TS. Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Thuduc House: Doanh nhân phải vừa truyền nghề vừa truyền lửa

Hương Xuân - 11:28, 13/10/2017

TheLEADERDoanh nhân vừa phải là người có tầm nhìn chiến lược vừa phải biết giữ gìn đạo đức nghề nghiệp. Đây là một yếu tố quan trọng tạo dựng nên uy tín, thương hiệu và sự thành công của doanh nhân và của cả doanh nghiệp.

TS. Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Thuduc House: Doanh nhân phải vừa truyền nghề vừa truyền lửa
TS. Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Thuduc House

Chính phủ kiến tạo thật ra là một thuật ngữ không mấy xa lạ và đã từng được nhắc đến rất nhiều lần trong những cuộc họp của Chính phủ, nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và người dân. Nhà nước tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp, tạo điều kiện cần thiết để mọi người dân, mọi thành phần kinh tế phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã hội.

Dưới góc độ là một doanh nhân, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình hoạt động cần có lòng yêu nước, nhiệt huyết, nghị lực có óc sáng tạo có tầm nhìn biết nắm bắt cơ hội.

TS Lê Chí Hiếu

Chính phủ đã có những hành động cụ thể

Quốc gia khởi nghiệp chính là Chính phủ khuyến khích và đầu tư vào những ý tưởng sáng tạo, các hoạt động sản xuất kinh doanh cho dù không đảm bảo chắc chắn nó sẽ thành công. Thực hiện chính sách này tức là Chính phủ đang đầu tư vào nguồn chất xám, vào thế mạnh của đất nước.

Trên thực tế, việc hiện thực hóa chủ trương này đang được Chính phủ hết sức chú trọng, thể hiện ở những hành động cụ thể như: Cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước. Kết quả trong 8 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã thực hiện cổ phần hóa thành công 33 doanh nghiệp nhà nước. Dẹp bỏ tư tưởng Nhà nước bao cấp cho các doanh nghiệp và ngành kinh tế mũi nhọn thông qua việc Nhà nước tạo cơ chế bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, trao cơ hội và trách nhiệm nhiều hơn cho khu vực tư nhân.

Tập trung hoàn thiện thể chế, rà soát cơ chế chính sách, hành lang pháp lý theo hướng cắt giảm rào cản, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chuyển mạnh từ quản lý sang phục vụ người dân, doanh nghiệp. Giảm thủ tục hành chính, tăng cường chính phủ điện tử. 

Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 20 về chấn chỉnh thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp, không quá một lần/năm; Xóa bỏ giấy phép con giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, bớt bị nhũng nhiễu; Vận hành hiệu quả hệ thống tiếp nhận, trả lời những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp và người dân qua Cổng thông tin điện tử của Chính phủ;

Từ ngày 2/10/2017, việc cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được thực hiện qua mạng điện tử. Tại TP. HCM thì việc ứng dụng chữ ký điện tử trong việc phát hành văn bản điện tử qua mạng được thực hiện bắt đầu từ ngày 1/6/2017 và còn nhiều cải cách khác.

Một số nơi không muốn bỏ giấy phép con

Việc xóa bỏ giấy phép con là một quyết tâm lớn của Chính phủ nhưng không phải dễ thực hiện. Chính phủ muốn bỏ giấy phép con, nhưng bỏ giấy phép con đồng nghĩa với việc bị mất nguồn thu nhập lớn nên một số nơi không muốn bỏ. Đồng thời, kiểm soát việc ban hành giấy phép con này chưa được thực hiện gắt gao tại một số nơi, cũng như không có biện pháp chế tài cụ thể với việc ban hành những giấy phép con, vì thế, theo nhiều nghĩa và bằng nhiều cách thì giấy phép con vẫn tồn tại.

Các thủ tục hành chính về mặt hình thức thì được hô hào cắt giảm nhưng trên thực tế hình như ngày càng phức tạp, gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, phát triển dự án.

Việc xây dựng chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc vẫn chưa được thực hiện rộng rãi trong các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan hành chính nhà nước. Dẫn đến chủ nghĩa bình quân trong việc đánh giá người lao động, năng suất thấp kém, chất xám không được trọng dụng, thiếu tính sáng tạo. Công tác quản trị còn nặng tính hành chính, quan liêu, không minh bạch, không theo kịp trình độ và chuẩn mực quản trị của thế giới.

Quốc gia khởi nghiệp – Chính phủ đang khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy năng lực, mạnh dạn khởi nghiệp nhưng trên thực tế, đây vẫn là con đường khó khăn cho các tài năng trẻ bởi thủ tục hành chính rườm rà, xin giấy phép hoạt động thì lại đòi hỏi rất nhiều điều kiện nhưng lại không có biện pháp để kiểm tra các điều kiện đó. Dẫn đến việc những cá nhân có năng lực thật sự lại khó khởi nghiệp hơn những người chỉ đơn thuần có nhiều tiền. Điều này khiến cho nguồn chất xám bị bỏ sót.

Khởi nghiệp hiện nay vẫn mang tính chộp giật, ngành nào, nơi nào sinh lợi tốt thì nơi đó, ngành đó có nhiều người cùng giành giật miếng bánh lợi tức. Điều này dễ dẫn đến tình trạng lãng phí chất xám và kiệt quệ nguồn tài nguyên, có khi còn gây nên sự tàn phá môi trường sống.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ trong các hoạt động kiến tạo của mình nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi để mọi thành phần kinh tế, mọi loại hình doanh nghiệp có điều kiện cạnh tranh lành mạnh với nhau theo quy định của pháp luật để cùng phát triển.

Dưới góc độ là một doanh nhân, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình hoạt động cần có lòng yêu nước, nhiệt huyết, nghị lực có óc sáng tạo có tầm nhìn biết nắm bắt cơ hội; không ngừng học hỏi mang những kiến thức của các nước tiên tiến trên thế giới về ứng dụng vào các hoạt động của doanh nghiệp mình tại Việt Nam để giúp doanh nghiệp đạt được nhiều hiệu quả trong kinh doanh, vươn ra biển lớn và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Một doanh nhân cần hiểu rõ luật pháp, quy chế, chính sách không chỉ của nước mình mà còn là luật pháp quốc tế để giúp doanh nghiệp đứng vững trong quá trình hội nhập này.

Doanh nhân là người truyền nghề, truyền lửa

Trách nhiệm của một doanh nhân là bên cạnh việc điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình thật tốt, minh bạch trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo được lợi ích của khách hàng thì người chủ doanh nghiệp còn phải quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, tạo mọi điều kiện để người lao động phát huy hết năng lực của họ, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và là những người có ích cho xã hội nói chung. 

Doanh nhân vừa là người truyền nghề vừa là người truyền lửa, tạo động lực làm việc cho nhân viên để người nhân viên thuần thạo công việc, nhiệt huyết trong công việc và cống hiến nhiều hơn cho công việc.

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ cho xã hội, doanh nghiệp phải chú ý không chỉ chạy theo lợi nhuận, lợi ích của doanh nghiệp mình mà còn phải chú ý bảo vệ tôn tạo môi trường và thực thi chính sách CSR (Corporate Social Responsibility) tức là chính sách cam kết trách nhiệm với xã hội và cộng đồng.

Thuduc House tạo quỹ đất cho 10 năm sắp tới

Trong năm 2017 và các năm tiếp theo, Thuduc House cố gắng tìm kiếm những dự án lớn tạo quỹ đất cho 10 năm sắp tới. Địa bàn phát triển bất động sản tập trung vào hai thành phố lớn là TP. HCM và Hà Nội và những tỉnh lân cận của hai thành phố này.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 2016 - 2020 tối thiểu 25% mỗi năm, tăng cường tích lũy tài sản và nguồn vốn chủ sở hữu, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Các phân khúc bất động sản được ưu tiên đầu tư phát triển là: nhà thấp tầng (đất nền) , căn hộ trung bình tại các quận vùng ven và các tỉnh lân cận thành phố, riêng các dự án ở các quận trung tâm TP. HCM và Hà Nội ưu tiên phát triển căn hộ cao cấp, căn hộ dịch vụ và văn phòng cho thuê.