Tiêu rớt giá thê thảm, ‘vua hồ tiêu’ Phúc Sinh chuyển hướng sang cà phê

Trần Anh - 15:31, 22/11/2018

TheLEADERTừng đạt doanh thu 300 triệu USD nhờ kinh doanh hồ tiêu nhưng gần đây Phúc Sinh chuyển hướng mạnh mẽ sang lĩnh vực cà phê với việc đầu tư nhà mày tiêu chuẩn cao tại Sơn La và phát triển sản phẩm cà phê mang thương hiệu K Coffee.

Công ty cổ phần Phúc Sinh (Phúc Sinh) là một trong những doanh nghiệp kinh doanh hồ tiêu lớn nhất Việt Nam. Ông Phan Minh Thông, nhà sáng lập Phúc Sinh cho biết, mình đã có hơn 20 năm tham gia kinh doanh trong ngành này.

Năm 2015, doanh số của Phúc Sinh đạt khoảng 250 triệu USD, trong đó phần lớn đến từ xuất khẩu hồ tiêu. Con số này chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam (1,25 tỷ USD) và chiếm khoảng 8% lượng tiêu xuất khẩu toàn cầu. Có thể thấy, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp này với ngành hồ tiêu là khá lớn.

Đây cũng là năm Phúc Sinh dính vào scandal xuất khẩu hồ tiêu kém chất lượng, có hàm lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép. Vấn đề tồn đọng thuốc trừ sâu trong tiêu tại Việt Nam đã có từ nhiều năm trước, và nhiều nhà nhập khẩu vẫn thường xuyên cảnh báo với tiêu Việt Nam. 

Không lâu sau đó, Phúc Sinh đã ần lấy lại niềm tin của các nhà nhập khẩu. Năm 2016, doanh thu của công ty đạt khoảng 300 triệu USD, tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2015.

Do doanh thu lớn nhưng biên lợi nhuận của công ty rất thấp do hoạt động chính là thu mua và sơ chế, đóng gói và xuất khẩu. Các số liệu cho thấy tỷ suất lãi gộp của hoạt động này chỉ hơn 3% trên doanh thu.

Trong năm 2016, công ty thu về lợi nhuận gộp 214 tỷ đồng, trừ đi chi phí tài chính và chi phí bán hàng, công ty lãi trước thuế 64,5 tỷ đồng. Năm trước đó, Phúc Sinh chỉ lãi gần 15 tỷ đồng trước thuế.

Tuy nhiên, đỉnh cao của Phúc Sinh cũng là đỉnh cao của ngành hồ tiêu Việt Nam. Nhìn vào một doanh nghiệp đứng đầu ngành như Phúc Sinh, doanh thu trên 6 nghìn tỷ đồng nhưng biên lợi nhuận thấp cho thấy xuất khẩu hồ tiêu là ngành khá rủi ro, chỉ cần biến động nhỏ về giá tiêu trên thị trường là đã ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp.

Từ năm 2017 tới nay, hồ tiêu đã không ngừng rớt giá. Năm 2017, dù Việt Nam xuất đi 215 nghìn tấn, tăng mạnh so với mức 178 nghìn tấn của năm 2016, song giá trị thu về chỉ đạt 1,1 triệu USD, giảm 22%. 

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, đơn giá bình quân mặt hàng tiêu xuất khẩu năm 2017 giảm 35% so với đơn giá bình quân năm 2016, ở mức 5,2 nghìn USD/tấn. Đây là mức giá bình quân thấp nhất kể từ năm 2013.

Sang năm 2018, tình hình giá tiêu còn bi đát hơn. Giá xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3.438 USD/tấn, giảm tới 61% so với cùng kỳ năm 2017 do tình trạng cung quá dư thừa so với cầu.

Với Phúc Sinh, doanh nghiệp này cũng không thoát khỏi ảnh hưởng chung của toàn ngành. Trước tình hình giá tiêu chưa mấy sáng sủa, Phúc Sinh đang lựa chọn chuyển hướng sang một ngành nghề mới là cà phê. 

Trên thực tế, trong vai trò một nhà xuất khẩu, bên cạnh hồ tiêu, Phúc Sinh cũng xuất khẩu một lượng cà phê Việt Nam ra nước ngoài. Ông Phan Minh Thông, chủ tịch Phúc Sinh từng chia sẻ với báo giới rằng, mỗi năm Phúc Sinh xuất ra nước ngoài từ 65.000 – 70.000 tấn cà phê.

Tiêu rớt giá thê thảm, ‘vua hồ tiêu’ Phúc Sinh chuyển hướng sang cà phê
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh

Bước tiến mới trong hoạt động của Phúc Sinh là tham vọng lấn sâu hơn vào kinh doanh cà phê nội địa, vốn là thị trường khốc liệt với đủ mọi loại sản phẩm của nhiều doanh nghiệp quốc tế. Người đại diện Phúc Sinh cho biết, công ty sẽ bán ra thị trường sản phẩm với thương hiệu K Coffee, 100% nguyên chất rang xay, xác nhận từ hai tiêu chuẩn UTZ và BRC của châu Âu mà chưa sản phẩm nào tại Việt Nam có được.

Đầu tháng 11, công ty cũng vừa chính thức khánh thành Nhà máy Phúc Sinh Sơn La có vốn đầu tư 100 tỷ đồng, công suất 20.000 tấn cà phê tươi/năm. Để thực hiện kế hoạch đầu tư lớn này, trong những năm qua, Phúc Sinh đã liên tục tăng vốn điều lệ. 

Từ mức 155 tỷ đồng năm 2016, vốn điều lệ hiện tại của công ty đã lên 354 tỷ đồng. Trong đó, ông Phan Minh Thông đang nắm giữ 70% cổ phần của công ty. 

Hoạt động bán lẻ cà phê ra thị trường trong nước cũng được kỳ vọng mang lại lợi nhuận biên tốt hơn so với hoạt động xuất khẩu. Mặc dù vậy, việc chuyển đổi từ một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sang sản xuất và bán lẻ trong nước không đơn giản. 

Thị trường cà phê hòa tan trong nước hiện có quy mô hàng tỷ USD, là sân chơi của Nestle, Trung Nguyên, Vinacafe hay mới đây nhất là cả Nutifood. Chưa kể, để có chỗ đứng, Phúc Sinh còn phải cạnh tranh với các loại cà phê không nhãn có pha phụ gia vẫn đang được bày bán rộng rãi trên thị trường.