Tiêu chuẩn chưa đồng bộ đang cản trở tín dụng xanh

Trần Anh - 17:05, 04/12/2023

TheLEADERCho đến nay, một bộ tiêu chuẩn xanh chung ở cấp quốc gia vẫn đang được bỏ ngỏ. Theo các chuyên gia, đây là một trong những lý do quan trọng khiến dòng vốn khó chảy vào các dự án xanh.

Báo cáo mới đây Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP/năm để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế. Điều này đòi hỏi Việt Nam sẽ cần khoản đầu tư khổng lồ trong gần 30 năm tới, trong đó vốn tín dụng từ ngân hàng là không thể thiếu.

Tổ chức tài chính quốc tế IFC gần đây cũng ước tính,, đầu tư cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, nguồn vốn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế đóng vai trò tạo đà cho phát triển thị trường.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy trong giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 23%/năm.

Tính đến 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các nhà băng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, chiếm gần 45%. Kế đến là nông nghiệp xanh chiếm hơn 30%.

“Nhu cầu với nguồn vốn tín dụng xanh của Việt Nam là rất rõ ràng, nhưng mức cầu này cũng phụ thuộc vào độ hấp dẫn của tín dụng xanh”, ông Nguyễn Bá Hùng – kinh tế trưởng ADB chia sẻ tại hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 4/12.

Theo ông Hùng, để dẫn vốn vào tín dụng xanh thì các cơ chế, chính sách của Chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong ban hành luật và cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp xanh hóa.

Với cách tiếp cận như vậy, việc đầu tiên cần làm là xây dựng các tiêu chuẩn với sản xuất xanh, tiếp đó là tài chính xanh. Hiện tại, hoạt động chuyển đổi sản xuất xanh đang dựa nhiều vào sự tự nguyện, ý thức chuyển đổi của doanh nghiệp, tuy nhiên xu hướng là Chính phủ ngày càng ban hành các quy định buộc doanh nghiệp phải áp dụng.

''Cần hoàn thiện cả khuôn khổ pháp lý cho các ngành kinh tế xanh nói chung, và phát triển thị trường tài chính thông thường để tạo nền tảng cho tài chính xanh. Các khuôn khổ này có thể bao gồm yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện báo cáo bắt buộc tự đánh giá tác động của mình đến các tiêu chí xanh” ông Nguyễn Bá Hùng nói thêm.

Trong khoảng thời gian 2 năm từ COP26 đến COP28, Việt Nam đã lên kế hoạch để thực hiện các cam kết và một trong những nhiệm vụ quan trọng là huy động nguồn lực tài chính cho quá trình chuyển đổi. Các nhà tài trợ đã cam kết cung cấp 15,8 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam trong 3 - 5 năm tới.

Mặc dù vậy, cho đến nay, một bộ tiêu chuẩn xanh chung ở cấp quốc gia vẫn đang được bỏ ngỏ. Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho rằng, đây là một trong những lý do quan trọng khiến dòng vốn khó chảy vào các dự án xanh.

“Hiện chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh. Đây cũng là lý do các nhà băng chưa có căn cứ để thống kê đầy đủ nguồn lực ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực xanh”, bà Tùng chia sẻ.

Một số vấn đề khác gây cản trở tín dụng xanh có thể kể tới như việc thẩm định tín dụng xanh đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về môi trường, rất khó cho các ngân hàng có thể đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng.

Điều này đặc biệt quan trọng khi lĩnh vực xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn. Các kênh huy động vốn dài hạn cho dự án xanh chưa thực sự phát triển như thị trường trái phiếu xanh, gây áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng.

Mặt khác, các ngân hàng cũng cảm thấy khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng do còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.

Để tín dụng xanh phát triển trong thời gian tới, đại diện NHNN cho rằng vấn đề quan trọng là cần tiếp hoàn thiện hành lang pháp lý. Từ đó, có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các ngân hàng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Đồng thời, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh;

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.