Thủ tướng yêu cầu dành tất cả những gì tốt nhất cho TP.HCM chống dịch

Nhật Hạ - 20:01, 08/07/2021

TheLEADER15 ngày tới thực hiện chỉ thị 16 của TP.HCM được xem là ‘trận đánh quyết định’ trong phòng chống dịch của cả nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần “tất cả vì TP.HCM” và yêu cầu dành những gì tốt nhất cho thành phố chống dịch.

Tại cuộc họp với TP.HCM ngày 8/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: "việc thực hiện Chỉ thị 16 với TP.HCM là một quyết định rất khó khăn nhưng cần thiết và phù hợp trong lúc này, đã được cân nhắc kỹ lưỡng, trao đi đổi lại nhiều lần".

Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục “chống dịch như chống giặc” và thực hiện mục tiêu kép. Tuy nhiên, trong lúc này, ưu tiên cao nhất với TP.HCM là công tác chống dịch để đưa thành phố trở lại bình thường. 

Những nơi an toàn, điều kiện cho phép thì tiếp tục tổ chức sản xuất, khuyến khích các nhà máy cho công nhân ăn nghỉ tại chỗ để duy trì hoạt động trong 15 ngày giãn cách, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất. Tăng cường hình thức làm việc trực tuyến.

"Việc chống dịch lần này ở TP.HCM chưa có tiền lệ, phải bám sát tình hình thực tế, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, phải rà soát, điều chỉnh, tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường kiểm tra, giám sát trong thực hiện Chỉ thị 16, tránh chồng chéo, dẫm chân lên nhau, tránh bỏ sót nhiệm vụ.

Chính phủ tiếp tục phân công hai Phó thủ tướng Trương Hòa Bình và Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo chống dịch tại TP.HCM. Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục sát cánh hàng ngày với thành phố và yêu cầu các bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo các nhiệm vụ trong lĩnh vực được giao.

Từ đó, quyết tâm cao sẽ sớm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh lân cận; “bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết, dứt khoát không để ai thiếu ăn, thiếu mặc và các nhu cầu tối thiểu, thiết yếu”.

Thủ tướng yêu cầu công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành phải nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả hơn trong tình hình mới. Các nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, sinh phẩm, vật tư y tế phải ưu tiên đáp ứng tối đa và theo yêu cầu của TP.HCM; các bộ trưởng quyết định ngay theo thẩm quyền được giao, không xin ý kiến nhiều.

Đồng thời, Chính phủ tiếp tục ưu tiên vắc-xin cho TP.HCM và các địa phương trong khu vực.

Thủ tướng nhất trí với đề xuất của Bộ trưởng Y tế là cần chuẩn bị cho phương án có 50.000 ca mắc tại TP.HCM. Bộ và thành phố xây dựng kịch bản này để bố trí đủ nguồn lực. Bệnh viện phải được coi là pháo đài chống dịch, không để lây lan dịch.

Còn có ách tắc trong khâu thẩm định, đánh giá trang thiết bị y tế nhập khẩu phục vụ chống dịch, Bộ Y tế được giao phải tháo gỡ ngay vướng mắc, xem lại toàn bộ quy trình công nhận trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”.

Về chi viện, Thủ tướng đề nghị thành phố cử một cán bộ làm đầu mối điều phối, "khi nào cần hỗ trợ, cần cái gì, bao nhiêu, phải rất rõ ràng". Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình cách ly tại nhà, trên tinh thần tự nguyện; thiết lập các đường dây nóng để người dân gọi khi cần thiết.

Thủ tướng yêu cầu dành tất cả những gì tốt nhất cho TP.HCM chống dịch
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp ngày 8/7. Ảnh: Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhìn nhận, việc phòng chống dịch tại TP.HCM không chỉ đơn thuần cho thành phố mà còn quyết định thành công trong phòng chống dịch của cả nước, nhất là các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Bộ Y tế sẽ cử lực lượng khoảng 10.000 cán bộ y tế giúp TP.HCM lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị... và thiết lập 24 đoàn công tác hỗ trợ.

Bộ trưởng Long khuyến nghị TP.HCM áp dụng 3 hình thức giãn cách gồm toàn thành phố áp dụng Chỉ thị 16; khu vực nguy cơ cao thực hiện phong tỏa; vùng lõi áp dụng áp dụng cơ chế như cách ly tập trung.

Theo đó, vùng lõi xét nghiệm 3 ngày/lần; khu vực nguy cơ cao 5 đến 7 ngày/lần; với khu vực khác thì tầm soát, lấy mẫu gộp 5 hoặc gộp theo hộ gia đình.

TP.HCM chuẩn bị 50.000 giường điều trị, bố trí riêng khu điều trị bệnh nhân không có triệu chứng, chiếm khoảng 70% tổng số ca nhiễm. Tất cả các bệnh viện sẵn sàng điều trị bệnh nhân nặng. Các bệnh viện điều trị bệnh nhân nguy kịch gồm Chợ Rẫy, Nhiệt đới TP.HCM, 115, BV Nhân dân Gia Định.

Ông Long cho biết trong tháng 7 sẽ có 8,7 triệu liều vắc-xin về Việt Nam. Số lượng này sẽ được ưu tiên cho TP.HCM và các tỉnh lân cận; ưu tiên lực lượng tuyến đầu chống dịch; lực lượng phát triển kinh tế; người trên 65 tuổi; người có bệnh lý nền. Việc tiêm chia thành nhiều điểm nhỏ, theo khung giờ thay vì tập trung điểm lớn; bố trí 30 xe tiêm chủng lưu động cho một số khu vực dân cư.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đã khảo sát, đánh giá khả năng đảm bảo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tại hơn 2.800 điểm và 28.000 cửa hàng bách hóa. Thương nhân 3 chợ đầu mối được hướng dẫn tiếp nhận thực phẩm bằng phương thức giao dịch trực tuyến. Những ngày qua, thành phố đã khắc phục kịp thời tình trạng thiếu hụt hàng hóa, lương thực, thực phẩm tại một số thời điểm.

Thành phố cũng chuẩn bị khoảng 400 xe taxi phục vụ người dân có nhu cầu đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp cứu. Cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn cử người làm việc tại các công sở không quá 1/3, riêng lực lượng vũ trang và y tế duy trì 100% quân số.

Ông Phong khẳng định, sẽ tận dụng tối đa 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, với kế hoạch, đầu việc cụ thể theo từng ngày, giao cho lãnh đạo quận, huyện.

Thành phố đề nghị Bộ Y tế và các đơn vị hỗ trợ 500 chuyên gia, sinh viên y tế để tham gia truy vết; 1.000 bác sĩ, 4.000 điều dưỡng để chuẩn bị phương án sẵn sàng điều trị cho 20.000 ca nhiễm.

Trước kiến nghị trên, Bộ trưởng Long khẳng định "TP.HCM thiếu bao nhiêu nhân lực, Bộ sẽ hỗ trợ bấy nhiêu".

Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhận định, khi thực hiện giãn cách xã hội đối với thành phố 10 triệu dân, việc rất quan trọng là cung ứng hàng hóa, giúp giảm thời gian, hạn chế di chuyển cho người dân. Vấn đề nữa là cần duy trì sản xuất phải đáp ứng được điều kiện bảo đảm an toàn. Hệ thống chính quyền cơ sở phải kịp thời phát hiện người dân gặp khó khăn, thiếu thốn để hỗ trợ ngay.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, nhằm phân luồng, phân uyến bảo đảm lưu thông hàng hóa và phòng chống dịch, bộ đã có các hướng dẫn cụ thể như cấp phù hiệu ưu tiên cho các xe vận tải theo hình thức trực tuyến bất kể ngày đêm; tạo “luồng xanh” không dừng nhưng lái xe phải đáp ứng quy định phòng, chống dịch, tiền kiểm tại nơi xuất hàng, hậu kiểm tại nơi nhận hàng, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các lái xe; ứng dụng công nghệ để giám sát hành trình, truy vết khi có vấn đề xảy ra…

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, chiều ngày 7/7, bộ đã lập Ban chỉ đạo đảm đảo cung ứng đầy đủ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam do một Thứ trưởng đứng đầu.

“Xin cam kết với Chính phủ, Thủ tướng, bộ sẽ phối hợp cùng các địa phương cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, các phần mềm chống dịch đã tích hợp vào hồ sơ sức khỏe điện tử, trong đó khâu nhập dữ liệu và trả kết quả xét nghiệm đã bắt đầu chạy từ sáng 8/7. Hiện có gần 100 kỹ sư công nghệ thông tin tại Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia hỗ trợ TP.HCM 24/24h. Một số ứng dụng đã nhanh chóng được phát triển để hỗ trợ TP.HCM.