Thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Hương Giang - 15:34, 25/04/2023

TheLEADERTại Việt Nam, trong 20 năm qua, số lượng phụ nữ được phong học hàm giáo sư đã tăng từ 4,3% lên 15,3%, số lượng phụ nữ tham gia các tổ chức nghiên cứu của cả nước đã tăng lên gần 50%. Sự tăng trưởng nhanh chóng đó cho thấy phụ nữ Việt Nam đang ngày càng tham gia tích cực vào hoạt động đổi mới sáng tạo.

Thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Phụ nữ Việt Nam ngày càng tham gia nhiều vào hoạt động đổi mới sáng tạo (Ảnh: VAST)

Nhằm tôn vinh hoạt động đổi mới sáng tạo và kỷ niệm Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 (IP Day) 2023, Sở khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã tổ chức tọa đàm "Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo" vào ngày 22/4 vừa qua.

Đây là hoạt động nhằm tôn vinh và khuyến khích tất cả những người phụ nữ tham gia vào đổi mới sáng tạo hướng tới bình đẳng giới trong hoạt động SHTT, giải phóng sự khéo léo, sáng tạo của phụ nữ và trẻ em gái, góp phần xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Phụ nữ Việt Nam khẳng định vị thế trong hoạt động đổi mới sáng tạo

Theo ông Đinh Hữu Phí, trong những năm vừa qua, WIPO nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang rất nỗ lực trong việc thu hẹp khoảng cách về giới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Rõ ràng đây không chỉ là vấn đề của riêng của quốc gia nào mà là vấn đề mang tính toàn cầu.

Theo tổng hợp từ WIPO, chỉ có khoảng 4% phụ nữ ở các quốc gia nói tiếng Đức là chủ đơn đăng ký sáng chế. Con số này ở Mỹ là 10% và ở các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha là khoảng 20%. Nam giới đăng ký bản quyền tác giả nhiều gấp đôi so với nữ giới. Những số liệu này cho thấy rằng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ vẫn còn một khoảng cách giới đáng kể.

Hiện chưa có con số thống kê các nhà sáng chế đứng tên trên đơn đăng ký sáng chế là phụ nữ tại Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đang có sự gia tăng (chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước).

Thông qua hoạt động nghiên cứu KH&CN, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình, được nhà nước, xã hội, cộng đồng tôn vinh và ghi nhận những đóng góp lớn lao trong công tác nghiên cứu KH&CN, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Ví dụ, PGS. TS. Nguyễn Thị Trâm, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu thành công hàng chục giống lúa lai có giá trị hàng tỷ đồng. GS. TS. Lê Mai Hương (Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) đã đoạt giải Vàng, giải Bạc tại Triển lãm quốc tế phụ nữ sáng tạo và sở hữu trí tuệ năm 2018 của Hiệp hội các nhà nữ sáng chế của Hàn Quốc; TS. Lê Thái Hà (34 tuổi) là nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam được đưa vào danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022 được Nhà xuất bản Elsevier công bố.

Hay 3 nhà nữ khoa học: PGS.TS. Lê Minh Hà (Trưởng Phòng Hóa dược, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi (Phó Trưởng Khoa Nông học, phụ trách Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Khoa Nông học, Đại học Nông Lâm Huế), TS. Hà Thị Thanh Hương (Trưởng bộ môn Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, Khoa Kỹ thuật y sinh, Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TPHCM) được "L'Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học" vinh danh Giải Tài năng nữ khoa học trẻ thế giới.

Ngoài ra, tại Cục Sở hữu trí tuệ, số cán bộ, công chức, viên chức người lao động nữ chiếm hơn 50%. Những con số trên cho thấy phụ nữ ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong hoạt động đổi mới sáng tạo của xã hội. 

Hỗ trợ nhà khoa học, doanh nhân nữ trong hoạt động sở hữu trí tuệ

Để tăng cường hoạt động đổi mới sáng tạo của phụ nữ, ông Đinh Hữu Phí cho biết trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tập trung chú trọng một số giải pháp cụ thể dưới đây.

Thứ nhất là tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới trên nhiều phương diện, môi trường khác nhau, từng bước thay đổi quan niệm của xã hội về việc phụ nữ tham gia vào các hoạt động lao động trí tuệ, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ nói chung, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói riêng.

Thứ hai, Cục sẽ phối hợp với Bộ giáo dục đưa nội dung này vào các chương trình giáo dục ở các cấp học. Khi có thêm hiểu biết về sở hữu trí tuệ, phụ nữ Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, từ đó sẽ gia tăng cơ hội phát huy sự khéo léo, sức sáng tạo của mình.

Bên cạnh đó, cụ thể hóa các chính sách hướng tới bình đẳng giới trong hoạt động gắn với sở hữu trí tuệ, hỗ trợ phụ nữ tham gia hoạt động kinh doanh, nghiên cứu khoa học phù hợp với những đặc điểm tự nhiên, đời sống xã hội của phụ nữ, đảm bảo các chính sách pháp luật phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế là một điều vô cùng cần thiết.

Vì vậy, Cục cũng sẽ kiến nghị Nhà nước ban hành các chính sách bồi dưỡng, đào tạo ưu tiên đối với nữ trí thức trong lĩnh vực kinh doanh và làm công tác nghiên cứu khoa học nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện nguồn nhân lực nữ trong lĩnh vực này trước mắt cũng như lâu dài; quan tâm, có chính sách ưu đãi cán bộ nữ làm kinh doanh hoặc nghiên cứu khoa học thuộc dân tộc thiểu số, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thứ tư, Cục cũng đang nghiên cứu, xây dựng các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia áp dụng cho các nhà khoa học nữ; khuyến khích họ tham gia sâu hơn, thường xuyên hơn vào công tác nghiên cứu khoa học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo hoặc xây dựng cơ chế tăng cường giao nhiệm vụ khoa học công nghệ cho các nhà khoa học nữ để tận dụng tối đa năng lực của họ.

Cuối cùng, Cục nêu bật vai trò của việc phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên nữ tại các trường đại học. Hoạt động này sẽ góp phần lan tỏa niềm đam mê, yêu thích hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên; tăng cường các hình thức tôn vinh, ghi nhận các kết quả sáng tạo, tài năng của doanh nhân, cán bộ nghiên cứu khoa học và sinh viên nữ; từ đó thúc đẩy phụ nữ tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học nhiều hơn trong tương lai.