Thương hiệu thời trang Việt tự tin cạnh tranh với Zara, H&M

Đặng Hoa - 18:13, 18/02/2019

TheLEADERTheo Quân Ngọc, đồng sáng lập hãng thời trang dành cho nam giới Haberman, sự đổ bộ của các nhãn hiệu quốc tế như Zara, H&M hay Uniqlo sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho ngành thời trang Việt.

Thương hiệu thời trang Việt tự tin cạnh tranh với Zara, H&M
Sản phẩm của Haberman theo xu hướng quốc tế nhưng được thiết kế riêng cho người Việt

Tháng 9 năm ngoái, H&M kỷ niệm tròn một năm làm mưa làm gió trên thị trường Việt Nam, đó cũng chính là thời điểm hai năm sau khi các tín đồ thời trang nô nức xếp hàng dài để mua được những món hàng đầu tiên của Zara.

Khi người dân Việt Nam đang có xu hướng rỉ tai nhau làm thế nào để “ăn ngon, mặc đẹp” thay vì lo lắng phải làm sao để “ăn no, mặc ấm” như ngày xưa, sự đổ bộ liên tục của những ông lớn thời trang quốc tế đang từng bước thay đổi cục diện ngành thời trang Việt.

Theo Quân Ngọc, đồng sáng lập hãng thời trang dành cho nam giới Haberman, mặc dù phải gồng mình để có thể cạnh tranh nhưng sự xuất hiện của các nhãn hiệu quốc tế cũng mang lại nhiều cơ hội cho các tên tuổi Việt, dù chỉ ở quy mô nhỏ. Theo đó, các hãng này đang khiến việc mặc đẹp trở nên hết sức bình thường, trở thành một văn hoá sống, giống như việc phải ăn cơm ngon mỗi ngày.

“Khi ai cũng mặc đẹp, sẽ cần tới nhiều lựa chọn hơn, nhu cầu mua sắm từ đó cũng sẽ tăng lên. Lúc này, các thương hiệu thời trang dù vẫn chỉ đang ở quy mô nhỏ cũng sẽ được hưởng lợi. Điều quan trọng là bạn phải bắt kịp xu hướng”, Quân Ngọc nhận định.

Mặc dù ghi nhận tình hình kinh doanh tích cực song xét về mặt giá cả, mức giá của các hãng thời trang quốc tế như Zara và H&M được đánh giá thực sự chưa hợp lý so với thu nhập của người Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, thương hiệu thời trang dành riêng cho nam giới Haberman vừa khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP. HCM vào đầu tháng 1/2019 với tiêu chí xóa nhòa sự cũ kỹ trong cách ăn mặc của cánh mày râu. Khi người Việt đang ăn mặc theo xu hướng của thế giới, đồng sáng lập hãng thời trang này cho biết sẽ không ngừng cập nhật xu hướng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; đồng thời đưa ra một mức giá hợp lý nhất như chìa khoá quan trọng để cạnh tranh.

Một yếu tố khác giúp Quân Ngọc và đội ngũ của mình tự tin cạnh tranh với những ông lớn thời trang ngoại là các xu hướng, sản phẩm được lựa chọn và thiết kế dành riêng cho người Việt vì hiện nay có rất nhiều xu hướng quốc tế nhưng người Việt không mặc được, có thể do màu sắc, kiểu dáng…

Quân Ngọc chia sẻ, Haberman lấy cảm hứng từ những chuyến tàu điện của New York, với hình ảnh những người đàn ông yêu thích chinh phục và khám phá, thích tự do, rong ruổi trên đường.

Một thương hiệu thời trang Việt tự tin cạnh tranh với Zara, H&M
Đồng sáng lập Haberman Quân Ngọc.

“Thị trường ngách thời trang nam là mảnh đất màu mỡ và không có quá nhiều sự cạnh tranh như thời trang nữ. Mặt khác, cánh mày râu, nhất là các bạn trẻ, đang ngày càng có xu hướng ăn mặc thời trang và hợp mốt hơn”, nhà sáng lập Haberman cho biết.

Được sáng lập dựa trên sự kết hợp của bốn đồng sáng lập với ba mảng, ba thế mạnh khác nhau nhưng có nhiều năm kinh nghiệm và đam mê theo đuổi lĩnh vực thời trang, Haberman được kỳ vọng sẽ là một sự lựa chọn đầy mới mẻ và đột phá cho các tín đồ thời trang Việt.

Trong đó, CoCo Sin là một nhãn hiệu thời trang mới ra đời một thời gian khá ngắn nhưng đã gây được khá nhiều tiếng vang ở cả TP. HCM và Hà Nội. Ngoài ra, hệ thống vali túi xách Mia mặc dù chỉ mới ra mắt thị trường cách đây hơn ba năm nhưng đã xây dựng được hệ thống gần 20 showroom, chủ yếu nằm ở TP.HCM.

Đáng chú ý, Công ty TNHH Zee của Quân Ngọc lại mang đến sự kết hợp giữa thế mạnh về truyền thông lẫn thời trang, được sự ủng hộ của nhiều khách hàng, đặc biệt là các ngôi sao có tầm ảnh hưởng của thời trang Việt.

“Hoạt động trong lĩnh vực báo chí được khoảng 8 năm, tôi được tiếp xúc với thế giới thời trang rất sớm. Đó cũng là lúc tôi hình thành trong mình đam mê mang đến cho thời trang Việt một lựa chọn mới”, Quân Ngọc chia sẻ.

Đón đầu xu hướng

Theo đồng sáng lập Haberman, ngành thời trang Việt hiện nay, đặc biệt là thời trang dành cho nam giới vẫn còn là một thị trường rất mới, nhiều tiềm năng nhưng lại chỉ có các hãng nước ngoài khai thác trong khi các thương hiệu Việt đã quá cũ và không theo được xu hướng. Mặc dù từng nổi tiếng, làm mưa làm gió trên thị trường nhưng do không cập nhật, không đổi mới nên nhiều hãng đã thụt lùi so với suy nghĩ của người tiêu dùng.

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp Việt mặc dù có khả năng song lại thiếu đi sự chuyên nghiệp như các nhãn hàng quốc tế. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, Quân Ngọc nhận định, người hiểu được khách hàng, nắm bắt được tâm lý khách hàng sẽ là người chiến thắng.

“Bất cứ ngành nào cũng sẽ có sự thay đổi vì sự xuất hiện của nhiều nhân tố mới có sự đột phá. Chính vì vậy, cần luôn làm mới bản thân và cập nhật xu hướng, không để mình bị cũ, bị lỗi thời”, Quân Ngọc nhìn nhận.

Theo vị doanh nhân 8x, bất cứ công việc nào cũng cần xuất phát từ đam mê và sự yêu thích của bản thân, có như vậy mới dồn được nhiều tâm huyết cho đứa con tinh thần của mình.

Anh cho biết trong vòng một năm đầu tiên, Haberman được kỳ vọng sẽ ra mắt năm cửa hàng, từ đó tiếp tục mở rộng chuỗi thời trang dành cho nam ở TP.HCM. Kế hoạch tiếp theo có thể là Hà Nội nhưng Haberman vẫn đang được định hướng phát triển mạnh ở TP.HCM để tạo tên tuổi.

Hướng đi lâu dài của hãng vẫn là một công ty thời trang chuyên nghiệp, có đội ngũ thiết kế, sản xuất, có nhà xưởng… chứ không chỉ dừng lại ở mức độ là một cửa hàng bán lẻ.

“Trong thời đại 4.0, khi mọi thứ đã trở nên mới mẻ, người tiêu dùng đang tiếp cận với xu hướng toàn cầu, tôi muốn lấy kinh nghiệm và đam mê với thời trang để hiểu, nắm bắt và đáp ứng nhu cầu của giới trẻ. Trước hết, cần mang xu hướng của thế giới, chất liệu phải dễ mặc, giá hợp lý và phải có câu chuyện”, Quân Ngọc nhấn mạnh.

Anh và đội ngũ của mình đặt mục tiêu đẩy mạnh tính thời trang tiên phong của thương hiệu với kế hoạch hai tháng sẽ ra mắt một bộ sưu tập với yêu cầu cao hơn về chất liệu, kiểu dáng và câu chuyện đi cùng.

Thời trang Việt Nam đang thay đổi rất nhiều, đặc biệt là thời trang dành cho giới trẻ. Cùng với sự phát triển của đất nước, người dân đang xuống phố nhiều hơn, đi bộ nhiều hơn. Nếu đón đầu xu hướng, khi các phương tiện công cộng, đặc biệt là tàu điện ngầm trở thành phương tiện đi lại phổ biến, nhà sáng lập Haberman cho rằng việc ăn mặc đẹp sẽ càng trở nên phổ biến hơn nữa.

“Haberman ra đời vào thời điểm này cũng chính là nhằm đón đầu xu hướng”, Quân Ngọc cho biết.