiên cứu chính sách công (IPPR) đến từ nước Anh đưa ra quan điểm mức thuế chung 21% sẽ “công bằng hơn”.

Đáp lại quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, con số 15% sẽ chỉ là điểm khởi đầu. Mức thuế chung sẽ được nghiên cứu nâng cao hơn nữa trong tương lai.

Theo các chuyên gia, hiện tượng cạnh tranh ưu đãi thuế để thu hút FDI không đem lại hiệu quả như mong muốn, lại làm thất thu ngân sách, gia tăng bất bình đẳng, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 khiến các quốc gia đang phát triển phải chịu nhiều gánh nặng tài khóa.

Cuối năm 2020, Liên minh Công bằng thuế (VATJ) cũng đưa ra nghiên cứu cảnh báo về cuộc đua xuống đáy tại ASEAN, đồng thời đề xuất một mức thuế chung cho khu vực để chấm dứt hiện tượng này.

Các chuyên gia VATJ cho biết, nhiều chính sách nhằm hạn chế ưu đãi quá mức đang được thảo luận tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó phải kể đến sáng kiến đánh thêm phần thuế chênh lệch so với mức thuế tối thiểu của Tổ chức Hợp tác và phát triên kinh tế (OECD).