Trái đỏ là trái chi chi?

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng - 20:00, 17/10/2019

TheLEADERNhìn mấy tấm ảnh selfie lạ mắt chụp từ Phú Yên, bạn hỏi tôi trái gì? Tôi chịu vì chưa thấy bao giờ. Hỏi lại, bạn trả lời “thiên hạ gọi trái đỏ”. Trái đỏ là trái chi chi, tôi mới nghe. Đưa hình hỏi bạn bè cũng không ai biết.

Gọi là trái đỏ, đơn giản vì trái màu đỏ au, không chỉ trĩu mà chi chít quả. Quả gì mà mọc từ sát mặt đất, bu bám dày đặc quanh thân, lên cao vài mét như tổ ong.

Tò mò ra tận nơi, tới tận chỗ, sờ tận tay, hỏi tận người mới vỡ ra nhiều thứ.

Trái đỏ là trái chi chi?
Cây dâu da đỏ với nhiều nhánh ở vườn chị Thu Nguyệt thôn An Điền Bắc, xã An Xuân, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Ảnh DLGL.

Cây trái đỏ họ dâu da, bà con với bòn bon; có nơi gọi là dâu tiên (vì đẹp), dâu da đất (quả sát đất), dâu da quả gốc (trái quanh gốc), dâu da đỏ (vì trái màu đỏ)… Trái không mọc từ nhánh, từ cành mà trổ thẳng từ thân cây. Cứ như sợ ra trễ không còn chỗ. Lạ lùng hơn, trái mọc từ dưới gốc, sát mặt đất. Nhìn là no mắt, muốn ăn và ứa nước miếng vì quá hấp dẫn.

Sự đời lắm khi không như mình nghĩ. Sau khi selfie hàng chục tấm ảnh để đời, ai cũng muốn ăn thử. Được mời, có khi ăn đại, dù chưa được mời đều bị sốc và thành diễn viên hài kịch bất đắc dĩ. “Diễn viên” lập tức chọn cho mình trái đã nhất, đưa lên săm soi, hít hà và cắn là cả nhóm được cười miễn phí. Người thì bỏ chạy như nuốt than hồng. Người thì nhảy cẫng lên như dẫm phải lửa. Người khác ngồi sụp xuống như bị ong đốt. Có người hét lên như bị ma nhập. Tất đều có khuôn mặt nhăn nhó, khổ sở không nhịn cười được. Trái dâu da đỏ chua té đái. Càng chua do cứ tưởng là ngọt lịm.

Trái đỏ là trái chi chi? 1
Chủ tịch Lửa Việt Tours và cây dâu da đỏ thân thẳng ở thôn Lương Sơn, xã Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên tháng 9/2019. Ảnh Lê Ngọc Minh.

Có người thắc mắc, trái đỏ chi chi này tự dưng ở đâu ra. Bộ trước đây không có? Ngoài Phú Yên còn ở đâu có? Trái này có tự lâu rồi, loài cây mà trái chỉ để ăn chơi đúng nghĩa. Ăn thật không được vì chua và nặng bụng. Ít ai trồng nhiều. 

Mỗi vườn chỉ để năm ba cây vì không cần chăm sóc, trái có màu đẹp. Mùa trái chín, khách du lịch ghé chơi, chụp ảnh tía lia, đưa lên “phây”, lên zalo, thế là nổi tiếng như hoa hậu. Thay vì hái bán, chủ vườn để luôn, cả cây trĩu trái, đẹp và lạ không chê vào đâu được.

Thôn Lương Sơn, xã Sơn Xuân thuộc cao nguyên Vân Hòa (Sơn Hòa, Phú Yên) lâu nay bình lặng bỗng nhộn nhịp khách về thăm cây trái đỏ. Nhiều nhà có thêm việc làm. Từ giữ xe, bán bánh trái, đồ uống, thức ăn và cả sản vật địa phương. Thu nhập chưa nhiều nhưng với miền quê nghèo như vậy là vui lắm.

Năm nay, mùa mưa đến muộn, nhiều cây trở chứng, quả chỉ cầm chừng. Kinh nghiệm của các “lão nông tri viên” cho biết, “sau vài mùa dồn hết sinh lực nuôi hàng chục ngàn trái lúc nhúc, cây sẽ kiệt”. Vạn vật có quy luật chung, cái gì cũng phải chừng mực bởi cuộc sống mỗi loài là một chặng của cuộc đua marathon trường kỳ. 

Các già làng còn kể “vùng này thủa xưa toàn dâu da đỏ, mọc thành rừng. Chúa sơn lâm thời đó rất thích loại trái cây này. Nó bổ sung vitamin C và giúp cọp dễ dàng tiêu hóa thực phẩm trong bụng”. Chẳng biết thực hư thế nào.

Theo Đông y, cây dâu da có nhiều tác dụng chữa bệnh về tiêu hóa, đường ruột và tăng cường sức khỏe. Trái dâu da đỏ có nhiều công dụng theo dân gian nhưng chưa được kiểm nghiệm. Mùa dâu da đỏ năm ngoái, chị Minh Nguyệt, người tham gia đón khách ở thôn Lương Sơn, xã Sơn Xuân, thủ đô cây dâu da đỏ ở Phú Yên, mày mò tìm cách làm rượu từ trái. Thành công ngoài mong đợi. 

Rượu Dâu da đỏ màu hồng tươi tự nhiên, hương thơm ngọt nhẹ, nồng thanh; không cần men và chất bảo quản. Rượu để khai bữa, ăn đứt nhiều loại rượu khai vị, cả chất lượng, hương vị và tác dụng.

Trái đỏ là trái chi chi? 2
Rượu khai vị dâu da đỏ và những hũ ngâm rượu của chị Minh Nguyệt ở thôn Lương Sơn, xã Sơn Xuân, Sơn Hòa, Phú Yên. Ảnh :Nguyễn Văn Mỹ.

Có khách đề nghị chị Minh Nguyệt nghiên cứu làm thêm mứt và bột chua từ trái dâu da đỏ. Trong vườn nhà chị, ngoài cây dâu da đỏ còn có nhiều loại cây ăn trái, có cả vạt bông giờ, cây sa nhân, lá dít…những cây gia vị đa năng, làm nên thương hiệu ẩm thực xứ Nẫu.

Dâu da đỏ không chỉ ở Phú Yên mà còn có nhiều tại thôn An Điền Bắc, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, cách Quy Nhơn 80 km. Vùng đất được xem là cái nôi của phong trào Tây Sơn, độ cao gần gấp đôi nhưng khí hậu và thổ nhưỡng tượng tự Vân Hòa, Phú Yên. Gia đình chị Thu Nguyệt ở An Điền Bắc có cả vườn dâu da đỏ chứ không chỉ năm bảy cây như nhiều nhà ở thôn Lương Sơn, An Xuân, Phú Yên.

Cây dâu da đỏ ở Phú Yên thân thẳng, trái chi chít sát mặt đất và lên cao chừng vài ba mét. Ở Gia Lai, cây cao chừng mét là đẻ thêm nhiều nhánh. Trái chỉ ra quanh phần giao giữa thân chính và cành. Vào mùa thu hoạch, Phòng văn hóa thông tin thị xã An Khê, Gia Lai phối hợp với các hộ gia đình tổ chức những ngày hội Chợ Quê để bà con quanh vùng đến vui chơi và mua sắm sản vật địa phương.

Cả hai vùng đất đỏ bazan này đều có khí hậu mát mẻ, thôn làng sạch sẽ, hiếu khách; đủ cả Thiên thời – Địa Lợi - Nhân hòa để làm du lịch homestay đúng chuẩn, góp phần xây dựng nông thôn mới, giúp người dân không chỉ “xóa đói giảm nghèo” mà còn làm giàu chính đáng.