TP.HCM và Hà Nội thuộc top đô thị phải chạy đua với biến đổi khí hậu

Tiêu Phong - 07:42, 18/03/2020

TheLEADERMực nước biển dâng cao có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của các đô thị Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

TP.HCM và Hà Nội thuộc top đô thị phải chạy đua với biến đổi khí hậu
Tình trạng ngập úng cục bộ thường xuyên xảy ra ở TP. HCM và Hà Nội, nhất là sau những cơn mưa lớn. Ảnh JLL cung cấp

JLL cho biết, kế hoạch phát triển khu đô thị Thủ Thiêm hứa hẹn cung cấp cho TP. HCM thêm nguồn cung nhà ở, văn phòng và không gian xanh. Nhưng sự thành công của trung tâm hành chính mới này sẽ phụ thuộc vào công tác chuẩn bị cho biến đổi khí hậu.

Nằm đối diện với khu vực trung tâm thành phố dọc theo sông Sài Gòn, quy hoạch phát triển Thủ Thiêm đã tính đến các kênh rạch nhân tạo, sông hồ và khu rừng ngập mặn nhằm thích ứng với thủy triều và chống ngập.

Chiến lược này là cần thiết cho nhiều thành phố tại Đông Nam Á. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ - tổng GDP khu vực đã tăng 5% mỗi năm kể từ năm 2014 - đây cũng là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu.

Theo một báo cáo từ Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu, các thành phố Đông Nam Á từ Bangkok đến Manila đang phải đối mặt với tình trạng mực nước biển dâng cao. Phía Đông Jakarta đang sụt lún với tốc độ hàng năm là 15cm, trong khi Bangkok cũng đang sụt 1-2cm mỗi năm.

Việt Nam, Myanmar và Philippines cũng nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, theo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu của Tổ chức phi chính phủ German Watch.

Đông Nam Á là khu vực có nhiều thành phố phát triển nhanh nhất và năng động nhất thế giới. Với quá trình di cư hàng loạt và đô thị hóa ngày càng tăng, nhiều thành phố đang dần cạn kiệt tài nguyên. Thêm vào đó, các thành phố lớn như Manila, TP. HCM, Bangkok và Jakarta nằm ở những vùng trũng thấp, nơi mực nước biển dâng cao là một yếu tố tự nhiên làm tình hình tệ hơn.

Đông Nam Á là khu vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhất thế giới. TP. HCM và Hà Nội nằm trong nhóm thành phố có tiềm năng kinh tế và bất động sản lớn nhất toàn cầu, lần lượt xếp thứ ba và thứ bảy trong Bảng xếp hạng thành phố năng động 2019 của JLL.

TP. HCM được các nhà phân tích bất động sản đánh giá là thành phố ưa thích của các nhà đầu tư nhà ở do tiềm năng tăng trưởng và năng suất cao hơn, vượt xa so với Bangkok (Thái Lan) và Singapore. 

"Chính sách thân thiện với doanh nghiệp của Việt Nam và các hiệp định thương mại tự do với hơn 60 quốc gia đã giúp tạo ra một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, củng cố sức hấp dẫn và động lực của Hà Nội và TP. HCM. Chúng tôi tin rằng hai thành phố lớn nhất đất nước sẽ tiếp tục vượt trội về tăng trưởng kinh tế và vốn đầu tư nước ngoài trên toàn cầu", ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam bình luận.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu ở khu vực này có thể kìm hãm triển vọng tăng trưởng. Ngân hàng Phát triển Châu Á ước tính rằng chi phí trung bình hằng năm cho công tác thích ứng biến đổi khí hậu của Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có thể lên đến 6,7% trên GDP của cả bốn quốc gia gộp lại cho đến năm 2100. Con số này cao gấp đôi so với tổn thất trung bình trên toàn cầu.

Singapore đã cam kết đầu tư 72 tỷ USD để bảo vệ quốc đảo này trước mực nước biển dâng cao. Thủ tướng Lý Hiển Long đã gọi biến đổi khí hậu là vấn đề đe dọa hiện hữu đối với đất nước và mang tầm quan trọng như quốc phòng. Kế hoạch sẽ có một quỹ dùng để phòng chống lũ lụt và xây dựng các công trình hành lang biển.

Trở lại câu chuyện Thủ Thiêm, hoạt động phát triển đã bắt đầu trở lại sau khoản thời gian trì trệ do vấn đề bồi thường và phát triển cơ sở hạ tầng chậm. Nhìn lại, khởi đầu muộn có thể đã mang lại cơ hội cho các nhà quy hoạch học hỏi từ các thành phố khác trong công tác chuẩn bị cho biến đổi khí hậu.