Tổn thất 1.000 tỷ USD do bất bình đẳng giới trong ngành kỹ thuật số

Hương Giang - 18:06, 09/03/2023

TheLEADERVới chủ đề “DigitALL: Đổi mới sáng tạo và công nghệ vì bình đẳng giới”, UN Women, Liên hợp quốc cùng các đối tác và đồng minh trên toàn thế giới đã tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ vào ngày 8/3/2023, kêu gọi chính phủ, các nhà hoạt động và khu vực tư nhân “tiếp sức” trong việc định hình một thế giới kỹ thuật số an toàn, toàn diện và công bằng hơn cho tất cả mọi người.

Tổn thất 1.000 tỷ USD do bất bình đẳng giới trong ngành kỹ thuật số
Các quốc gia thu nhập thấp và trung bình tổn thất 1.000 tỷ USD do bất bình đẳng giới trong ngành kỹ thuật số (Ảnh: UN Women)

Ngày nay, sự gia tăng khoảng cách về giới trong việc tiếp cận các công nghệ kỹ thuật số đã khiến cho phụ nữ khó có thể khai thác hết tiềm năng của công nghệ. Theo dữ liệu gần đây của Liên hợp quốc, việc loại trừ phụ nữ khỏi thế giới kỹ thuật số đã mang đến sự tổn thất cho tất cả mọi người. Cụ thể, việc này có thể khiến cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tổn thất đến 1 nghìn tỷ USD trên tổng thu nhập quốc nội trong thập kỷ vừa qua. Nếu không có kế hoạch, hành động và sự đầu tư phù hợp, những tổn thất này dự kiến có thể tăng lên 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Trong thông điệp kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh: “Ngày nay, phụ nữ chiếm chưa đến một phần ba lực lượng lao động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Và khi phụ nữ có ít đại diện tiêu biểu trong hoạt động phát triển các công nghệ mới, thì có lẽ sự phân biệt đối xử đã xuất hiện ngay từ đầu”. Ông António cũng đưa ra lời kêu gọi xóa bỏ khoảng cách về giới tính trong thế giới kỹ thuật số, đồng thời nhận định thêm rằng “đầu tư vào phụ nữ sẽ nâng cao tinh thần của tất cả mọi người, cộng đồng và quốc gia”.

Sự chênh lệch giữa tỷ lệ phụ nữ và nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai trong việc tiếp cận các cơ hội, áp dụng, sử dụng và hưởng lợi từ công nghệ kỹ thuật số vẫn là rào cản bất bình đẳng giới lớn nhất trong việc thiết kế và quản trị công nghệ kỹ thuật số.

Phụ nữ và trẻ em gái vẫn chưa được tham gia đúng mức vào quá trình sáng tạo, sử dụng và điều tiết công nghệ. Họ ít có khả năng sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số hoặc tham gia các nghề nghiệp liên quan đến công nghệ và thậm chí sẽ phải đối mặt với hành vi quấy rối và bạo lực trực tuyến nhiều hơn. Điều này không chỉ giới hạn khả năng trao quyền kỹ thuật số của chính họ mà còn cả tiềm năng biến đổi của công nghệ và đổi mới nói chung.

Trong tuyên bố của mình, bà Sima Bahous, Giám đốc Điều hành UN Women, cho biết: “Phụ nữ và trẻ em gái có quyền tiếp cận và thành công trong lĩnh vực kỹ thuật số như nam giới và trẻ em trai. Sự sáng tạo, kiến ​​thức và quan điểm của họ có thể định hình một tương lai nơi công nghệ góp phần chuyển đổi các chuẩn mực xã hội, khuếch đại tiếng nói của phụ nữ, thúc đẩy chống quấy rối trực tuyến, ngăn chặn sự tồn tại của những sai lệch ​​thuật toán, khiến cho số hóa trở thành một công cụ cân bằng tuyệt vời để đạt được mục tiêu phát triển bền vững."

Bà cho biết thêm: “Tầm nhìn của chúng tôi về sự bình đẳng có thể và sẽ bao gồm việc thụ hưởng thành quả của công nghệ và đổi mới một cách bình đẳng mà không sợ bạo lực hoặc lạm dụng dưới bất kỳ hình thức nào. Phụ nữ và trẻ em gái phải có quyền được tham gia, sáng tạo, học tập và làm việc một cách an toàn và hiệu quả cả trên môi trường trực tuyến và ngoại tuyến, từ đó tận dụng tối đa mọi cơ hội trong mọi lĩnh vực và ở mọi giai đoạn của cuộc sống, trên các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, xã hội và chính trị.”

Một nghiên cứu trên 133 hệ thống AI toàn cầu được sử dụng trong các ngành công nghiệp cho thấy 44,2% những hệ thống này thể hiện sự thiên vị giới tính. Tiếng nói của phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm yếu thế thường sẽ bị gạt sang một bên hoặc hoàn toàn không mặt có trong lĩnh vực công nghệ đã ảnh hưởng đến sự thiên lệch này. Công nghệ kỹ thuật số đáp ứng giới (công nghệ chuyển hóa từ nhận thức thành hành động thực tiễn để cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới) là cơ hội chưa từng có để trao quyền cho phụ nữ toàn cầu, xóa bỏ mọi hình thức chênh lệch và bất bình đẳng trong thời đại kỹ thuật số, đồng thời chuyển đổi hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Tại sự kiện, đại diện của Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên, các nhà công nghệ, nhà đổi mới, doanh nhân, thanh niên và các nhà hoạt động bình đẳng giới đã tôn vinh những phụ nữ và trẻ em gái đã và đang đấu tranh cho sự tiến bộ của công nghệ và đổi mới và tiềm năng của họ. Sự kiện thường niên này cũng sẽ giải quyết những vấn đề hiện có của phụ nữ và trẻ em gái trong việc tiếp cận không gian và kỹ năng kỹ thuật số, cũng như những mối nguy hiểm mà họ phải đối mặt từ bạo lực trực tuyến.

Nhiều sàn giao dịch chứng khoán trên khắp thế giới đã thể hiện sự ủng hộ của họ đối với quyền của phụ nữ và bình đẳng giới khi tổ chức các buổi lễ rung chuông. Năm nay, bà Anita Bhatia, Phó Giám đốc điều hành UN Women đã tham gia lễ rung chuông tại sàn chứng khoán Nasdaq ở New York vào ngày 8 tháng 3.

Ngoài ra, trong lễ kỷ niệm, UN Women và Liên minh Nghị viện (IPU) đã giới thiệu Bản đồ phụ nữ tham gia vào hoạt động chính trị phiên bản 2023, cũng cung cấp dữ liệu liên quan đến những người phụ nữ là đại diện chính trị trên toàn thế giới. Dữ liệu mới của Liên hợp quốc kể từ ngày 1/1/2023 cho thấy sự thiếu vắng tiếng nói và kinh nghiệm của phụ nữ trong hoạt động chính trị.

Tại các quốc gia trên thế giới, trung bình chưa đến 1/4 số bộ trưởng nội các là phụ nữ, chủ yếu lãnh đạo chính sách liên quan đến bình đẳng giới và quyền của phụ nữ, trong khi nam giới vẫn thống trị các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, năng lượng và các ngành khác.

Trên thế giới, số nữ nguyên thủ quốc gia chỉ chiếm 11,3%, số nữ lãnh đạo đứng đầu chính phủ các quốc gia chỉ chiếm 9,7%. Dữ liệu mới cũng cho thấy tỷ lệ thành viên nghị viện là phụ nữ trên toàn cầu đã tăng lên một chút, lên mức 26,5% so với 25,5% vào năm 2021.