Thực hư con số 600 triệu tấn titan tại Bình Thuận?

Thu Phương - 15:10, 11/08/2017

TheLEADERCác chuyên gia khoáng sản cho rằng: Bộ Tài nguyên và môi trường đang "mập mờ" giữa hai khái niệm "tiềm năng" (có thể có, có thể không, sai số 100%) và "trữ lượng" (có thật trong tay) khi đánh giá về tài nguyên khoáng sản titan tại Bình Thuận.

Thực hư con số 600 triệu tấn titan tại Bình Thuận?
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Trữ lượng hay tiềm năng?

Theo Quyết định số 1546/QĐ-TTg ngày 3/9/2013, “Phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét tới năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, trữ lượng và tài nguyên dự báo quặng titan trên phạm vi cả nước khoảng 650 triệu tấn khoáng vật nặng (trong đó khoảng 78 triệu tấn zircon). 

Riêng tại Bình Thuận, trữ lượng và tài nguyên titan dự báo khoảng 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng và tài nguyên quặng titan của Việt Nam.

Trong đó, trữ lượng và tài nguyên trên diện tích các khu vực cấm, hạn chế hoạt động khoáng sản khoảng 210 triệu tấn (trong đó khoẳng 26 triệu tấn zircon). Trữ lượng và tài nguyên quặng titan có thể huy động vào khai thác khoảng 440 triệu tấn (trong đó 52 triệu tấn zircon).

Quy hoạch dự kiến huy động khoảng 150 triệu tấn khoáng vật nặng, trong đó khoảng 17 triệu tấn zircon. Trữ lượng và tài nguyên còn lại đưa vào dự trữ quốc gia.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu phát triển đến năm 2015, cả nước hoàn thành công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng các mỏ titan huy động trong kỳ quy hoạch; đảm bảo trữ lượng tin cậy cho việc đầu tư các dự án khai thác, chế biến titan. Xây dựng và đưa vào hoạt động một số nhà máy chế biến xỉ titan, rutin nhân tạo tại 4 vùng quy hoạch, nghiên cứu công nghệ và chuẩn bị đầu tư các dự án sản xuất titan xốp/titan kim loại tại tỉnh Bình Thuận; sản xuất pigment tại Bình Bịnh và Bình Thuận, chuẩn bị đầu tư Tổ hợp khai thác, chế biến quặng titan quy mô lớn tại Bình Thuận.

Giai đoạn 2016 – 2010, xây dựng và phát triển khu vực Bình Thuận thành trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, sản phẩm chủ yếu là pigment, titan xốp đóng góp nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Trữ lượng tian theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là như vậy, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia nghiên cứu xung quanh vấn đề này.

Theo TS. Nguyễn Thành Sơn, Trưởng Ban Chiến lược và khoa học công nghệ, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam, "tiềm năng titan tại Bình Thuận là rất lớn, nhưng trữ lượng titan thì gần như bằng 0. Hiện Bộ Tài nguyên và môi trường đang "mập mờ" giữa hai khái niệm "tiềm năng" (có thể có, có thể không, sai số 100%) và "trữ lượng" (có thật trong tay). Đồng thời, hạ thấp tiêu chuẩn hàm lượng biên tính trữ lượng của titan để tính ra con số gần 600 triệu tấn trữ lượng titan ở Bình Thuận".

(Số liệu do TS. Nguyễn Thành Sơn cung cấp)

Trong khi đó, đối với ngành khai khoáng, nếu "tiềm năng" titan nằm trong lòng đất là 100,0%, thì đến "sản phẩm" titan có thể bán ra và thu lợi nhuận chỉ là 2,7%. Tức là, số tiền thực tế mà nền kinh tế thu được từ 600 triệu tấn "trữ lượng" titan chỉ bằng 2,7% số tiền mà Bộ Tài nguyên và môi trường tính toán và báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.

Thêm vào đó, Bộ Tài nguyên và môi trường đã coi tiềm năng 600 triệu tấn titan tại Bình Thuận là "trữ lượng" và đưa ra chiến lược phát triển Bình Thuận thành "trung tâm về titan” của cả nước.

Trong khi đó, lợi ích kinh tế của việc khai thác titan ở Bình Thuận là quá nhỏ bé. Hiện chưa cơ quan nào trả lời được chính xác là bao nhiêu vì nó gần như bằng 0”, ông Sơn nhấn mạnh.

Dự báo chưa đúng thực tế

Nhận định về vấn đề này, GS. TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam cho biết, số liệu về quặng titan của Việt Nam rất nhiều, nhưng không giống nhau. 

Theo số liệu năm 2007, trữ lượng quặng titan cả nước là 7,56 triệu tấn. Năm 2010, tổng trữ lượng đã thăm dò của cả nước được phê duyệt là 12,31 triệu tấn. Đến năm 2013, theo Quyết định số 1546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trữ lượng quặng titan cả nước lại là 24,6 triệu tấn. Trong đó, tổng trữ lượng và tài nguyên khoáng vật nặng tại Bình Thuận là 599 triệu tấn. Riêng trữ lượng đã được phê duyệt là 6 triệu tấn.

“Chỉ 6 năm mà 3 lần thay đổi số liệu, vậy độ tin cậy của những con số này như thế nào?”, ông Thuận đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, theo TSKH Đặng Trung Thuận, khối lượng tài nguyên dự báo chưa đúng thực tế khách quan, bởi hàm lượng biên tổng khoáng vật nặng dùng để tính trữ lượng là 0,2% tương đương 6kg/m3 là rất thấp.

Hàm lượng trung bình tổng khoáng vật nặng trong các khối địa chất tính trữ lượng là 0,45% tương đương 13kg/m3, chứng tỏ thân quặng nghèo. Hàm lượng trung bình tổng khoáng vật nặng trong các thân quặng cao nhất là 0,81% tương đương 24kg/m3, chứng tỏ không có quặng giàu. Trong khi đó, mỏ ở Quang Nam là 200,8kg/m. Vùng Phù Cát, khu vực Đề Gi, diện tích 780ha, hàm lượng quặng 50 – 250kg/m3. Khu vực Phù Mỹ, Bình định là 10 – 490kg/m3.

Chiều dày lớp kẹp tối đa tham gia tính tài nguyên là 2,5m. chứng tỏ khối lượng cát không quặng chiếm tỷ lệ cao trong tính tài nguyên. Chiều dày thân quặng trong tầng cát đỏ dao động 30 – 200m, cho thấy quặng phân bố rất sâu, sẽ gặp khó khăn trong khai thác. 

"Nếu khai thác xuống hết tầng quặng thì mở rộng đường kính moong mỏ dẫn đến nước bốc hơi nhiều, mực nước ngầm hạ thấp. Trong khi đó, nếu chỉ khai thác đến 40m thì tổn thất tài nguyên rất lớn. Đây được xem là cái nợ của thế hệ hôm nay đối với mai sau", ông Thuận nhận định.

Từ những phân tích trên, các chuyên gia đều cho rằng, cần nghiên cứu và xem xét lại hiệu quả kinh tế của việc khai thác titan tại Bình Thuận. Bởi những con số thống kê về titan được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và môi trường đưa ra là chưa đúng thực tế và thiếu thuyết phục.