Vẻ bề ngoài lúc nào cũng nhỏ nhẹ và lịch thiệp nhưng nữ tỷ phú tự thân Nguyễn Thị Phương Thảo là một bóng hồng quyền lực hiếm hoi trong cả ngành ngân hàng và hàng không và quản lý doanh nghiệp nói chung.
Nói đến nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Đông Nam Á Nguyễn Thị Phương Thảo, người được Forbes vinh danh là một trong 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới ba năm liên tiếp với khối tài sản 2,7 tỷ USD, hãng hàng không Vietjet Air do bà làm sáng lập và làm tổng giám đốc thường được nhắc đến. Thế nhưng, bà còn là người quản lý doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn, trong đó kể cả ngành tài chính - ngân hàng từ khi lĩnh vực này còn khá sơ khai ở Việt Nam.
Những người đặt nền móng cho ngân hàng tư nhân
Sau kỳ thi xuất sắc vào Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 17 tuổi, người con gái sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc quyết định đi du học và bén duyên với ngành tài chính - ngân hàng khi được đào tạo tại những ngôi trường danh giá ở Đông Âu.
Ngay những năm đầu ngồi trên ghế giảng đường, bà Thảo đã bộc lộ khả năng kinh doanh thiên bẩm khi sớm dấn thân vào thương trường và kiếm được 1 triệu USD đầu tiên ở tuổi 21. Có khả năng học tập, nghiên cứu, bà Thảo trở thành tiến sỹ kinh tế vào năm 27 tuổi. Nhưng trước đó bà đã được coi là một bóng hồng quyền lực trong giới tài chính - ngân hàng khi tham gia sáng lập và quản trị tại hai ngân hàng Techcombank và VIB.
Bà Thảo là một trong số những người đặt nền móng cho việc hình thành những ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Còn nhớ trong chuyến thăm Đông Âu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cách đây hơn 20 năm, bà cùng một số doanh nhân đặt vấn đề thành lập ngân hàng tư nhân để thúc đẩy sự phát triển của ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam. Họ cùng nhau lập đề án, trình trực tiếp lên Thủ tướng và VIB đã ra đời như thế.
Năm 2008, bà Thảo đầu tư vào HDBank, trở thành Phó chủ tịch thường trực HĐQT, mang tới làn gió mới và luôn là linh hồn của chiến lược đổi mới, tăng tốc toàn diện ở nhà băng này bên cạnh Chủ tịch HĐQT Lê Thị Băng Tâm.
Từ khi HDBank còn là một ngân hàng nhỏ ở TP. HCM, nhiều chuyên gia tư vấn quốc tế đã được mời đến để xây dựng chiến lược tiếp cận đối tượng khách hàng còn bị bỏ ngỏ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tín dụng vi mô, khu vực nông nghiệp nông thôn, cũng như xây dựng một đội ngũ những người có cùng chí hướng, văn hoá để thực hiện chiến lược đổi mới. Sở dĩ HDBank tập trung vào đối tượng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa vì hầu hết mới được thành lập, thiếu thốn nhiều nguồn lực như tài chính, kinh nghiệm, thông tin thị trường nhưng lại có một điểm mạnh là sở hữu tinh thần khởi nghiệp, niềm tin vào tương lai tươi sáng của khu vực kinh tế tư nhân và người dân .
Một kế hoạch cho giai đoạn 2011-2016 được hình thành, mọi hoạt động được thực hiện nhằm định hình một ngân hàng HD đa năng tập trung vào khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ và vừa với những hỗ trợ sớm nhất có thể. Trong quá trình hỗ trợ, HDBank có chương trình đánh giá lịch sử sử dụng dịch vụ và tín dụng của khách hàng để cung cấp những sản phẩm phù hợp.
Trong đào tạo, bà Thảo đặc biệt lưu ý nhân viên phải chú ý tới văn hoá “giữ danh dự, uy tín” tại các địa phương, khiến khách hàng cố gắng hơn để trả các khoản vay, giảm tỉ lệ nợ xấu. Bên cạnh đó, ngân hàng của bà còn tận dụng thế mạnh về sự phát triển của hệ thống viễn thông ở Việt Nam để giải quyết vấn đề dựa trên các phương tiện và ứng dụng khác nhau như các mạng xã hội.
Nhờ tinh thần đổi mới sáng tạo cùng sức mạnh hội nhập từ DaiABank và HD Saison sau hai thương vụ mua bán và sáp nhập , HDBank đã vươn mình lọt vào nhóm tám ngân hàng lớn và mạnh nhất tại Việt Nam theo đánh giá của tạp chí The Asian Banker hồi tháng 9 vừa qua. Trong suốt tám năm qua, HDBank liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành, các chỉ số về hiệu quả hoạt động luôn ở nhóm đầu ngành.
Nhân tố thúc đẩy ngành hàng không đổi mới
Năm 2007, bà Thảo gây bất ngờ khi trở thành nữ doanh nhân duy nhất trên thế giới khởi nghiệp và điều hành một hãng hàng không thương mại cùng với nữ chủ tịch Nguyễn Thanh Hà - Vietjet Air. Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp và thành công trong nhiều lĩnh vực, bao gồm một ngành đầy thách thức vốn chủ yếu dành cho nam giới như hàng không lại càng khó hơn rất nhiều, đặc biệt ở thời điểm 13 năm về trước.Thách thức đầu tiên đến từ hệ thống pháp luật khi mức độ hội nhập của luật pháp trong nước với hệ thống quốc tế cho phép kết nối với hệ thống kinh doanh toàn cầu có chuẩn mực cao còn thấp. Cũng tương tự như ngành ngân hàng, trước khi thành lập Vietjet Air, ở Việt Nam hoàn toàn không có hàng không tư nhân khiến bà phải đợi rất lâu đến khi Chính phủ ban hành Nghị định đầu tiên hướng dẫn thành lập hàng không tư nhân năm 2007 mới có thể có được giấy phép. Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là thách thức đầu tiên.
Làm thế nào để xây dựng và định hướng một hãng hàng không theo chuẩn mực toàn cầu trong bối cảnh môi trường pháp luật, hạ tầng và dịch vụ ở Việt Nam còn hạn chế, được vận hành theo cơ chế nhà nước cũng là một thách thức rất lớn. Với lòng quyết tâm, bà và đội ngũ từng bước tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là áp dụng cách vận hành tiên tiến ở môi trường địa phương và cải thiện việc cung ứng dịch vụ như xăng dầu, kỹ thuật, mặt đất.. cho ngành hàng không nhờ nỗ lực để Nhà nước cho phép nhiều nhà cung cấp hơn để giảm độc quyền, đảm bảo cung cấp đúng giờ, đúng số lượng với chất lượng, giá cả theo nguyên tắc thị trường.
Doanh nhân và doanh nghiệp không đơn độc với ước mơ vì những ước mơ đó đang được nuôi dưỡng trong một quốc gia khởi nghiệp, chính phủ kiến tạo và cộng đồng ASEAN năng động nhất thế giới”.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo
Một thách thức lớn khác với Vietjet Air và bà Thảo đến từ thị trường vì đa số khách hàng mục tiêu chưa bao giờ đi máy bay. Trước khi hãng bay này được thành lập, chỉ có 1% dân số ở Việt Nam được tiếp cận với loại phương tiện trên không được cho là chỉ dành cho giới thu nhập cao. Cũng giống như chiến lược ở HDBank, một quyết định mang tính đột phá đã được đưa ra là nỗ lực hướng tới đối tượng chưa đi máy bay bao giờ, giúp những người ở những miền quê nghèo, thậm chí không biết chữ, ra khỏi luỹ tre làng và kết nối với các quốc gia trên thế giới để có sự tiếp cận và đời sống văn minh hơn, trở thành những công dân toàn cầu. Kết quả mang lại là 30% khách hàng của Vietjet là những người lần đầu tiên đi máy bay.
Tuy nhiên, vốn là loại phương tiện xa xỉ với nhiều thủ tục nên việc hướng dẫn những đối tượng khách hàng mới này cũng không dễ dàng. Nhìn nhận phương pháp hướng dẫn dành cho sinh viên đại học sẽ không mang lại kết quả, bà Thảo đã tìm những cách thức phù hợp và đơn giản nhất để họ có thể mua vé, thanh toán qua mạng, bước chân lên máy bay cùng với những hiểu biết về hành lý, giấy tờ và cả quy tắc ứng xử. Bí quyết của bà là biến những điều phức tạp thành đơn giản. Với đông đảo người dân, vé máy bay còn được tạo điều kiện mua trả góp.
Chìa khoá để bà Thảo và Vietjet làm được điều này chính là công nghệ. Ngay từ khi khởi đầu trên ý tưởng về một hãng hàng không thế hệ mới, bà Thảo cho biết Vietjet Air đã đi đầu trong ngành hàng không về công nghệ số và tự động hoá nhằm mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng.
Theo lãnh đạo Vietjet, hãng này luôn nỗ lực dẫn đầu xu thế, hướng đến một công ty đa quốc gia, môi trường đa văn hoá; kết nối toàn cầu và lựa chọn các đối tác hàng không hàng đầu thế giới để hành khách có thể kết nối mạng bay tới bất kỳ quốc gia nào trên thế giới thông qua công nghệ cũng như các chuẩn hoá quốc tế về dịch vụ.
Hãng còn kết hợp thương mại điện tử và logistics để tạo nên hàng không phục vụ nhu cầu tiêu dùng của con người khi hợp tác với các đối tác toàn cầu và trong nước như Facebook, Google và Viettel.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, hơn sáu năm về trước, môi trường công nghệ thông tin ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, khách hàng chưa có thói quen đặt vé và thanh toán qua internet, Vietjet đã mang đến những giải pháp công nghệ nhằm đơn giản hóa các thủ tục mua vé, thanh toán và check-in qua mạng, ki-ốt tự động và thiết bị di động.
Không chỉ tạo đột phá trong hoạt động của doanh nghiệp, bà Thảo còn góp phần thúc đẩy những thay đổi mang tính cơ bản trong cả ngành hàng không, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến như máy chiếu để quét hộ chiếu, cải tiến phương thức điều hành hạ - cất cánh giúp gia tăng số lượt cất - hạ cánh trong một giờ lên nhiều lần.
Theo nữ tướng Vietjet Air, những thay đổi của Vietjet cũng đã tạo động lực cho đối tác và thậm chí là đối thủ thay đổi, áp dụng công nghệ, ưu tiên quản lý một cách khoa học và tiên tiến để phát triển mạnh mẽ cũng như hình thành một ngành hàng không lành mạnh theo kinh tế thị trường. Những thay đổi tích cực cũng diễn ra với các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư vào cơ sở hạ tầng sân bay, nhiều sân bay được xây mới và cải tạo.
Nhờ có rất nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tài chính, ngân hàng mà bà giải quyết được nhiều thách thức trong lĩnh vực hàng không như quản lý một cách chính xác chi phí hoạt động, doanh thu và dòng tiền, có các chỉ số an toàn tài chính để đảm bảo hoạt động kinh doanh phát triển lành mạnh. Nhờ áp dụng các nguyên tắc tài chính và ngân hàng trong hoạt động kinh doanh, chi phí vận hành của Vietjet ở mức thấp nhất trên thế giới và quản lý rủi ro luôn được đề cao.
Bà Thảo cùng đội ngũ luôn đề ra những mục tiêu cao, và trong nhiều trường hợp, sự đổi mới và hành động của đối thủ cạnh tranh đòi hỏi Vietjet phải đề ra những mục tiêu cao hơn. Việc theo đuổi những mục tiêu đã đặt ra đã trở thành một quá trình không ngừng nghỉ cho phép bà và đội ngũ củng cố những giá trị đã có và tạo ra những giá trị mới.
Ngay từ những ngày đầu, hãng bay này đã đặt mục tiêu sẽ mở rộng ra thị trường khu vực và quốc tế sau khi đã chinh phục được thị trường trong nước, hướng đến bao phủ khoảng một nửa dân số thế giới. Và rồi từ một vài chặng bay nội địa khi mới ra mắt, Vietjet đã dần mở rộng và đến thời điểm tháng 10/2019, hãng đã vận chuyển gần 100 triệu lượt hành khách với 129 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Ấn Độ, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan…
Khác với mô hình giá rẻ, Vietjet cũng có những dịch vụ riêng, như dịch vụ skyboss có phòng chờ, xe đưa đón; đồng thời cung cấp thêm dịch vụ cao cấp để mở rộng đối tượng khách hàng là những người có khả năng chi trả cao.
Hiện tại, bà Thảo đang lên kế hoạch mua thêm máy bay để tận dụng lợi thế từ sự bùng nổ thị trường du lịch hàng không trong khu vực và đưa Vietjet ra toàn cầu, hợp tác với các hãng hàng không trên toàn thế giới để hành khách có thể đi khắp nơi trên thế giới cùng Vietjet Air.
Kinh doanh lương thiện dựa trên tính nhân văn
Không đặt mục tiêu trở thành tỷ phú, chưa bao giờ quan tâm mình kiếm được bao nhiêu tiền cùng với guồng công việc có khi lên tới hơn 20 giờ đồng hồ mỗi ngày đã trở thành thói quen có lẽ là những yếu tố giúp nữ tướng Vietjet luôn giữ được tầm nhìn lớn trong suốt hơn ba thập kỷ làm doanh nhân.
Trong triết lý kinh doanh của bà Thảo, kinh doanh lương thiện, giữ chữ tín và chăm chỉ luôn là ưu tiên hàng đầu, được bà duy trì bền bỉ trong tất cả các lĩnh vực đầu tư từ hàng không, bất động sản cho tới ngân hàng.
Lớn lên trong sự nuôi nấng và dạy dỗ để trở thành một người mang những phẩm chất của người phụ nữ Á Đông đã giúp bà có được sự chỉn chu trong mọi hoàn cảnh, giúp bà hình thành nên những đức tính đáng quý như đức hy sinh và cho đi mà không đòi hỏi, nghĩ về người khác trước khi nghĩ về mình. Với bà, lòng trắc ẩn và quan tâm của người phụ nữ là một thế mạnh để bà luôn nỗ lực và cố gắng vì khách hàng, nhân viên của mình và vì xã hội
Trong công tác quản trị, bà Thảo chú trọng tạo môi trường làm việc nhân văn. Bà khơi dậy tinh thần hướng thiện trong mỗi nhân viên để biết cho đi trước khi mong nhận lại bằng việc đặt hoạt động kinh doanh song hành với hoạt động cộng đồng xã hội, tạo nên một nét văn hoá rất riêng của nhân viên HDBank, Vietjet và các doanh nghiệp của bà. Những chiếc thẻ bảo hiểm y tế thường xuyên được trao đến tay người nghèo; những ngôi nhà tình thương, nhà tình nghĩa không ngừng được xây nên và những mảnh đời kém may mắn trong xã hội cũng đang tiếp tục nhận được hỗ trợ và yêu thương từ đội ngũ của bà.
Ứng dụng công nghệ là chìa khoá nhưng một yếu tố cũng không kém phần quan trọng là con người. Bà chú trọng huy động nhân viên luôn học tập, luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ. Mặc dù trong cuộc cách mạng 4.0 sẽ không còn sử dụng nhiều nhân lực con người lnhưng với người phụ nữ quyền lực, “người làm dịch vụ vẫn phải học tập và làm sao dạy cho máy cũng phải biết cười”.
Dù nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ để làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng nữ tướng Vietjet nhấn mạnh, không phải công nghệ làm thay đổi thế giới mà chính ước mơ của con người đã làm thay đổi thế giới. Công nghệ chỉ là công cụ, chỉ được sáng tạo từ những ước mơ của con người.
“Doanh nhân và doanh nghiệp không đơn độc với ước mơ vì những ước mơ đó đang được nuôi dưỡng trong một quốc gia khởi nghiệp, chính phủ kiến tạo và cộng đồng ASEAN năng động nhất thế giới”, nữ tỷ phú tin tưởng.
Không đặt mục tiêu trở thành tỷ phú, chưa bao giờ quan tâm mình kiếm được bao nhiêu tiền cùng với guồng công việc có khi lên tới hơn 20 giờ đồng hồ đã trở thành thói quen có lẽ là những yếu tố giúp nữ tướng Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo luôn giữ được tầm nhìn lớn trong suốt hơn ba thập kỷ làm doanh nhân.
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.
PV Gas vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về các dự án khí, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ.
Phố đi bộ bên cạnh quảng trường Vạn Xuân sẽ sớm trở thành biểu tượng giao thương và điểm đến sôi động bậc nhất, giúp gia tăng giá trị bất động sản cho khu vực