Tổng giám đốc MB dự hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh 2022 của OceanBank

Trần Anh - 11:50, 22/03/2022

TheLEADERÔng Lưu Trung Thái cho biết: “Việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB. Theo lộ trình của NHNN mà Chính phủ đã cho phép, MB sẽ phối hợp cùng OceanBank kiểm tra, hệ thống dữ liệu và xây dựng phương án trình Chính phủ"

Cuối tuần trước Thống đốc NHNN Việt Nam đã ký các quyết định bổ nhiệm các nhân sự cấp cao của TNHH MTV Đại Dương (OceanBank). Theo đó, ngân hàng bổ nhiệm hàng loạt nhân sự mới tại các vị trí thành viên HĐQT, phó tổng giám, trưởng ban kiểm soát, thành viên ban kiểm soát…

Quá trình bổ sung loạt nhân sự mới đi cùng với nhiều bước tiến xung quanh hoạt động tái cơ cấu OceanBank. Đáng chú ý, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 của OceanBank ngày 15/1 có sự tham dự của hai lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) gồm Đại tá Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc MB và ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành - Giám đốc khối CIB MB.

Phát biểu tại hội nghị của OceanBank, ông Lưu Trung Thái cho biết: “Việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB. Theo lộ trình của NHNN mà Chính phủ đã cho phép, MB sẽ phối hợp cùng OceanBank kiểm tra, hệ thống dữ liệu và xây dựng phương án trình Chính phủ. Theo sự chỉ đạo của NHNN, MB sẽ thảo luận cùng lãnh đạo OceanBank thiết kế chương trình phù hợp cho OceanBank, trong đó cốt lõi là cách thức làm việc trong tương lai”.

Tổng giám đốc MB dự hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh 2022 của OceanBank
Đại tá Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc MB tham dự Hội nghị của OceanBank

Sự xuất hiện của lãnh đạo MB làm dấy lên thông tin ngân hàng này sẽ tham gia hỗ trợ/sáp nhập OceanBank. Đánh giá về thông tin này, chuyên gia phân tích SSI Research cho hay, mặc dù thông tin về thương vụ chưa được xác thực, song đây không phải thông tin tác động tiêu cực cho MB.

Tại thời điểm cuối 2020, dư nợ cho vay của OceanBank đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, một nửa trong đó là nợ xấu. Tuy nhiên, dự phòng rủi ro tín dụng là 8.400 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng là 32.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 14.000 tỷ đồng. Ngân hàng vẫn chịu lỗ, do nguồn thu nhập hạn chế từ cho vay và tiền gửi khách hàng mới được sử dụng để trả lãi cho khách hàng cũ. 

Còn theo báo cáo hoạt động của Ban Điều hành OceanBank, trong năm 2021 ngân hàng lỗ thấp nhất trong thời gian từ 2016 đến nay và trong 4 năm trở lại đây đã liên tục giảm lỗ lũy kế. Huy động vốn thị trường 1 tăng 3,5%, trong đó huy động bán lẻ tăng 5%; huy động khách hàng doanh nghiệp tăng 2%. Hoạt động cấp tín dụng tăng 9,5%, trong đó dư nợ bán lẻ tăng 13%; dư nợ khách hàng doanh nghiệp tăng 9%. 

Theo Quy định của Luật Tổ chức tín dụng, nếu MB trở thành ngân hàng hỗ trợ OceanBank, thương vụ này có thể nằm trong “Phương án chuyển giao bắt buộc” theo điều 148 và điều 151.

Ngân hàng hỗ trợ khi đó sẽ được nhận nhiều quyền lợi như cho vay, gửi tiền với lãi suất ưu đãi tại ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, được vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi đến 0% …Đặc biệt khi nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng 0 đồng, ngân hàng hỗ trợ không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính.

Ngoài các quyền lợi theo quy định của luật, ngân hàng hỗ trợ có thể được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng cao hơn. Lợi ích từ việc tăng thêm room tín dụng có thể tạo thêm động lực thúc đẩy các ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ các ngân hàng 0 đồng. Thực tế điều này đã xảy ra với một số ngân hàng tham gia hỗ trợ các quỹ tín dụng trong quá khứ.

Ước tính, nếu được cấp thêm 10% room tăng trưởng tín dụng nhờ việc trở thành ngân hàng hỗ trợ OceanBank. Thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế của MB có thể tăng thêm là 1.000 tỷ đồng và 600 tỷ đồng (giả định NIM là 4,3% và chi phí tín dụng 1,8%)

Tuy vậy, nếu được các cơ quan quản lý chấp thuận, MB sẽ cần thời gian để áp dụng và tích hợp hệ thống và mô hình hoạt động vào OceanBank. Ngoài ra, việc phân tán nguồn lực quản lý sang OceanBank cũng có thể tạo rủi ro cho MB. Một rủi ro khác là chu kỳ kinh tế kém thuận lợi khiến nợ xấu và chi phí tín dụng tăng vọt.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, MB duy trì đà tăng trưởng tốt với tín dụng tăng 6% và lợi nhuận ngân hàng mẹ đạt 3.500 tỷ đồng. Ngân hàng hiện có một số kịch bản cho 2022, dựa trên các mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 15% đến 35% phụ thuộc vào hạn mức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp.