Trong nguy nan sẽ có cơ hội

Quỳnh Như - 17:00, 07/03/2020

TheLEADERNhiều nữ lãnh đạo trong ngành thực phẩm - dược phẩm đang cho thấy khả năng linh hoạt ứng phó với đại dịch Covid-19, biến nguy thành cơ, đưa doanh nghiệp bật lên.

Vững vàng trong đại dịch nhờ kinh nghiệm quá khứ

Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Saigon Food chia sẻ tại Tọa đàm “Quản trị thời khủng hoảng và vai trò của nữ doanh nhân” do báo TheLEADER và Hội Nữ doanh nhân TP. HCM (HAWEE) tổ chức:

“Người ta thường nói rằng, khi xảy ra khủng hoảng, phải thật sự bình tĩnh mới giải quyết được vấn đề. Nhưng theo tôi, nếu chúng ta không có kinh nghiệm trước đó thì thật khó bình tĩnh.

Trong nguy nan sẽ có cơ hội
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Saigon Food, tại Tọa đàm “Quản trị thời khủng hoảng và vai trò của nữ doanh nhân”

Khủng hoảng kinh tế còn có thể dự báo trước, chứ các đại dịch liên quan đến virus thì không ai dự đoán được. Hơn nữa, dịch Covid-19 còn bùng phát ngay sau dịp Tết cổ truyền tại Việt Nam càng khiến cho tình hình thêm ngặt nghèo.

Cũng may, chúng tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm ứng phó với khủng hoảng, nên khá vững vàng.”

Bà Lâm kể, trong quá khứ, Saigon Food từng trải qua 2 cuộc khủng hoảng đáng nhớ. Đầu tiên là trong khoảng thời gian 2005, với sự bùng phát của dịch cúm gà. Người tiêu dùng không ăn gà nữa mà chuyển qua ăn cá. Dù lúc đó Saigon Food còn yếu (mới 2 năm tuổi) nhưng đội ngũ nhân viên vẫn cố gắng vận dụng đủ nguồn lực để đáp ứng nguồn cung cho siêu thị.

Nhờ đó, Saigon Food đã vào được Co.op Mart và Maximart, rồi sau đó không lâu thì có mặt tại tất cả các hệ thống siêu thị còn lại.

“Từ đó, chúng tôi rút ra kết luận, khi dịch bệnh xảy ra, nếu mình nỗ lực hết sức sẽ được hưởng lợi”, bà Lâm nói.

Khi dịch bệnh xảy ra, nếu mình nỗ lực hết sức sẽ được hưởng lợi.
Lê Thị Thanh Lâm
Phó tổng giám đốc Saigon Food

Lần thứ hai là năm 2018, Saigon Food đang cho toàn thể cán bộ công nhân viên đi nghỉ mát tại một khách sạn 3 sao ở Phan Thiết, nhưng ăn uống 5 sao. Tuy nhiên, chẳng hiểu vì sao, hàng trăm người của doanh nghiệp đã bị ngộ độc, phải đi bệnh viện cấp cứu.

Vì thiếu kinh nghiệm, Saigon Food đã rất lúng túng khi xử lý tai nạn này. Thông tin bị rò rỉ ra ngoài, khách hàng Nhật Bản biết được. Thế là, đối tác Nhật yêu cầu Saigon Food ngừng sản xuất. Lý lẽ của họ là nếu các nhân viên bị ngộ độc thực phẩm đứng sản xuất sushi thì làm sao bảo đảm sản phẩm an toàn.

Từ lần khủng hoảng thứ 2 này, Saigon Food hiểu rằng, khi có chuyện xảy ra, doanh nghiệp cần phải tìm cách giữ khách hàng, làm sao để khách hàng tin là doanh nghiệp có thể đảm bảo được yêu cầu về chất lượng sản phẩm.

Với đại dịch Covid-19, Saigon Food có hại mà cũng có lợi. “Một năm Saigon Food có 2 đợt kiểm kê hàng tồn. Đợt đầu, vào tháng 12, kiểm kê hàng xuất khẩu. Sau Tết cổ truyền, chúng tôi thường để kho trống để dễ kiểm kê hàng tồn cho thị trường nội địa. Thế nên, dù nhu cầu vài loại thực phẩm lên cao khi xảy ra dịch, chúng tôi lại không có hàng để bán”, bà Lâm kể.

Một tác động xấu nữa với Saigon Food, theo bà Lâm, là công ty hiện có tới 2.500 công nhân với 60% đến từ Thanh Hóa - tỉnh đã có người nhiễm virus Corona sau Tết. Để xử lý vấn đề này, Saigon Food đã thành lập Uỷ ban phòng chống dịch, kiểm tra sức khoẻ công nhân, đo thân nhiệt. Saigon Food cũng rất chú tâm vào việc truyền thông nội bộ và bên ngoài nhằm làm yên lòng khách hàng và đối tác.

Ngoài ra, có một khó khăn nữa liên quan đến nguyên liệu đầu vào và lao động. Khi dịch xảy ra, một vài loại bao bì không có, ví dụ như bao bì cho mặt hàng cháo tươi phải nhập khẩu, nay bị gián đoạn; rồi thiếu hụt nhân công, người đi làm được phải làm ba ca để đảm bảo sản lượng.

Song bên cạnh đó, Saigon Food cũng có điểm thuận lợi. Bà Lâm cho biết: “Tôi là kiểu người khá nhạy cảm với thị trường. Khi thấy dịch Covid-19 bùng phát, tôi đã dự đoán được ngay vài mặt hàng sẽ có nhu cầu tăng cao, ví dụ như cháo tươi. Do nhà trường đóng cửa, các em bé phải ở nhà, mà ba mẹ vẫn phải đi làm bình thường không có nhiều thời gian nấu ăn nên cháo tươi chắc chắn sẽ hút hàng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được một vài bất ngờ. Loại cháo bổ dưỡng cao cấp trước đây như cháo cá hồi, cháo yến giá khá cao nên bán không chạy, bây giờ lại rất được ưa chuộng, giúp doanh số tăng đến 3 lần. Lý do là khi dịch bệnh xảy ra thì người dân cần ăn uống nhiều dưỡng chất hơn để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.”

Cũng theo bà Lâm, trong gian khó, người Việt Nam có truyền thống rất đoàn kết. Do mọi người kết nối tốt hơn bình thường, nên có thể tăng tốc, giải quyết được mọi vấn đề. Trước đây, có những công đoạn, chúng tôi làm trong 7 ngày, lúc nguy khó chúng tôi có thể hoàn thành trong 3 ngày. Điều đó cho thấy bình thường Saigon Food vẫn đặt mục tiêu chưa cao, và khả năng của con người là vô hạn. Quan trọng nữa, khi có khủng hoảng, người nữ lãnh đạo cần bản lĩnh và quyết đoán trước khi quyết định bất cứ việc gì.

“Tôi vừa đề xuất dừng 2 dự án lớn đang triển khai để bắt đầu xây dựng, phát triển hai dự án mới phù hợp với thời cuộc. Theo tôi, với đại dịch Covid-19, trong nguy nan chúng ta có thể thấy được cơ hội. Muốn thế, trước hết người lãnh đạo phải hết sức bình tĩnh, nhân viên sẽ nhìn vào mình để tự tin hơn”, bà Lâm nói.

Đại dịch là cơ hội thể hiện uy tín

Nguyễn Thị Hạnh, Phó giám đốc Tập đoàn KIDO cho biết: “Hai sản phẩm chủ lực của Công ty là dầu ăn và kem không bị ảnh hưởng nhiều. Về dầu ăn, hiện có đầu ra ổn định; còn nguyên liệu đầu vào không phải đến từ Trung Quốc nên cũng không sao. Nhu cầu của khách hàng cũng không tăng nhiều. Tuy nhiên, KIDO vẫn đang chuẩn bị những kịch bản để ứng phó nếu chẳng may thị trường trong nước bị virus corona đe dọa.

Về kem, thường thì kem của KIDO tiêu thụ trong các khu vui chơi rất nhiều, giờ các khu vui chơi không có khách nên chúng tôi phải đi thu hồi những tủ kem ở đó, tập trung đẩy mặt hàng kem vào nhiều kênh khác nhau để không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu. Hơn nữa, trong giai đoạn này, KIDO cũng lùi những mục tiêu kinh doanh quan trọng sang các quý sau, không cho nhân viên bán hàng đi thị trường ở những vùng có dịch.”

Trong nguy nan sẽ có cơ hội 2
Bà Lâm Thúy Ái - Phó TGĐ Mebipha tại Tọa đàm “Quản trị thời khủng hoảng và vai trò của nữ doanh nhân”.

Trong khi đó, ở Công ty TNHH SXTM Mebipha, tình hình khá giống với Saigon Food, có cả tác động tốt và xấu.

Thường thì chu kỳ hàng tồn kho của Mebipha là khoảng 3 tháng và hiện doanh nghiệp đã xài hết. Lượng hàng tồn kho này được công ty phục vụ cho cả khách hàng cũ và mới. Mebipha không ghim hàng và cũng không lạm dụng tăng giá. Hàng hóa được phân phối đều cho các khách hàng.

Theo Bà Lâm Thúy Ái - Phó TGĐ Mebipha, đây là cơ hội để Mabipha thể hiện uy tín và đạo đức kinh doanh của mình, không lợi dụng nỗi hoảng sợ của người dân để trục lợi.

Đây là cơ hội để chúng tôi thể hiện uy tín và đạo đức kinh doanh của mình, không lợi dụng nỗi hoảng sợ của người dân để trục lợi.
Lâm Thúy Ái
Phó TGĐ Mebipha

Về đối nội, bà Thúy Ái cho biết: “Trước đây mình rất ít khi ở Công ty, nhưng thời điểm này thì hạn chế đi ra ngoài, 1 tuần ở đủ 5 ngày trong Công ty để truyền năng lượng cho anh chị em. Ngoài mua khẩu trang cho nhân viên để họ yên tâm đi làm, tôi còn phải đứng ra làm công tác tư tưởng, liên tục truyền thông cho nhân viên và bạn bè để họ không quá hoảng sợ trước bệnh dịch.

Bình tĩnh phải đặt lên hàng đầu, trước khi về ôm con, các mẹ các chị phải vệ sinh sạch sẽ… Năm nay tiêu chí doanh nghiệp mình đầu tiên là ‘Phải Sống’, bảo toàn sức khoẻ tất cả thành viên là trên hết, làm sao lướt được cơn bão này là tốt rồi, đừng nói tới lời lỗ”.