Trăn trở về quy hoạch

Thu Phương - 08:27, 03/11/2022

TheLEADERMột bản quy hoạch tốt cần có tầm nhìn, định hướng chiến lược rõ ràng và quan trọng nhất là mang lại giá trị, lợi ích cho người dân, cộng đồng và xã hội.

Trăn trở về quy hoạch
KTS. Lê Tuấn Long - Nhà sáng lập thương hiệu thiết kế cảnh quan Eden Landscape và thiết kế quy hoạch Plan8

Tầm nhìn của quy hoạch vùng ven

Hơn 20 năm trong ngành quy hoạch kiến trúc và thiết kế cảnh quan, từng đặt dấu ấn lên nhiều vùng đất trải dài trên khắp đất nước, điều khiến KTS. Lê Tuấn Long luôn trăn trở là thực trạng quy hoạch xây dựng, nhiều dự án hiện nay đang tồn tại những vấn đề “không ổn”. 

Không ít bản quy hoạch không mang lại giá trị thực, đóng góp cho cộng đồng, thậm chí còn đang kìm hãm sự phát triển chung của xã hội.

Vấn nạn tắc đường tại những thành phố lớn, hay những khu đô thị thiếu tiện ích đồng bộ cho cư dân chính là minh chứng rõ nhất cho những bản quy hoạch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Trong khi đó, để chỉnh sửa những quy hoạch đã đi vào thực tiễn này là điều vô cùng khó khăn, tốn kém cả về thời gian và tiền bạc.

Chưa nói đến những vấn đề “đã rồi” của quy hoạch tại những thành phố lớn, ngay cả những vùng ven, giáp ranh với đô thị, nơi vẫn còn rất nhiều quỹ đất, thuận lợi cho việc làm quy hoạch sớm, song việc này vẫn còn những hạn chế không nhỏ.

Số liệu cho thấy, quá trình đô thị hoá đang diễn ra mạnh mẽ. 6 tháng đầu năm 2022 tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam ghi nhận là hơn 40% và đang có xu hướng gia tăng. Trên thế giới và trong khu vực, có rất nhiều quốc gia khác thuộc khu vực châu Á đang có tốc độ phát triển trên 50%, 60%...

Theo ông Long, đô thị hóa có thể coi là một xu hướng tất yếu của quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Trong đó, các khu vực vùng ven đang chịu tác động rất lớn từ quá trình này. Thế nhưng, điều đáng buồn là quy hoạch vùng ven hiện chưa được quan tâm đúng mức.

"Suốt nhiều năm qua, các diễn đàn, hội thảo đề cập nhiều đến quy hoạch đô thị của các thành phố lớn, các trung tâm như Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng mà ít chú trọng đến khu vực vùng ven. Những quy định về phát triển khu vực này vẫn chưa rõ ràng, còn nhiều kẽ hở, dẫn đến cảnh tranh sáng, tranh tối…

Trong khi đó, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay, nếu không có tầm nhìn đủ lớn hay cách đặt vấn đề đúng đắn ngay từ đầu thì quy hoạch vùng ven sẽ có nguy cơ bị lạc hậu hoặc phá nát", ông Long nhìn nhận.

Nói rõ hơn về vấn đề này, vị kiến trúc sư cho rằng, ở những khu vực vùng ven, nơi đang diễn ra quá trình đô thị hoá mạnh mẽ, có rất nhiều quy định không rõ ràng trong luật, hoặc không thể thể đáp ứng được tiến trình phát triển của xã hội.

Đơn cử như hiện nay hệ thống pháp luật đang có các quy định về quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn. Tuy nhiên, nhiều tiêu chuẩn quy hoạch nông thôn đang thấp hơn nhu cầu hiện tại của người dân chưa nói đến tương lai 5, 10, 20 năm nữa. Vậy với các khu vực vùng ven thì nên áp dụng theo đô thị hay nông thôn hay cần có những quy định riêng cho khu vùng ven?

Ví dụ theo quy định hiện hành đường thôn được quy định có chiều rộng nền đường từ 5m, đường dân sinh có chiều rộng nền đường từ 2m, thậm chí không có xe ô tô chạy qua. Trong khi đó người dân ở các khu vực này họ cũng có điều kiện kinh tế và có nhu cầu cao về việc di chuyển bằng ô tô cá nhân. Điều này đã tạo ra khoảng cách rất lớn giữa các vùng ven và thành thị. Trong khi đó, với tốc độ đô thị hoá rất nhanh chóng như hiện nay, “chẳng mấy chốc” các khu vực này sẽ trở thành đô thị.

Nếu giữ các tiêu chuẩn quy hoạch cũ và không có cách làm bài bản, các quy hoạch này sẽ trở nên lạc hậu, khó kết nối hạ tầng, giao thông, kìm hãm sự phát triển kinh tế và làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân.

Hậu quả là viễn cảnh quá tải hạ tầng, những “nút thắt cổ chai” trong kết nối giao thông sẽ dẫn đến việc tắc đường xảy ra như một tất yếu và để giải quyết, không còn cách nào khác là buộc phải “đập đi làm lại”, vô cùng tốn kém và lãng phí.

Bên cạnh việc sửa chữa những quy hoạch tại các thành phố lớn, quan trọng hơn là cần có một tầm nhìn quy hoạch rõ ràng ở những khu vùng ven, những khu vực có xu hướng đô thị hóa trong tương lai để tránh lặp lại những sai lầm. Quá trình đô thị hoá ở các khu vùng ven đang diễn ra rất nhanh chóng như “vết dầu loang”. Ở đó, tất cả mọi thứ vẫn đang còn “lem nhem”, nửa trắng, nửa đen, nửa sáng, nửa tối.

“Nhiệm vụ của quy hoạch phải làm cho nó thật sáng tỏ”, ông Long khẳng định và cho rằng, đó chính là tầm nhìn của quy hoạch, nếu không làm tốt việc này, sẽ rất khó khăn cho sự phát triển chung.

Một yếu tố khác trong tầm nhìn quy hoạch mà ông Long đề cập đến chính là việc đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Đơn cử như ở các vùng nông thôn, vùng ven, chưa phải đô thị nhưng cư dân ở đó có điều kiện kinh tế, nhu cầu sống của cư dân ngày càng cao. Do đó, quy hoạch các khu vùng ven cần nhanh chóng theo kịp để phục vụ được nhu cầu đó.

“Không phải cứ quy hoạch tại vùng ven là không cần xây dựng công viên, trung tâm vui chơi giải trí, tiện ích dịch vụ… Tại sao phải chờ đến khi khu vực đó thực sự trở thành đô thị mới được quy hoạch những tiện ích như vậy mà không căn cứ vào nguồn lực, khả năng đáp ứng, mức chi tiêu làm yếu tố quyết định đến quy hoạch”, ông Long chia sẻ.

Quy hoạch phải có tầm nhìn xuất phát từ định hướng và tư tưởng. Chúng ta vẫn có thể xây dựng những khu nghỉ dưỡng, khu nhà ở tại nông thôn nhưng đáp ứng tiêu chuẩn của đô thị hiện đại hay chính là đáp ứng nhu cầu của người dân.

Mặt khác, những khu vực vùng ven thường có điều kiện tự nhiên, cảnh quan đẹp, phù hợp với việc phát triển du lịch. Chính vì vậy, những dự án được quy hoạch tốt sẽ giúp phát triển du lịch, nghỉ dưỡng của địa phương, thu hút ngược lại người dân từ các thành phố về sinh sống. Đây chính là cách để quy hoạch đi vào đời sống, đóng góp cho sự phát triển của kinh tế.

Quy hoạch phải mang lại lợi ích cho người dân, xã hội

Không chỉ cần có tầm nhìn, theo ông Long, giá trị cao nhất của một một bản quy hoạch tốt là phải mang lại lợi ích cho người dân, cộng đồng và xã hội.

Theo vị kiến trúc sư này, quy hoạch không phải chỉ là thực hiệnbản vẽ chia lô hay làm sao gia tăng đất thương phẩm để bán được nhiều bất động sản nhất có thểmà quan trọng hơn là phải mang lại giá trị cho cộng đồng.

Hiện nay, vẫn còn rất nhiều đồ án quy hoạch vùng ven đã phê duyệt nhưng không được tối ưu hoá, gây thiếu thốn tiện ích, dịch vụ, cảnh quan cây xanh, công viên, khu vui chơi giải trí... Các bản quy hoạch dự án này thường “quá tham” việc làm sao để chia được nhiều bất động sản mà quên đi các hạng mục phục vụ nhu cầu tất yếu của cuộc sống người dân.

Ở tầm cao hơn, theo ông Long, quy hoạch còn phải giúp phát huy được yếu tố văn hoá bản địa của địa phương, làm đẹp hơn cho vùng đất đó và giải quyết sinh kế của người dân.

Làm quy hoạch là khiến cho vẻ đẹp của các vùng đất được lộ rõ và khắc họa đậm nét hơn. Vẻ đẹp đó có thể là của cảnh quan thiên nhiên như rừng núi, cành cây, con suối, biển, hồ… hay cũng có thể là vẻ đẹp của văn hoá bản địa, vẻ đẹp của cuộc sống của người dân.

Đối với vẻ đẹp về văn hoá, con người, quy hoạch bất kỳ một dự án nào cũng cần tìm hiểu về đặc tính của cư dân, văn hoá bản địa của địa phương đó để lồng ghép hài hoà vào quy hoạch. Quy hoạch phải tôn trọng văn hoá bản địa.

Lấy ví dụ tại một dự án nghỉ dưỡng tại Sa Huỳnh mà công ty đang theo đuổi, ông Long chia sẻ, điều đặc biệt của dự án là có một ngôi làng cổ nằm giữa quy hoạch một dự án du lịch nghỉ dưỡng 5 sao. Ngôi làng giống như một ốc đảo bị cô lập, còn hoang sơ và kém phát triển, điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn. Trong làng chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ vẫn sinh hoạt theo nếp sống cũ từ bao đời nay trong khi thanh niên thì rời làng đi làm ăn xa. Vì vậy, vấn đề đặt ra là giải bài toán quy hoạch như thế nào? Di dời khu làng cổ đó ra khỏi dự án hay giữ nguyên hiện trạng?

Nếu di dời và giải phóng mặt bằng, dự án sẽ có diện tích đất sạch 100% để phát triển quy hoạch đồng bộ theo ý tưởng của đơn vị phát triển. Tuy nhiên, những mất mát về văn hoá sẽ là rất lớn khi một ngôi làng cổ bị biến mất, “xoá sổ”, cuộc sống người dân sẽ bị xáo trộn.

Còn nếu giữ ngôi làng cổ ở lại, quy hoạch dự án chắc chắn sẽ phải điều chỉnh để hài hoà giữa những phân khu mới của dự án và khu vực ngôi làng. Bài toán là làm thế nào để quy hoạch và quản lý được sự đan xen giữa hai khu vực khi dự án đi vào hoạt động. 

“Nếu làm không khéo, sự kết hợp này sẽ làm phá huỷ sự bình yên vốn có của ngôi làng, người dân bản địa cuối cùng cũng sẽ bỏ đi để người dân nơi khác vào sinh sống”, ông Long trăn trở.

Cuối cùng, nhóm của ông Long đã tư vấn để giữ lại ngôi làng cổ trong dự án. Nhưng không chỉ là giữ lại ngôi làng về mặt địa lý mà chúng tôi quan tâm hơn trong việc tạo ra sinh kế cho người dân nơi đây. 

“Làm thế nào để lôi kéo những người con xa quê trở về để kiếm sống trên chính mảnh đất của tổ tiên, để chăm sóc cha mẹ, nuôi dạy con cái và làm giàu trên chính quê hương mình”, ông Long trăn trở.

Tất nhiên, để làm điều này, quy hoạch chung của dự án đã phải điều chỉnh để hài hoà, có sự tương đồng và “kết nối” với ngôi làng cổ có sẵn và giúp cho ngôi làng đó trở nên xinh đẹp hơn, ngăn nắp, gọn gàng hơn.

Khi làm tốt các yếu tố đó, vô hình lại giúp hấp dẫn thêm khách du lịch đến với dự án. Bản thân dự án cũng là nguồn sinh kế ổn định cho những người dân nơi đây. Khi có nguồn sinh kế ổn định, lâu dài, người dân có thể kiếm được tiền trên chính quê hương của mình thì họ sẽ có động lực để trở về, để thêm yêu, thêm gắn bó với dự án. Đó là cách để đôi bên cùng có lợi và giúp cho sự phát triển bền vững của du lịch, ông Long chia sẻ.

Từ ví dụ trên, ông Long cho rằng, làm quy hoạch cần có góc nhìn tổng thể, hài hoà tất cả các yếu tố từ tự nhiên, văn hoá, con người. Trên cơ sở đó, người làm quy hoạch sẽ quyết định bài toán “xây dựng gì, làm gì hoặc không làm gì ở dự án đó”.

Người làm quy hoạch phải vừa là nhà tư tưởng, nhà quản lý vừa là nhà hoạch định chiến lược để mang lại những giá trị tốt nhất không chỉ cho nhà đầu tư dự án mà còn cho cộng đồng, xã hội, vì sự phát triển chung của địa phương.

“Nếu quy hoạch chỉ đơn giản là sẻ đất ra bán, vẽ như thế nào để bán được nhiều đất thương phẩm thì đôi khi sẽ làm mất đi vẻ đẹp vốn có của cả một vùng đất và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của dự án, của địa phương, và của chính nhà đầu tư”, ông Long nhấn mạnh.

(*) KTS. Lê Tuấn Long là Tổng giám đốc Công ty CP Kiến trúc Phong cảnh Việt Nam với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiến trúc cảnh quan và quy hoạch. Ông là nhà sáng lập ra thương hiệu thiết kế cảnh quan Eden Landscape và thiết kế quy hoạch Plan8.