TS. Huỳnh Thế Du: Cơ chế đặc thù cho TP.HCM có thể tính đến "đặc khu Thủ Thiêm"

Cát Anh - 17:41, 15/11/2017

TheLEADERTS. Huỳnh Thế Du đề xuất xây dựng Thủ Thiêm thành một đặc khu kinh tế như phố Đông của Thượng Hải, Trung Quốc, nhằm tạo ra cú hích, kích kinh tế TP.HCM phát triển.

TS. Huỳnh Thế Du: Cơ chế đặc thù cho TP.HCM có thể tính đến "đặc khu Thủ Thiêm"
TS. Huỳnh Thế Du: Động lực của các nền kinh tế Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… chính từ các vùng siêu đô thị. Ảnh: Cát Anh

“Dư địa tăng trưởng và phát triển cho TP.HCM còn rất lớn. Nếu TP.HCM xác định được hướng đi đúng và cách làm phù hợp, cộng với một cơ chế phân bổ ngân sách hợp lý cũng như sự chủ động hợp lý cho TP.HCM từ trung ương thì trong 10 năm là đủ tạo ra những thay đổi nền tảng của một đô thị hiện đại. Và 30 năm cũng sẽ đủ để chuyển từ một đô thị ở thế giới thứ ba sang thế giới thứ nhất. Đây không phải là giấc mơ viển vông bởi nhiều nơi như Singapore, Seoul hay Đài Bắc đã làm được”, TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Đại học Fullbright Việt Nam, chia sẻ về việc Quốc hội đang xem xét về các cơ chế đặc thù cho TP.HCM phát triển và bàn thảo về luật cho các đặc khu kinh tế

Câu chuyện cạnh tranh của TP.HCM là cạnh tranh với các nước

Những thách thức căn bản nào hiện nay mà TP.HCM đang gặp phải khiến tiềm năng và thế mạnh chưa được khai thác hết, thưa ông?

TS. Huỳnh Thế Du: Nguyên nhân cơ bản là cơ chế, chính sách phần lớn được quyết định bởi Trung ương hay chính sách chung của cả nước; đồng thời cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay khiến TP.HCM không đủ nguồn lực cần thiết tạo tiền đề cất cánh. Nhìn lại suốt 10 năm qua, từ năm 1990 đến nay thì mức chi ngân sách cho TP chỉ trên dưới bình quân có 8,3% GRDP và đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây. 

Hiện TP.HCM huy động được bốn đồng thì chỉ được giữ lại chưa đến một đồng. Đó là mức quá ít, TP.HCM không đảm bảo nhu cầu thiết yếu, đặc biệt đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, ở các quốc gia đã trở nên phát triển, trong giai đoạn đầu họ dành nhiều nguồn lực cho những vùng đô thị có khả năng phát triển, tạo ra nhiều giá trị gia tăng và việc làm. Cụ thể, Seoul (Hàn Quốc) dành mức chi tối thiểu hơn 10% GRDP để đảm bảo tốc độ phát triển cao. Muốn phát triển nhanh như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Hồng Kông thì chi tiêu ngân sách ở những nơi này chiếm hơn 20% GRDP.

Nếu các cơ chế được xử lý tốt, TP.HCM sẽ có thêm nhiều hoạt động và cái bánh nền kinh tế sẽ lớn ra. Khi đó, TP.HCM sẽ có thêm phần và các địa phương khác cũng được tăng thêm.

TS. Huỳnh Thế Du

Động lực của các nền kinh tế Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… chính từ các vùng siêu đô thị, được tạo điều kiện phát triển, tạo ra nhiều giá trị gia tăng và việc làm hơn. Sự bùng nổ của Trung Quốc trong thời gian qua cũng theo công thức này. Theo đó, nhờ một nguồn lực rất lớn dành cho các trung tâm, điển hình là Thượng Hải mà trong thời gian ngắn đô thị này đã trở thành cổ máy tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.

Điều này cho thấy thay vì được dành nhiều nguồn lực để phát huy tiềm năng và lợi thế nhằm có thể cạnh tranh quốc tế, vùng TP.HCM đang bị vắt kiệt, khiến TP.HCM không thể phát triển và rút ngắn khoảng cách với các TP trong khu vực.

Vậy chìa khóa để giải quyết vấn đề ở TP.HCM là gì, thưa ông?

TS. Huỳnh Thế Du: Câu chuyện cạnh tranh của TP.HCM là không phải cạnh tranh với các TP hay địa phương trong nước mà là cạnh tranh với TP các nước. Mặt khác, cạnh tranh của các quốc gia thực chất là sự cạnh tranh của các TP lớn nhằm thu hút ba nhóm đối tượng quan trọng gồm: Doanh nghiệp, người giỏi và người giàu.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay có sự bất lợi của các nước đang phát triển. Các nước phát triển có nhiều lợi thế trong việc thu hút những đối tượng nêu trên.

Một khi TP.HCM hay Hà Nội không đủ năng lực cạnh tranh, hậu quả nhãn tiền là sẽ không thu hút được người giỏi và người giàu của mình. Thành ra mới có câu chuyện mang 3 tỷ USD đầu tư bất động sản ở Mỹ. Rồi việc hàng trăm nghìn du học sinh khi có cơ hội thì ở lại ngoài làm việc. Thực tế này cho thấy mình đang bị chảy máu chất xám.

Chính việc TP.HCM phải nộp một phần nguồn thu ngân sách về Trung ương để tạo nguồn phân bổ về các địa phương khác khó khăn hơn là hợp lý. Tuy nhiên, với mức quá lớn như hiện tại sẽ làm triệt tiêu động cơ phấn đấu và khả năng phát huy lợi thế của vùng. Tập trung quá nhiều cho mục tiêu công bằng này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển dài hạn và phồn vinh của cả nước.

Tôi cho rằng cần phải xem xét thấu đáo “ước nguyện của người nông dân” là gì? Hầu hết người dân đều muốn con cái của mình ra phố để cuộc sống tốt hơn. Dần dần, nông dân sẽ sống ở đô thị, trở thành công nhân và đất đai được tích tụ cho một số ít người để họ tổ chức sản xuất và tạo ra công ăn việc làm. Để giải quyết vấn đề phát triển của Việt Nam thì cần phải tập trung nguồn lực cho các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Thay vì như hiện nay, chúng ta cho rằng khu vực nông nghiệp, nông thôn gặp khó khăn nên phải huy động từ các nơi để điều tiết về.

Ngân sách của TP.HCM quá thấp, không hợp lý

Ông nhận xét như thế nào về giải pháp về tài chính, ngân sách mà dự thảo nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đang được trình Quốc hội?

TS. Huỳnh Thế Du: Việc ngân sách của TP.HCM quá thấp hiện nay là không hợp lý. Nếu điều này tiếp tục xảy ra thì không chỉ TP.HCM khó phát triển mà còn làm cho cả nước gặp trục trặc. Do đó, việc đề xuất các giải pháp, cơ chế cho phép TP.HCM khai thác các nguồn lực, gia tăng nguồn thu ngân sách cho mục tiêu phát triển là rất cần thiết.

Một điều quan trọng đối với TP.HCM là chính sách đổi đất lấy hạ tầng. Cụ thể, TP.HCM cần được trao quyền tự chủ nhiều hơn và có các cơ chế hợp lý để làm thực hiện tốt hơn theo hướng đẩy mạnh vai trò của một số doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII)... Đây là những đơn vị có tính tiên phong và có khả năng tạo dựng được cơ sở hạ tầng trọng điểm của TP.HCM.

Nhưng liệu các giải pháp tài chính này sẽ tạo được đột phá giúp TP.HCM “tập trung được nguồn lực để phát triển” như ông phân tích?

TS. Huỳnh Thế Du: Theo tính toán của chúng tôi, nếu được chấp thuận thì mức thu thuế bất động sản như chỉ vào khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng/năm(tương đương 0,3-0,5% GRDP). Cho nên, không nên quá kỳ vọng vào thuế bất động sản. 

Tương tự, TP.HCM kỳ vọng nhiều vào kết quả huy động vốn từ xã hội thông qua Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC). Song với mô hình này muốn hiệu quả, phát huy được vai trò thì cần tổng tài sản lên đến hàng chục tỷ USD. Thế nhưng, tổng tài sản của HFIC hiện nay chỉ là con số rất nhỏ so với quy mô cần có. Một đơn vị có tổng tài sản chỉ bằng hơn 1% GDP của TP.HCM thì về cơ bản không có vai trò nhiều.

Trong khi đó, giải pháp tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách Trung ương cho TP.HCM từ 18% hiện nay lên 23% như trước là “nhiệm vụ bất khả thi”. Vì vậy, giải pháp đột phá cần tín tới là “đặc khu kinh tế”.

Hiện nay, TP.HCM có thị trường lớn, có khả năng thu hút nguồn nhân lực, là điều kiện căn bản xây dựng đặc khu kinh tế. Vì vậy TP.HCM có thể xây dựng Thủ Thiêm và vùng lân cận thành một đặc khu kinh tế, như phố Đông của Thượng Hải. Trung ương cho cơ chế tài chính đặc thù để TP.HCM xây dựng khu vực này thành đặc khu kinh tế để tạo ra cú hích, kích kinh tế TP.HCM phát triển.

Xin cám ơn ông!