TS. Lê Đăng Doanh: Chi tiêu thường xuyên hiện không minh bạch và không kỷ luật

Quỳnh Chi - 08:00, 26/01/2018

TheLEADERTheo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nếu không có giải pháp tái cơ cấu chi tiêu thường xuyên như hiện nay Việt Nam sẽ gặp sức ép rất lớn khi nguồn thu từ thuế sẽ giảm mạnh trong ngắn hạn do thực hiện yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do.

TS. Lê Đăng Doanh: Chi tiêu thường xuyên hiện không minh bạch và không kỷ luật
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, chi tiêu thường xuyên ở Việt Nam hiện đang rất cao, trên dưới 70% chi ngân sách tuy nhiên chưa minh bạch và chưa có trách nhiệm giải trình.

Theo ông Doanh, vấn đề cải cách và cơ cấu ngân sách trong năm qua tại Việt Nam gần như không hề có sự tiến bộ. Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương có nghị quyết rất rõ nhưng chưa được triển khai:

Thứ nhất, nếu muốn giảm chi thường xuyên thì bắt buộc phải tinh gọn bộ máy quản lý hành chính nhà nước nhưng hiện nay bộ máy đang hết sức cồng kềnh và chồng chéo.

Thứ hai, chi thường xuyên hiện tại đang không minh bạch và không có tính kỷ luật. Vẫn còn rất nhiều sự kiện, cuộc gặp gây tốn kém rất nhiều chi phí nhưng không rõ lợi ích mang lại, có nhiều trường hợp còn dẫn tới tình trạng tham ô, tham nhũng. 

Ở nhiều nước, chi tiêu thường xuyên của các cơ quan đều được công khai minh bạch trên Internet để người dân theo dõi.

Đánh giá thực trạng này, ông Doanh cho biết, tất cả những vấn đề này trong năm qua không hề có sự chuyển biến. Hiện nay nguồn thu của Bộ Tài chính đang bị giảm sút, để bù lại bắt buộc phải tăng thuế cũng như các khoản phí khác, khiến người dân phải chịu rất nhiều chi phí.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Doanh cần phải có một sự cải cách mạnh mẽ mới có thể giảm được chi tiêu thường xuyên và tăng niềm tin cho người dân.

Theo đó, trong năm 2018, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện cải cách ngân sách, tinh giản bộ máy hành chính nhà nước; trên cơ sở đó tăng lương cho người lao động để họ đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Hiện nay chỉ số về tham những ở Việt Nam không hề có sự tiến bộ trong thời gian qua. Trong nhiều năm liền Việt Nam luôn xếp hạng 121 và trong năm ngoái đã tụt lùi lên 123/147 nền kinh tế.

“Các nước không tham nhũng đạt 100 điểm thì Việt Nam chỉ đạt 31 điểm trong bốn năm liền và trong năm 2016 tăng lên 33 điểm. Người dân và doanh nghiệp liên tục phản ánh thực trạng trên nóng dưới lạnh, chi phí bôi trơn không giảm bớt, một số quan chức vẫn hành, vẫn đòi. Nếu như trước đây chỉ cần chi một bên thì nay phải chi hai bên mới xong”, ông Doanh nói.

Cũng theo ông Doanh, cần hoan nghênh các tiến bộ nhưng cũng cần phải xem xét và đánh giá kỹ càng những bất cập chưa chuyển biến đặc biệt cần nâng cao trách nhiệm giải trình trong tất cả các cấp, các ngành.

Việt Nam hiện đang tham gia 17 FTA với các nước và khu vực, trong đó có 9 hiệp định đã ký và thực hiện, 3 hiệp định đã ký nhưng chưa thực hiện, 5 hiệp định vẫn đang trong quá trình đàm phán. 

Ngay khi các FTA này có hiệu lực, 85% dòng thuế hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước sẽ được cắt giảm ngay lập tức về mức từ 0 - 5%. Các dòng thuế còn lại sẽ được giảm theo lộ trình.

TS. Lê Đăng Doanh nhận định, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, thuế suất đổ về không, nguồn thu từ thuế sẽ giảm mạnh, dự báo của Bộ Tài chính cho thấy giảm thu hàng chục nghìn tỷ đồng. 

Do đó, nếu tiếp tục chi thường xuyên không tái cơ cấu thì sức ép sẽ rất lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải thực hiện các cam kết về công khai minh bạch.

Đồng thời, trước thách thức lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không có tiến bộ về công nghệ, hàng hóa Việt Nam sẽ bị thụt lùi, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với thách thức lớn; người máy sẽ làm mất đi khoảng 86% lao động trong ngành sản xuất dệt may, da giày.

Theo đó, ông Doanh cho rằng, cần có quy chế rõ ràng trong sự kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà nước để sắp xếp công việc cho người lao động khi công nghệ phát triển và bùng nổ. Đồng thời khắc phục thực trạng "trên nóng dưới lạnh", cải cách thể chế, tạo một nhà nước kiến tạo.