Tư duy mới tạo khác biệt về giải ngân vốn đầu tư công giữa các địa phương

Nhật Hạ - 20:17, 26/09/2022

TheLEADERMặc dù cùng thể chế, chính sách, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công lại khác nhau, có nơi đạt trên 70%, có nơi lại dưới 20%. Cách biệt này dường như đến từ sự sáng tạo, tư duy mới và có kế hoạch sớm trong cách tổ chức thực hiện ở mỗi địa phương.

Tư duy mới tạo khác biệt về giải ngân vốn đầu tư công giữa các địa phương
Chỉ có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 70% kế hoạch được giao sau 9 tháng.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, 25 loại tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong giải ngân vốn đầu tư công đến từ 3 nhóm khó khăn chính.

Thứ nhất là thể chế, cơ chế, chính sách, cách làm. 

Thứ hai, công tác triển khai.

Thứ ba, mang tính đặc thù của năm 2022. Đây là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng thực chất là năm đầu do kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua tháng 7/2021 trong lúc giá nguyên vật liệu, xăng dầu tăng cao, khan hiếm nguồn cung nguyên liệu đất cát để san lấp mặt bằng.

Tại hội nghị về đầu tư công hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “nguyên nhân chính là tổ chức thực hiện”.

Điều này cũng làm nên sự khác biệt trong tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công giữa các địa phương và các cơ quan khác.

Các địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp thường có điểm chung gồm việc lập kế hoạch đầu tư chưa sát với khả năng thực hiện, còn tình trạng vốn chờ dự án, thủ tục, khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân; công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; còn bất cập về giải phóng mặt bằng, thủ tục thanh toán, quyết toán, năng lực các nhà thầu, nhà đầu tư, quản lý, tư vấn, công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát.

Ngoài những vấn đề trên, Thủ tướng còn bổ sung việc phát hiện kịp thời các vướng mắc liên quan cơ chế, chính sách và các vấn đề phát sinh khi triển khai thực hiện dự án mà khi lập dự án chưa thể lường trước được như biến động giá cả xăng dầu vừa qua cũng tạo nên sự khác biệt.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng giao gồm Quảng Ngãi, Hưng Yên, Ngân hàng Chính sách xã hội, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Tây Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang.

Tuy nhiên, 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%), trong đó, 14 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tư duy mới tạo khác biệt về giải ngân vốn đầu tư công giữa các địa phương
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị hôm nay. Ảnh: Nhật Bắc

Với mức giải ngân cao hơn mức vốn được giao (đạt 112,7%), lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và coi giải ngân đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong công tác lãnh đạo của Ủy ban, gắn trách nhiệm cá nhân cho từng thủ trưởng cơ quan, đơn vị và đưa kết quả giải ngân của đơn vị vào đánh giá xếp loại cuối năm.

Tỉnh giao kế hoạch vốn ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo phê duyệt chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án theo từng tháng và tổ chức theo dõi điều hành vốn đầu tư công năm 2022 theo kế hoạch đã xây dựng.

Bên cạnh đó, tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường, kịp thời tháo gỡ ,xử lý các vướng mắc có liên quan.

UBND tỉnh đã điều chỉnh và trình HĐND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn linh hoạt giữa các dự án, giảm vốn của các dự án chậm tiến độ để bổ sung cho các dự án có tiến độ thực hiện nhanh.

Đến nay, hầu hết các công trình, dự án được giao kế hoạch vốn đã cơ bản đáp ứng đủ điều kiện, vận hành trong những tháng cuối năm.

Với tỷ lệ giải ngân đạt khá, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, hằng năm, thành phố chỉ tập trung vốn cho từ 7 đến 10 dự án trọng tâm, trọng điểm.

Đồng thời, ưu tiên bố trí vốn thực hiện dự án theo nguyên tắc: bố trí 100% chi phí giải phóng mặt bằng và 80% chi phí xây lắp.

Năm 2022, TP. Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn là 12.720,72 tỷ đồng. Ước giải ngân của TP. Hải Phòng đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Dự kiến trong năm 2022, Thành phố sẽ giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao.

Nằm trong các địa phương đạt mức trung bình khá của cả nước (55%), Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết: “Thanh Hóa rút ra kinh nghiệm, đó là giao kế hoạch sớm và chi tiết cho từng chương trình, dự án ngay từ đầu năm, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động triển khai các bước tiếp theo”.

Tỉnh tập trung xác định mốc thời gian hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đối với từng loại dự án. Thường xuyên rà soát, điều chuyển vốn từ các dự án có tiến độ giải ngân chậm sang dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Cùng với đó, gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công. Thành lập các tổ thúc đẩy các dự án, nhất là các dự án trọng điểm mà chậm.

Ngược lại, TP.HCM và Hà Nội là 2 địa phương được giao vốn lớn trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 với hơn 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây cũng là 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp (TP.HCM đạt 25%; Hà Nội 34%), do đó cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân, thì mới hoàn thành được kế hoạch chung của cả nước.

Theo lãnh đạo của 2 thành phố này, có 4 điểm nghẽn, nút thắt dẫn đến chậm giải ngân đầu tư công.

Thứ nhất là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường.

Thứ hai là khó khăn do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu. Thứ ba, dự án ODA có rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thứ tư, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án còn chậm do vướng mắc trong thực hiện chỉ giới đường đỏ, quy hoạch, tuân thủ quy định chuyên ngành.

Nhìn chung, dường như sự sáng tạo, tư duy mới và có kế hoạch sớm trong cách tổ chức thực hiện ở mỗi địa phương đã tạo nên sự khác biệt trong tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.