Tổng giám đốc Samsung Việt Nam khuyến nghị về thuế tối thiểu toàn cầu

Hoàng Đông - 10:54, 30/03/2023

TheLEADERNếu không kịp thời có giải pháp ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu, cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ phải đối diện với gánh nặng thuế, dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh.

Tổng giám đốc Samsung Việt Nam khuyến nghị về thuế tối thiểu toàn cầu
Ông Choi Joo Ho trao đổi với Tổng cục Thuế. Ảnh: Báo Chính phủ.

Dự kiến, đến năm 2024, trụ cột hai thuộc Diễn đàn hợp tác chung của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), với nội dung về mức thuế suất tối thiểu toàn cầu, sẽ chính thức được áp dụng. Chính sách này tác động trực tiếp đến hơn 1 nghìn doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Samsung là doanh nghiệp FDI lớn nhất tại Việt Nam với 6 pháp nhân sản xuất và 1 trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) cũng nằm trong số doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trao đổi với Tổng cục Thuế, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết, trong trường hợp chính sách thuế tại Việt Nam không có sự thay đổi, Samsung sẽ phải nộp một khoản lớn thuế bổ sung về cho Chính phủ Hàn Quốc mỗi năm.

Như vậy, năng lực cạnh tranh của Samsung trên thị trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Việt Nam là cứ điểm sàn xuất hàng đầu của Samsung, chiếm 50% sản lượng điện thoại di động của doanh nghiệp này trên toàn thế giới.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam sẽ đánh mất quyền thu thuế. Nói cách khác, lợi nhuận của Samsung cũng như các doanh nghiệp FDI sẽ bị cơ quan thuế của nước khác giành mất quyền thu phần thuế chênh lệch. Cùng với chính sách thu hút FDI tập trung vào ưu đãi thuế và tiền thuê đất như hiện nay, Việt Nam sẽ trở nên kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Với tình thế có thể nói là “lưỡng nan” như vậy, đòi hỏi phản ứng chính sách kịp thời, một mặt vừa giữ được quyền đánh thuế, mặt khác tiếp tục duy trì cơ chế ưu đãi để thu hút nhà đầu tư quốc tế.

Ông Choi Joo Ho đề xuất, đối với chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp FDI, cần thay đổi từ hình thức ưu đãi thuế sang hỗ trợ bằng tiền mặt. “Điều này giúp duy trì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua tái đầu tư bằng khoản hỗ trợ”, Giám đốc Samsung Việt Nam nhấn mạnh.

Đây cũng đang là giải pháp được một số đối thủ cạnh tranh về thu hút FDI như Thái Lan, Ấn Độ áp dụng, do đó có thể xem là giải pháp phù hợp để Việt Nam duy trì tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Mặt khác, Chính phủ Việt Nam cần giành quyền đánh thuế thông qua cơ chế thuế suất tối thiểu nội địa (QDMTT), một giải pháp được OECD khuyến nghị các quốc gia nên áp dụng, thay vì giải pháp nâng thuế suất thu nhập doanh nghiệp lên 15% theo một phương án được đưa ra thời gian gần đây.

Theo ông Choi Joo Ho, nếu đơn thuần chỉ đưa mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp lên 15%, doanh nghiệp có thể phải chịu rủi ro từ tính phức tạp trong tính toán thuế bổ sung. Cụ thể, doanh nghiệp có thể bị đánh thuế 2 lần đối với phần thuế bổ sung do sự khác biệt về cách tính toán, cơ chế đánh thuế giữa 2 nước.

Đối với cơ chế QDMTT, OECD đã cung cấp các công thức tính toán để dễ dàng vận dụng cho cả doanh nghiệp và Chính phủ. Thông qua cơ chế này, Việt Nam cũng có thể vận hành hệ thống thuế theo tiêu chuẩn quốc tế, từ đó tăng cường tính minh bạch của hệ thống thuế tại Việt Nam.

Thực tế, một số quốc gia và nền kinh tế trong khu vực như Singapore, Hồng Kông, Malaysia… cũng đang chuẩn bị áp dụng cơ chế QDMTT.

Ghi nhận ý kiến từ phía Samsung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, Tổng cục là đơn vị được Bộ Tài chính giao nghiên cứu và đề xuất triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam, do đó rất mong muốn tham khảo các ý kiến cũng như tình hình triển khai giải pháp đối với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu ở các quốc gia để có biện pháp kịp thời, vừa đảm bảo quyền lợi quốc gia, vừa đảm bảo môi trường đầu tư cho doanh nghiệp.