'Dịch Covid-19 là phép thử với doanh nghiệp'

Kim Yến - 10:52, 06/03/2020

TheLEADERVượt qua khủng hoảng bởi dịch Covid-19 là một bài toán hóc búa cho lãnh đạo các doanh nghiệp.

Chia sẻ với TheLEADER, bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food cho rằng, khủng hoảng do dịch Covid-19 chính là phép thử với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào đủ sức vượt qua sẽ mạnh mẽ, vững vàng hơn trên thương trường.

Trong thời kỳ khủng hoảng, thay đổi liên tục và đầy bất trắc, nhất là khi dịch Covid-19 đang hoành hành đã ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào đến hoạt động kinh doanh và cuộc sống của cán bộ công nhân viên, đến cuộc sống mỗi gia đình?

Bà Lê Thị Thanh Lâm: Khủng hoảng là một tình thế bất trắc đã đến giai đoạn nguy hiểm, gay cấn, cần can thiệp ngay để giảm thiểu tối đa thiệt hại. Có những khủng hoảng như khủng hoảng kinh tế thì có thể dự đoán được và diễn biến cũng không quá thần tốc. Khủng hoảng dịch bệnh như Covid-19 lần này thì không ai dự đoán được và tốc độ quá nhanh trong một thời điểm quá đặc biệt, đó là thời điểm Tết, cho nên càng phức tạp hơn gấp bội.

Nó không chỉ ảnh hưởng mà xáo trộn mọi hoạt động của hầu hết các doang nghiệp và cuộc sống của cán bộ công nhân viên. Đang yên lành giờ thay đổi lớn, vừa phải đi làm vừa phải chăm con vì các con nghỉ học ở nhà, vừa nơm nớp lo sợ dịch bệnh lây nhiễm cho bản thân và gia đình. Nỗi lo càng nhân lên khi việc làm có nguy cơ tạm dừng nếu doanh nghiệp không có đơn hàng sản xuất kinh doanh.

Đối với nữ doanh nhân, làm thế nào để hoạch định những chiến lược cụ thể, kế sách hàng động rõ ràng, để giúp doanh nghiệp đỡ lao đao, vượt qua "cửa tử", thoát khỏi tình trạng phá sản, để trở nên hùng mạnh hơn sau khủng hoảng?

Bà Lê Thị Thanh Lâm: Là một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và chuyên thực phẩm chế biến sẵn nên "trong nguy có cơ". Do tâm lý người tiêu dùng muốn an toàn và giữ gìn vệ sinh, nên thực phẩm chế biến sẵn của chúng tôi được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng, đơn hàng tăng gấp đôi so với bình thường.

Đại dịch là “phép thử”, doanh nghiệp nào đủ sức vượt qua sẽ mạnh mẽ hơn
Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food.

Trong một hoàn cảnh phải đối phó với dịch bệnh có khả năng lây nhiễm cho người lao động, làm sao để khách hàng yên tâm sản phẩm vẫn an toàn, làm sao để đáp ứng đơn hàng tăng đột biến trong tình thế thành phẩm bán gần như sạch kho cho mùa Tết, công nhân thì nghỉ Tết chưa vào đông đủ, bao bì nhập khẩu còn chưa về kịp?

Đó là một bài toán hóc búa cho lãnh đạo doanh nghiệp.

Trong những tình thế cấp bách như vậy, sự bình tĩnh và quyết đoán rất quan trọng. Chúng tôi đã ưu tiên theo các bước sau: Thứ nhất là ổn định sức khỏe và tâm lý cho người lao động an tâm làm việc bằng nhiều biện pháp. Truyền thông phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nâng chất bữa ăn cho cán bộ nhân viên, giải quyết chế độ làm việc linh động trực tuyến đối với các trường hợp cảm ho, sổ mũi,...

Thứ hai là giữ vững niềm tin cho khách hàng bằng các hình thức thư báo, trao đổi trực tiếp về những chính sách và phương án phòng dịch nêu trên.

Thứ ba là nắm bắt cơ hội, tối ưu sản xuất để đáp ứng đơn hàng và đảm bảo chất lượng thành phẩm.

Thứ tư là thay đổi tầm nhìn qua khủng hoảng để dự đoán trước những khó khăn và cơ hội mới và điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp tình hình thực tế.

Với trình tự này, chúng tôi gần như khống chế "cơn bão tâm lý " cho cán bộ nhân viên và khách hàng. Từ đó tiếp tục tổ chức sản xuất ổn định và đáp ứng 95% đơn hàng cho thị trường nội địa.

Bên cạnh đó chúng tôi đã phải quyết định dừng triển khai hai dự án và mở ra những dự án mới vì nhìn thấy tiềm năng phát triển sau khủng hoảng. Chúng tôi nói đùa "trong cái khó ló ra nhiều thứ".

Cùng với điều hành doanh nghiệp, nữ doanh nhân còn phải lo lắng cho đời sống gia đình, làm thế nào để điều tiết vai trò làm mẹ, làm vợ, làm doanh nhân trong thời kỳ khủng hoảng này?

Bà Lê Thị Thanh Lâm: Là người phụ nữ Việt Nam, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc quán xuyến chăm sóc gia đình là thiên chức. Cho nên nếu biết đem quản trị doanh nghiệp vào trong việc quản trị gia đình một cách linh hoạt và khoa học thì mọi việc sẽ đỡ vất vả hơn.

Vẫn là theo trình tự trên, đầu tiên là tạo tâm lý an tâm và xây dựng niềm tin cho các thành viên trong gia đình bằng những thông tin chính thống, áp dụng các biện pháp phòng dịch được Bộ Y tế khuyến nghị. Tiếp theo là nắm bắt cơ hội để các thành viên trong gia đình gần gũi nhau hơn thông qua các hoạt động lành mạnh như tập thể dục chung, nấu ăn tại nhà, ôn bài cho con nhỏ,... 

Cuối cùng là tầm nhìn qua khủng hoảng bằng sự lạc quan, tôi tin chỉ số sức khỏe và hạnh phúc gia đình đều tăng cao trong và sau mùa dịch này, mỗi thành viên còn có thêm thói quen tốt mới.

Những kinh nghiệm quý giá của riêng bà cần chia sẻ và tạo động lực cho đời sống tinh thần của toàn xã hội, nhất là của đội ngũ, những người kề vai sát cánh với mình?

Bà Lê Thị Thanh Lâm: Chúng ta xót xa đau lòng khi biết chắc rằng sẽ có rất nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh hoặc phá sản, người lao động mất việc. Đó là những doanh nghiệp trong ngành dịch vụ hay ngành nghề có liên quan. Tuy nhiên trong bầu trời u ám cũng xuất hiện những điểm sáng điển hình trong ngành thực phẩm như doanh nghiệp ABC với những sáng tạo đột phá nhằm cứu nông sản Việt.

Bên cạnh đó, thời gian qua chúng ta nghe nói nhiều về Covid-19 thường gây tử vong cho những người có bệnh nền. Doanh nghiệp, nếu ví như cơ thể con người thì cũng sẽ như vậy. Nếu doanh nghiệp khỏe mạnh, không có nhiều lỗ hổng trong quản lý, điều hành thì chắc chắn sẽ mạnh mẽ vượt qua khủng hoảng, biến nguy thành cơ.

Tôi tin rằng qua cơn mưa trời lại sáng, qua khủng hoảng nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục, đại dịch này là “phép thử” cho thấy doanh nghiệp nào đủ sức vượt qua sẽ mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn trên thương trường.

Nhìn lại cuộc đời mình, cú sốc khủng hoảng nào đã khiến bà rơi vào khó khăn, đau khổ nhất? Bà đã vượt thoát nó như thế nào để có thể tự vực dậy, tạo dựng nội lực mạnh mẽ hơn?

Bà Lê Thị Thanh Lâm: Cuộc đời con người chắc chắn ai cũng sẽ có những giai đoạn khủng hoảng. Với tôi, vào những năm 2007 - 2010 là giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, khi bản thân vừa qua cơn bệnh nguy hiểm thì hai người thân yêu liên tiếp qua đời. Trong một hoàn cảnh mà tôi trở thành trụ cột của gia đình nhỏ cũng như gia đình lớn của mình thì tôi không thể không mạnh mẽ được, bao nhiêu nội lực tích tụ có dip bộc phát để chống chọi qua cơn khủng hoảng.

Lúc đó tôi như quên bản thân mình mà chỉ biết lo cho những người thân trong gia đình mà thôi, sau đó từ từ mới lấy lại cân bằng và sống có trách nhiệm với bản thân hơn. Khi trên cơ thể bạn những gì có 2, giờ chỉ còn 1 thì cái còn lại quý giá lắm, trong gia đình cũng vậy khi bạn trở thành trụ cột và chỗ dựa tinh thần duy nhất thì bạn quan trọng vô cùng. Cũng vì thế tôi trân trọng bản thân và không ngừng trau dồi thân tâm trí để phát huy nội lực.

Bà có thể gửi gắm điều gì với những nữ doanh nhân trong dịp 8/3 này? Bà nghĩ gì về vai trò nữ giới trong kiến tạo và xây dựng những giá trị sống đích thực?

Bà Lê Thị Thanh Lâm: Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh, của khủng hoảng, mọi thứ xáo trộn, nhưng thời gian qua cuộc sống của doanh nhân nói chung và nữ doanh nhân nói riêng dường như chậm lại (không sự kiện, không tiệc tùng họp mặt ....), chúng ta có nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Đây là cơ hội tốt để chúng ta gần gũi với những người thân yêu và nhìn lại từ bên trong bản thân mình. Giữa những bộn bề lo lắng nguy cơ, người phụ nữ càng phát huy bản tính điềm đạm, bình tĩnh để mãi là chỗ dựa an lành cho mọi người quanh mình.

Một phương cách hữu hiệu chống khủng hoảng là không "hoảng khủng" tức là có giật mình nhưng luôn bình tĩnh!

Tuy vậy, tôi vẫn mong một điều, phụ nữ Việt Nam chúng ta luôn tuyệt vời nhưng hay quên mình lắm. Nhân ngày 8/3 tôi mong chị em phụ nữ chúng mình luôn biết sống cân bằng trong mọi hoàn cảnh, cân bằng trong công viêc gia đình và cân bằng yêu thương, yêu thương mọi người và yêu thương cả bản thân mình.

Xin cảm ơn bà!