Trang hàng hiệu Leflair đóng cửa sau khi gọi vốn 12 triệu USD

Việt Hưng - 12:52, 05/02/2020

TheLEADERNăm ngoái, Leflair công bố vòng gọi vốn Series B từ 2 quỹ đầu tư GS Shop và Belt Road Capital Management có trị giá 7 triệu USD, đưa tổng giá trị các vòng gọi vốn của công ty từ lúc thành lập đến nay đạt gần 12 triệu USD.

Trong thông báo phát đi mới nhất, sàn thương mại điện tử Leflair tuyên bố tạm dừng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Trong khi đó vẫn duy trì hoạt động "Hàng Nhập Khẩu" phù hợp với chiến lược năm 2020.

Công ty này nhấn mạnh: "Xây dựng, mở rộng hoạt động TMĐT đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Công nghệ, kho vận, nhân sự là những yếu tố thiết yếu để những công ty như chúng tôi có thể cải tạo và thay đổi ngành bán lẻ. Do đó, áp lực về nguồn vốn đối với Leflair ngày càng lớn theo sự phát triển, cùng với áp lực mục tiêu tạo lợi nhuận".

Bên cạnh đó, Leflair cũng cho rằng biến đổi thị trường đầu tư vào các công ty khởi nghiệp đã không tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp này. Do vậy, Leflair gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn để tiếp tục hoạt động theo cơ cấu và chiến lược hiện tại.

"Dưới áp lực về nguồn vốn hữu hạn và yêu cầu cắt giảm chi phí vận hành, chúng tôi phải đưa ra quyết định khó khăn là tạm dừng hoạt động kinh doanh Leflair tại Việt Nam", đại diện Leflair thông tin.

Leflair được thành lập bởi Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun, hai doanh nhân người Pháp hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Công ty có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, có văn phòng đại diện và kho hàng tại Việt Nam, Singapore và Hồng Kông.

Đi theo mô hình bán hàng flash-sale ở thị trường châu Âu (Vente-privee.com) và Trung Quốc (vip.com), Leflair phân phối các sản phẩm thời trang, làm đẹp và nhà cửa từ các thương hiệu trung và cao cấp trên toàn thế giới đến Việt Nam với mức giá giảm.

Sàn thương mại điện tử Leflair đóng cửa sau khi gọi vốn 12 triệu USD
Sàn TMĐT Leflair đi theo mô hình bán hàng flash-sale ở thị trường châu Âu và Trung Quốc

Phía Leflair từng chia sẻ, kể từ thời điểm ra mắt vào tháng 12/2015 đến nay, công ty đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 100% mỗi năm. Leflair hiện có hơn 120.000 khách hàng, doanh thu thuần mỗi năm đạt hơn 8 con số USD.

Tháng 1 năm ngoái, Leflair công bố vòng gọi vốn Series B từ 2 quỹ đầu tư GS Shop và Belt Road Capital Management có trị giá 7 triệu USD, đưa tổng giá trị các vòng gọi vốn của công ty từ lúc thành lập đến nay đạt gần 12 triệu USD.

Theo các báo cáo của Google & Temasek và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, thị trường TMĐT Việt Nam được đánh giá đang phát triển nhanh so với khu vực, cũng như còn nhiều tiềm năng tăng trưởng cho tương lai.

Dự kiến đến năm 2025, thị trường này có thể đạt ngưỡng 15 tỷ USD, gấp 3 lần quy mô hiện tại. Nhưng đồng nghĩa, tính cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điển tử sẽ ngày một tăng cao. Thực tế chỉ ra, ngày càng có nhiều tên tuổi lớn phải từ bỏ cuộc chơi, buộc phải dừng hoạt động, hoặc sáp nhập vào các đơn vị khác.

Trước Leflair, trang thương mại điện tử Lotte.vn cũng đã đóng cửa và sáp nhập vào Speedl.vn - trang thương mại điện tử khác đang được vận hành trực tiếp bởi Lotte Mart. 

Cách đó không lâu, Vingroup cũng tuyên bố đóng cửa sàn thương mại Adayroi.com sau hơn 4 năm hoạt động, chính thức sáp nhập vào VinID.

Hồi tháng 3 năm ngoái, Central Group cũng đã đóng cửa trang thương mại điện tử Robins.vn. Tiền thân của Robins.vn là Zalora, sàn thương mại điện tử chuyên về thời trang tại thị trường Việt Nam. Cuối năm 2018, Vuivui.com của Thế Giới Di Động cũng rút lui khỏi thị trường mạng dù khi mới được thành lập năm 2016.