Trungnam Group lãi 254 tỷ đồng năm 2022

Dũng Phạm - 16:30, 19/05/2023

TheLEADERXuất phát từ một công ty xây dựng cơ sở hạ tầng, những năm gần đây, bên cạnh bất động sản và thủy điện, Trungnam Group đẩy mạnh phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với hàng loạt các dự án điện mặt trời, điện gió.

Công ty Cổ phần Đầu Tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính. Theo đó, năm 2022, Trungnam Group ghi nhận lãi sau thuế đạt hơn 254 tỷ đồng, giảm mạnh 84% so với mức hơn 1.600 tỷ đồng năm 2021. 

Kết quả lợi nhuận phản ánh Trungnam Group đã phải chịu những tác động lớn từ thị trường trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng cao. Bên cạnh một số dự án đang triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ trong giai đoạn năm 2022.

Quy mô tổng tài sản của Trungnam Group tăng lên trên 96.000 tỷ đồng, cao hơn 3,8% so với đầu năm. Ở phần nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Trungnam Group ít biến động khi vẫn duy trì ở mức trên 27.900 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, nợ phải trả của công ty tăng 3.550 tỷ đồng lên mức hơn 68.110 tỷ đồng, tương ứng tăng 5,5% so với đầu kỳ. Trong đó, trái phiếu chiếm 36% với 24.285 tỷ đồng dư nợ tại thời điểm 31/12/2022.

Sự sụt giảm manh của lợi nhuận sau thuế khiến hiệu quả sử dụng vốn (ROE) của tập đoàn giảm mạnh từ 5,85% xuống 0,91%. 

Lợi nhuận sau thuế của Trung Nam Group sụt giảm 84% trong năm 2022
Nhà máy Điện mặt trời Thuận Nam của Trungnam Group

Thành lập từ năm 2004, Trungnam Group hiện nay là tập đoàn đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực hoạt động: Năng lượng, Hạ tầng - Xây dựng, Bất Động sản, Công nghiệp thông tin điện tử.

Bắt đầu từ năm 2018, Trungnam Group bắt đầu tham gia thực hiện các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn. Đến tháng 10/2021 Trung Nam đã đóng góp 1,63GW năng lượng vào lưới điện quốc gia, qua đó nằm trong nhóm dẫn đầu khối doanh nghiệp tư nhân trong ngành công nghiệp này.

Mặc dù vậy, từ cuối năm 2021, vấn đề mua hay không mua phần công suất chưa có giá của nhà máy Điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam liên tục được đưa ra. Mới đây, Thủ tướng đã có chỉ đạo yêu cầu giải quyết dứt điểm kiến nghị có cơ sở của Công ty Trung Nam Thuận Nam, khẩn trương đưa vào khai thác phần công suất 172MW của nhà máy điện mặt trời của Trung Nam, bảo đảm đúng quy định pháp luật, thực hiện đúng cam kết hợp đồng mua bán điện giữa các bên.

Trước đó, hàng loạt nhà đầu tư có các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa được vận hành thương mại đã có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ kiến nghị khắc phục những bất cập trong cơ chế đàm phán giá phát điện, và đề xuất có cơ chế huy động tạm thời các dự án.

Gần đây, đại diện Bộ Công thương cho biết, một số dự án điện gió, điện mặt trời đã được phê duyệt mức giá tạm thời để đưa vào khai thác, nhằm đáp ứng như cầu điện tăng cao trong thời gian gần đây, tránh tình trạng thiếu điện cục bộ.

Đáng chú ý, hôm 15/5, Quy hoạch điện VIII đã được ban hành, trong đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo là thông tin tích cực hơn đối với Trungnam Group nói riêng cũng như doanh nghiệp trong ngành năng lượng tái tạo nói chung. Cùng với đó môi trường lãi suất đang dần hạ nhiệt sẽ giảm bớt áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.