Thương mại điện tử Việt Nam sẽ cán mốc 13 tỷ USD vào năm 2020

Việt Hưng - 16:18, 15/03/2019

TheLEADERTheo các chuyên gia, 2 động lực chính sẽ dẫn dắt thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiến lên trong giai đoạn 2019 - 2020 đó là: lấy công nghệ và lấy người tiêu dùng làm trung tâm.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2018 được coi là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%.

Với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015, nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm liên tiếp cao, nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.

Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30%, thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020, theo mục tiêu này thì quy mô thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Ông Nguyễn Kỳ Minh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (EcomViet), thuộc Bộ Công Thương khẳng định muốn thương mại điện tử phát triển vững chắc cần có môi trường và hệ sinh thái thuận lợi.

Môi trường này bao gồm nhiều thành tố, như: hạ tầng viễn thông và CNTT tiên tiến giúp người dân tiếp cận dễ dàng tới Internet, dịch vụ logistics và hoàn tất đơn hàng tiên tiến, hoạt động khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến có cơ hội tiếp cận dễ dàng tới các dịch vụ công cũng như khả năng huy động vốn linh hoạt, v.v…

Còn theo ông Đỗ Hữu Hưng - CEO của Accesstrade, có 5 xu hướng đang và sẽ dẫn dắt thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2019, đó là Chatbot AI (Trợ lý ảo), Apps (Ứng dụng điện thoại), Multi-Channel (Đa kênh), Customer Experience (Trải nghiệm người dùng) và D2C (Direct-to-Customer, hiểu là bán hàng trực tiếp thẳng từ người bán đến người tiêu dùng thông qua website, cửa hàng chính hãng mà không qua các kênh trung gian như nhà phân phối, đại lý,…).

Vị CEO cho rằng, cốt lõi của 5 xu hướng nói trên đến từ 2 động lực: lấy công nghệ và lấy người tiêu dùng làm trung tâm. Theo đó, công nghệ không chỉ còn là một câu chuyện bên lề, mà đã trở thành trọng tâm trong mọi kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh thế giới đang biến đổi từng ngày với sự xuất hiện liên tục của những công nghệ mới, nền tảng thương mại điện tử hoạt động trên cơ sở kỹ thuật số của doanh nghiệp sẽ lạc hậu bất cứ lúc nào nếu không kịp cập nhật và thay đổi theo xu thế chung.

Cũng trong xu thế ấy, có thể thấy chưa bao giờ người tiêu dùng lại đóng vai trò trung tâm và có tiếng nói quan trọng trong nền kinh tế số như hiện nay. Mỗi trải nghiệm, đánh giá, phản hồi tích cực hay tiêu cực của người dùng đều ảnh hưởng mạnh mẽ tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thương mại điện tử, đặc biệt khi thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt đến từ nhiều thương hiệu tầm cỡ.

Năm 2019, quy mô thị trường thương mại điện tử toàn cầu ước đạt 3,4 tỷ USD và dự báo sẽ đạt tới 4,8 tỷ USD vào năm 2021, theo số liệu của Statista. Thị trường tiềm năng này cũng được dự đoán sẽ ghi nhận mức tăng trưởng trung bình hàng năm 25% tới năm 2021.

Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có nền kinh tế Internet lớn nhất với 718 tỷ USD, theo sau là Mỹ với 547 tỷ USD vào năm 2019. Bên cạnh đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được cho là động lực tăng trưởng chính khi chiếm tới 14,6% trong quy mô thương mại điện tử toàn thế giới.

Tại Việt Nam, nền kinh tế Internet đạt 9 tỷ USD năm 2018 về quy mô, tăng trưởng gấp 2 lần so với năm 2017 ở mức 2,8 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình hàng năm 38% trong giai đoạn 2015 - 2018. Một số sàn thương mại điện tử có doanh thu tăng đột biến tới 300% - 400%, trong khi quảng cáo số và game trực tuyến chỉ tăng trưởng 50% mỗi năm.