Thời Covid: Ngẫm về 'mở cửa và 'an toàn'

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng - 14:00, 14/04/2021

TheLEADERMở cửa an toàn là mệnh lệnh hành động, an toàn bổ nghĩa cho mở cửa. Đó cũng có cặp đôi song hành, gắn bó mật thiết, thúc đẩy lẫn nhau. Mở cửa phải an toàn và an toàn mới mở cửa.

Ở Việt Nam, đại dịch Covid-19 bước đầu bị đẩy lùi, co cụm nhưng vẫn rình rập cơ hội phản công ác liệt. Tết Nguyên Đán vừa rồi là bài học nhãn tiền, cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn về bùng phát dịch bệnh. Trước đó mấy lần, cứ tưởng chiến thắng cận kề, ai ngờ Covid tái xuất. Thế giới chưa kịp sản xuất vaccine chủng ngừa, Covid-19 đã có những biến thể mới, nguy hiểm hơn.

Gần một năm rưỡi, Covid-19 hoành hoành, thiệt hại khủng khiếp, chưa thể tính số. Dù chưa thể chặn đứng hoàn toàn, các quốc gia đều tính tới việc từng bước khôi phục kinh tế. Ngành du lịch đang mòn mỏi chờ cơ hội phục hồi và tăng tốc. Dịp 30/4 và hè sắp tới, nếu dịch không tái phát là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cắt lỗ triền miên.

Du lịch nội địa tái khởi sắc, dù thói quen mua, bán và tổ chức dịch vụ có nhiều thay đổi. Du lịch vẫn là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Con người không chết vì thiếu du lịch nhưng sẽ có những sang chấn và hệ lụy tâm lý nếu bị cấm cửa. Không đi xa thì chơi gần, thậm chí du lịch tại chỗ qua sách, báo, internet, truyền hình…

Du lịch quốc tế đang hồi hộp chờ nối lại đường bay, mở cửa thị trường với hộ chiếu vaccine. Cả nhà nước lẫn doanh nghiệp đều nóng ruột. Doanh nghiệp đình trệ, phá sản; người lao động thất nghiệp. Không có doanh thu, lấy đâu tiền nộp thuế để duy trì bộ máy. Nhà nước sẽ khó khăn vì tiền không thể in như sách báo.

Du lịch nội địa và các hoạt động kinh tế Việt Nam đã từng bước mở cửa trong điều kiện bình thường mới với 5K: Khử trùng (rửa tay diệt khuẩn) - Khẩu trang - Khoảng cách - Khai báo y tế - Không tập trung đông người. An toàn là mục tiêu tối thượng của các hoạt động xã hội. Mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng toàn dân và vô số hệ lụy.

Mở cửa và an toàn
Biển người đổ về chùa Tam Chúc ngày 14/3 vừa qua - Nguồn ảnh: Internet

An toàn mới mở cửa nhưng thụ động đợi an toàn tuyệt đối mới mở cửa thì thời cơ sẽ biến mất. Có thể chết vì khủng hoảng xã hội và đói, trước khi chết vì dịch bệnh. Do vậy phải chủ động tạo ra an toàn bằng các biện pháp phòng chống tích cực, mà 5K là cụ thể hóa. So với tình hình nhiều quốc gia khác, Việt Nam may mắn vì phòng chống hiệu quả hơn. Nhiều hoạt động vẫn duy trì, dù chưa thể so với trước dịch.

Chưa ai dám dự báo chính xác về tương lai dịch bệnh lẫn phục hồi kinh tế. Nam Mỹ và châu Âu đang trải qua thời gian tồi tệ hơn vì dịch bệnh tái phát sau khi tạm lắng. Ấn Độ đang thành tâm bão dịch. Thái Lan và Campuchia, những quốc gia được xem là chống dịch hiệu quả, đang chuẩn bị mở cửa mạnh hơn; bỗng dịch bệnh bùng phát dữ dội, đe dọa thành thảm họa y tế.

Nói vậy để cùng nhau nhắc nhở, cùng nhau thực hiện 5K triệt để. Báo chí và dư luận xã hội phê phán mạnh mẽ việc biển người chen chúc viếng chùa Tam Chúc (Hà Nam) vào ngày 14/3/2021. Trách người dân một, trách ban quản lý chùa và chính quyền địa phương gấp đôi, gấp ba vì thái độ vô trách nhiệm với cộng đồng. Ngày xưa, ông bà mình nói vãn cảnh chùa chứ không nói đi chợ chùa. Chen chúc xô đẩy gấp mấy lần chợ thì tâm linh nỗi gì?

Nếu một trong những người viếng chùa hôm đó nhiễm bệnh? Làm sao truy vết hết hơn 50.000 F1, cả triệu F2, F3. Chẳng lẽ cách ly cả nước? Tiêu chí 5K trở thành 5 KHÔNG, nghĩa là “Không có gì phải sợ”. Cứ như Covid-19 sợ đám đông liều lĩnh của người Việt, xem thông tin mà lo ngay ngáy. Thật may, lần này dịch bệnh quên ghé!

Bóng đá nhiều nước gián đoạn, nhiều giải đấu tạm ngưng hoặc thi đấu với khán giả rất hạn chế. Việt Nam ngược lại, sân cỏ vẫn tưng bừng, nhiều trận lượng khách kín sân. Ngày 4/4/2021, hơn 20.000 khán giả đến chật kín sân vận động Thiên Trường cổ vũ cho trận đấu Dệt Nam Định với Sông Lam Nghệ An.

Tôi không dám xem hết trận vì sợ. Hàng vạn khán giả, vai kề vai, hò hét cổ vũ, rất ít người đeo khẩu trang. Gần như không có chuyện đo thân nhiệt, rửa tay khử khuẩn. Đáng lo nhất là việc ban tổ chức xem chuyện này bình thường, không hề nhắc nhở hoặc chấn chỉnh cho những trận đấu tiếp theo. Số lượng khách chung xe, chung tàu ít hơn hàng ngàn lần sân vận động nhưng vẫn thực hiện nghiêm túc khẩu trang. Hay là ngành thể thao được miễn dịch?

Theo dõi các trận cầu khác, lượng khách ít hơn sân Thiên Trường nhưng cũng hàng ngàn người. Vẫn hình ảnh quen thuộc, không khẩu trang, kề vai sát cánh, cổ vũ hò hét. Tôi để ý thấy huấn luyện viên đội tuyển quốc quốc gia Pak Hang Seo đến dự khán nhiều trận. Lúc nào ông cũng khẩu trang nghiêm chỉnh, giữ khoảng cách nhất định và ghi chép tỉ mẩn.

Khách viếng chùa Tam Chúc chỉ chen chúc chốc lát, còn khán giả xem bóng đá ngồi sát bên nhau cả buổi, bên nào đáng sợ hơn? Câu trả lời dành cho bạn đọc và ban tổ chức các trận đấu. Việc phòng chống dịch bệnh giản đơn là đeo khẩu trang mà còn bị thả nổi, làm sao thực hiện nhưng biện pháp đồng bộ khác.

Mở cửa phải an toàn và an toàn mới mở cửa. Cả hai việc đều cần sự chung tay, góp sức và đồng lòng của mỗi người dân cho đến từng doanh nghiệp, từng cấp quản lý.