Tiềm năng mảng thịt của Masan MEATLife

Lam Giang - 11:46, 08/10/2021

TheLEADERLũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của Masan MEATLife (MML) đạt 10.232 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Doanh thu tăng trưởng chủ yếu nhờ mảng thịt tích hợp (thịt heo) tăng 36%, doanh thu thức ăn chăn nuôi tăng 33%. Công ty ghi nhận lợi nhuận công ty mẹ đạt 290 tỷ đồng. Gần đây, cổ phiếu MML tăng điểm mạnh. Mức giá ngày 7/10 là 96.000 đồng/ cổ phiếu, tăng gần 90% so với đầu năm.

Tiềm năng mảng thịt của Masan MEATLife
Khách hàng mua thịt mát MEATDeli tại siêu thị VinMart.

Phục vụ người tiêu dùng các sản phẩm dinh dưỡng, an toàn, tươi ngon, giá cả hợp lý

Trong định hướng đã công bố, Masan sẽ hợp tác với đối tác chiến lược giàu tiềm lực và kinh nghiệm để phát huy tối đa thế mạnh, hiện thực hóa chiến lược “Point of Life”. Mới đây, công ty Masan MEATLife đã tiến hành ký kết bản ghi nhớ về quan hệ hợp tác đối tác với tập đoàn quy mô toàn cầu De Heus, có thâm niên 100 năm trong lĩnh vực dinh dưỡng động vật và chăn nuôi. 

Ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group kiêm Chủ tịch HĐQT Masan MEATLife cho biết việc hợp tác giữa Masan MEATLife và De Heus sẽ góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị đạm động vật của Việt Nam chuyển đổi theo hướng hiện đại hóa, sánh vai cùng các nước phát triển. 

Ưu tiên hàng đầu của MML là phục vụ người tiêu dùng các sản phẩm thịt, cá đảm bảo an toàn, tươi ngon với giá cả hợp lý. Sự hợp tác giữa hai bên được kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển đổi mạnh mẽ, góp phần hiện thực hóa sứ mệnh nâng cao chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng Việt Nam.

Tiềm năng mảng thịt của Masan MEATLife
Thịt mát MEATDeli được chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại.

Hướng đến thị trường 10 tỷ USD

Thịt heo là mảng lớn nhất trong ngành F&B của Việt Nam với thị trường có giá trị hơn 10 tỷ USD, gấp 2,5 lần quy mô thị trường sữa. Tuy nhiên, đây là thị trường chưa được chuẩn hóa khi hơn 90% sản phẩm thịt lợn trên thị trường không có thương hiệu. Với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân liên tục cải thiện khiến nhu cầu tiêu thụ thịt sạch, truy xuất được nguồn gốc tại Việt Nam tăng cao. 

Tiềm năng mảng thịt của Masan MEATLife 1
MEATDeli được chế biến theo công nghệ thịt mát từ Châu Âu.

Để đáp ứng thị trường tiềm năng này, Masan đã cho ra mắt thương hiệu thịt sạch MEATDeli - chế biến theo công nghệ thịt mát châu Âu từ năm 2018. Sau gần 3 năm, MEATDeli đã trở thành lựa chọn của hàng triệu gia đình. Không chỉ sở hữu 2 tổ hợp chế biến thịt mát tiêu chuẩn châu Âu tại MEAT Hà Nam và MEAT Sài Gòn (Long An), MML còn sở hữu nền tảng 3F “từ trang trại đến bàn ăn” với chuỗi giá trị tích hợp, nhằm cung cấp các sản phẩm thịt có thương hiệu, đảm bảo vệ sinh, truy xuất được nguồn gốc và giá cả hợp lý. 

Masan MEATLife hiện đang sở hữu 13 nhà máy thức ăn chăn nuôi, trong đó 6 nhà máy thuộc Proconco, 5 nhà máy nhận chuyển giao từ Anco và 2 nhà máy thuộc Anco với tổng công suất lên đến 3,78 triệu tấn thức ăn.

Tiềm năng mảng thịt của Masan MEATLife 2
MEATDeli đã có mặt tại hơn 2.300 điểm bán thuộc hệ thống WinCommerce.

Ngoài ra, được tích hợp sức mạnh cộng hưởng từ hệ phân phối của WinCommerce với hệ thống chuỗi VinMart/ VinMart+, hiện MEATDeli đang có mặt tại hàng ngàn điểm bán lẻ hiện đại. Và nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng, đơn vị này cũng liên tục ra mắt các sản phẩm như: Dòng sản phẩm cao cấp MEATDeli Premium, thịt mát và thịt gia cầm tẩm ướp sẵn và thịt chế biến.

Tháng 10/2020, MML đã mua lại 51% Công ty cổ phần 3F Việt, phát triển thêm mảng kinh doanh thịt gia cầm. Tính đến cuối tháng 6/2021, các sản phẩm gà tươi đã có mặt tại hơn 2.180 điểm bán thuộc VCM. Bên cạnh đó, 3F Việt dự kiến đạt doanh thu cả năm 1.500 tỷ đồng và EBITDA 150 tỷ đồng. Tháng 9/2021, sản phẩm “Gà Thảo Dược” hợp tác giữa MEATDeli và 3F Việt đã có mặt tại VinMart và VinMart+ trên toàn quốc.

Đại dịch Covid-19 thực tế đã thúc đẩy người tiêu dùng chuyển đổi sang sử dụng các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng xu hướng hiện đại. Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sử dụng các sản phẩm có thương hiệu, đóng gói sạch sẽ và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng.