Thủ tướng đề nghị dùng công nghệ xanh, sạch cho dự án lọc hóa dầu Long Sơn

Nhật Hạ - 12:56, 17/02/2022

TheLEADERDự án tổ hợp hoá dầu miền Nam dự kiến tiếp tục được đầu tư 5,16 tỷ USD cho giai đoạn 2 với công nghệ tiên tiến theo hướng xanh, tuần hoàn.

Tại buổi tiếp lãnh đạo Tập đoàn SCG (Thái Lan) và Amata Việt Nam chiều ngày 16/2, Thủ tướng đã đánh giá cao Tập đoàn SCG có nhiều nỗ lực thúc đẩy dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam (còn gọi là Tổ hợp hóa dầu Long Sơn) tại khu công nghiệp Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của đại dịch.

Đây là công trình trọng điểm quốc gia, được khởi công xây dựng năm 2018 và sẽ hoàn thành năm 2022. Dự án này có tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD từ Tập đoàn SCG ở giai đoạn 1, là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam có công suất sản xuất olefin đạt tới 1,6 triệu tấn/năm. 

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn SCG tập trung và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam để dự án được vận hành thương mại theo đúng kế hoạch.

Từ đó hướng đến việc thay thế và giảm dần việc nhập khẩu các sản phẩm hóa dầu, cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp sản xuất nội địa, tạo ra cơ hội xuất khẩu các mặt hàng hàng hóa dầu, giúp Việt Nam có mặt trên bản đồ các nước xuất khẩu sản phẩm hóa dầu, đặt nền tảng cho những đầu tư trong tương lai về công nghiệp hạ nguồn (chuyển đổi dầu, khí thành sản phẩm hoàn chỉnh) và các ngành công nghiệp liên quan.

Thủ tướng đề nghị dùng công nghệ xanh, sạch cho dự án lọc hóa dầu Long Sơn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG (Thái Lan). Ảnh: Nhật Bắc

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị SCG đưa những công nghệ tiên tiến nhất, công nghệ xanh, công nghệ sạch vào dự án này, đồng thời hỗ trợ phía Việt Nam nâng cao năng lực quản trị, thu hút các nguồn tài chính xanh…

Ông cũng kỳ vọng sẽ sớm triển khai kế hoạch hợp tác giữa Tập đoàn SCG và Amata tham gia đầu tư tại khu công nghiệp dầu khí Long Sơn và Trung tâm điện lực Long Sơn.

Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG (Thái Lan) cho biết dự án tổ hợp hoá dầu miền Nam dự kiến tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 với số vốn đầu tư 5,16 tỷ USD để đầu tư công nghệ tiên tiến theo hướng xanh, tuần hoàn.

Thông tin tăng vốn cho giai đoạn tiếp theo cũng đã được lãnh đạo Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (công ty thành viên của SCG) cho biết tại cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính cuối tháng 12/2021.

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn SCG tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư kinh doanh theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề, lĩnh vực và sản phẩm tại Việt Nam;

Mặt khác, ông mong muốn Amata xem xét khả năng thu xếp nguồn lực để có thể mở rộng đầu tư các khu công nghiệp định hướng công nghệ cao tại Việt Nam, đồng thời là cầu nối đưa các tập đoàn lớn của Thái Lan nói riêng và thế giới nói chung đến đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh dòng vốn FDI trên thế giới đang định vị lại chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Hiện nay, tổ hợp có tổng diện tích trên 460ha, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu, liền kề cảng Cái Mép - Thị Vải. Trong đó, 398 ha được dùng cho xây dựng nhà máy (gồm 10 nhà máy, công suất chế biến đạt 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm, sử dụng nguồn khí Etan trong nước) và 66 ha đất xây dựng cảng.

Dự án được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hóa dầu, khi đi vào hoạt động sẽ có công suất 998.000 tấn ethylene, 420.000 tấn Propylene, 113.000 tấn Butadiene, 483.000 tấn PP, 525.000 tấn HDPE, 525.000 tấn LDPE trong 1 năm.

Đến năm 2023, tổ hợp hóa dầu miền Nam dự kiến sẽ hoạt động để giúp thay thế và giảm dần việc nhập khẩu các sản phẩm hóa dầu, cung cấp nguồn nguyên nhiên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp sản xuất nội địa.

Dự án này sau khi vận hành sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 20.000 lao động và góp phần lan tỏa lớn để các ngành công nghiệp, từ hóa dầu đến ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì cũng như các ngành dịch vụ khác, giúp cho kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.