‘Tư lệnh’ sân bay Vân Đồn: Ba mũi nhọn tạo nên sức mạnh chống dịch Covid-19

Hà Linh - 08:24, 27/03/2020

TheLEADERÔng Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - Quảng Ninh, chia sẻ về những công việc hậu trường đầy khó khăn và rủi ro khi đón khách về từ vùng dịch Covid-19.

‘Tư lệnh’ sân bay Vân Đồn: Ba mũi nhọn tạo nên sức mạnh chống dịch Covid-19
Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn

Thời gian qua, nhiều du khách nước ngoài và người Việt khi về nước bằng đường hàng không đã bị phát hiện dương tính với Covid-19. Do đó, dư luận cả nước đang rất quan tâm đến quy trình đón các chuyến bay về từ vùng dịch, làm sao để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm dịch bệnh nguy hiểm vào Việt Nam. Tổng kết lại quy trình đón người Việt về từ vùng dịch tại sân bay Vân Đồn, ông rút ra những kinh nghiệm gì?

Ông Phạm Ngọc Sáu: Qua các chuyến bay về từ Trung Quốc, Hàn Quốc và mới đây là châu Âu, chúng tôi thấy rằng quy trình mà sân bay Vân Đồn hiện đang triển khai là hoàn toàn tối ưu để tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên và hành khách khác.

Chúng tôi triển khai một quy trình ngoài trời, tại sân đỗ máy bay và không làm ảnh hưởng tới hoạt động của nhà ga. Máy bay sẽ đậu ở bãi đỗ xa, sau đó xe bus sẽ lần lượt chở các hành khách vào làm thủ tục: kiểm tra thân nhiệt, làm tờ khai y tế điện tử, thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, lấy hành lý để lên các xe quân sự, sau đó chở thẳng đến các khu vực cách ly

Qua quá trình triển khai, sân bay đã rút ra những bài học trong công tác phối hợp để làm sao thời gian làm thủ tục được rút ngắn nhất có thể. 

Ví dụ, trong mấy ngày qua, thời gian làm thủ tục mỗi chuyến bay chỉ khoảng một tiếng đồng hồ là hoàn tất, sau đó sẽ khử trùng tàu bay và xử lý rác thải nguy hại. 

Vậy nên chúng tôi đón liên tiếp ba chuyến bay về từ châu Âu chỉ mất khoảng hai tiếng là giải quyết xong mọi thủ tục.

Đến nay chúng tôi có thể tin tưởng và đảm bảo rằng việc lây nhiễm khó có thể xảy ra cho đội ngũ nhân viên. Việc lây chéo giữa các hành khách với nhau khi xuống sân bay cũng được hạn chế ở mức thấp nhất.

Được biết, những chuyến bay “giải cứu” này thường xuyên thay đổi. Có chuyến bay chỉ được thông báo trước vài tiếng. Vậy làm sao để sân bay có thể đảm bảo những điều kiện tốt nhất khi đón các chuyến bay với thời gian chuẩn bị ngắn như vậy?

Ông Phạm Ngọc Sáu: Các chuyến bay từ vùng dịch về nước khá bị động, thông tin về chuyến bay chỉ cách 2-3 tiếng đồng hồ nên việc chuẩn bị tương đối khó khăn. Nhân viên luôn phải trực sẵn. Tại sân bay chúng tôi đã có kế hoạch và phương án cụ thể, bố trí từ nhân lực, phương tiện cho tới các phương án trong trường hợp đột xuất xảy ra. Do đó khi có thông tin chuyến bay chúng tôi đã thông báo đến các đơn vị, lực lượng phục vụ, gần như không xảy ra vướng mắc gì. Các chuyến bay phục vụ trôi chảy và đảm bảo đúng yêu cầu và quy trình hàng không.

Để đảm bảo thông tin thông suốt, chúng tôi có nhóm chia sẻ thông tin nhanh, gồm tất cả các đơn vị khác như từ tỉnh, sở y tế đến các đơn vị phục vụ tại sân bay. Số lượng lên đến 60-70 người cùng tham gia việc ứng phó. Tất cả thông tin đều chia sẻ thông suốt, trừ những thông tin bảo mật, sau đó mọi người triển khai đồng bộ nên các chuyến bay được triển khai nhanh chóng.

Sau khi đón chuyến bay thì công tác cách ly hành khách về từ vùng dịch là rất quan trọng, đảm bảo sự thành công của cả quy trình. Bằng chứng là trường hợp bệnh nhân Việt Nam số 18 mắc vCoV trở về từ Hàn Quốc, sau khi về nước tại sân bay Vân Đồn đã được đưa đi cách ly ngay, do đó khi bệnh nhân được phát hiện dương tính với bệnh đã ngăn được nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Xin ông chia sẻ công tác phối hợp giữa sân bay và các lực lượng chức năng khác để thực hiện quy trình này?

Ông Phạm Ngọc Sáu: Việc phục vụ các chuyến bay đến tránh lây nhiễm cho nhân viên là ưu tiên hàng đầu, do đó phương án triển khai đã được thống nhất trong các đơn vị từ đầu. Ngay cả chi tiết nhỏ nhất như không cho khách dừng dọc đường đi nhà vệ sinh cũng được tính toán, sân bay phải làm nhà vệ sinh di động cho khách sử dụng… Rồi việc làm thủ tục ngoài trời để ngay cả các hành khách trên cùng chuyến bay cũng khó lây nhau trong một môi trường rộng, thoáng… Tất cả những việc đó đều được tính toán trước.

Ngay sau khi khách làm xong thủ tục hàng không, khách được đưa lên xe của lực lượng quân sự, tách biệt từng chuyến bay để đưa đến các điểm cách ly tránh lộn xộn hay tiếp xúc không cần thiết. Các lực lượng đã phối hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn với nhau.

Một quy trình rất chặt chẽ như vậy đã được sân bay Vân Đồn xây dựng ngay từ đầu như vậy có dựa theo kinh nghiệm nào để phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam không, thưa ông?

Ông Phạm Ngọc Sáu: Các quy trình vẫn phải đảm bảo quy định chung của hàng không, không được bỏ bất cứ bước nào. Ngoài ra, để thích ứng với điều kiện của sân bay và các đơn vị hoạt động tại sân bay thì có điều chỉnh cần thiết dựa trên kinh nghiệm và thực tiễn, làm sao để đúc kết ra cái tối ưu nhất, đạt tới mục tiêu tránh việc lây nhiễm chéo và thời gian làm nhanh nhất.

Ví dụ, hai chuyến bay đến cùng một lúc thì chúng tôi dựa trên nguyên tắc làm xong chuyến này mới làm tiếp chuyến kia để đảm bảo không để chuyến bay này lây nhiễm chéo sang chuyến bay kia.

Những kinh nghiệm đã có trước đây trong việc ứng phó với các dịch bệnh như MERS-CoV, cúm A(H1N1), Ebola… đã giúp ông thế nào khi ứng dụng vào công tác chống dịch tại sân bay Vân Đồn?

Ông Phạm Ngọc Sáu: Kinh nghiệm trước đây đã hỗ trợ rất nhiều trong việc đưa ra quyết định cũng như giải quyết vấn đề, kể cả trước khi có những hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế thì trong sân bay đã phát khẩu trang cũng như sử dụng các chất tẩy trùng để làm sạch các bề mặt tiếp xúc của nhà ga. Hay sử dụng chất khử trùng cho tàu bay, những kinh nghiệm đã có giúp cho chúng tôi nhận biết phải dùng loại nào phù hợp và cách xử lý như thế nào. Rồi đưa ra quy trình xử lý tình huống khi có chuyến bay đến trong thời gian nhanh nhất.

Chuyên môn là rất cần thiết nhưng tinh thần, trách nhiệm, văn hóa là điều cũng rất quan trọng để tạo nên một tập thể mạnh.

Đã trực tiếp trải qua nhiều đợt dịch bệnh khác nhau, ông đánh giá sự chủ động của ngành hàng không nói chung cũng như sân bay Vân Đồn nói riêng trong việc ứng phó với dịch bệnh được nâng lên như thế nào?

Ông Phạm Ngọc Sáu: Chính phủ đã có phản ứng nhanh và chặt chẽ. Theo kinh nghiệm của tôi, để chống dịch thì chính sách phải rõ ràng, thông suốt từ trên xuống dưới và nghiêm khắc, tất cả mọi người phải tuân thủ thì mới hiệu quả. Nếu một vùng làm nghiêm mà vùng khác không thì dịch vẫn bùng phát mà không dập được.

So với chuyến bay giải cứu đầu tiên từ Trung Quốc, chắc hẳn cán bộ nhân viên làm việc ở sân bay đã ổn định tâm lý hơn rất nhiều khi đón các chuyến bay về từ châu Âu vừa qua. Là vị “tư lệnh” ở sân bay Vân Đồn, ông đã thực hiện công tác ổn định tâm lý cho CBNV yên tâm công tác như thế nào?

Ông Phạm Ngọc Sáu: Bất cứ ai trong hoàn cảnh nguy hiểm cũng lo lắng là điều đương nhiên. Tuy nhiên với vai trò lãnh đạo, chúng tôi không yêu cầu nhân viên của mình dấn thân vào những công việc nguy hiểm mà không có biện pháp phòng hộ, bảo vệ. Chúng tôi phải có trách nhiệm tìm ra giải pháp an toàn nhất, động viên anh em, đưa ra chỉ đạo, hướng dẫn rõ ràng để anh em yên tâm.

Trước tiên phải giúp anh em hiểu được cơ chế lây nhiễm, giúp họ tin tưởng hơn. Việc bỏ qua một số bước theo thói quen có thể tăng khả năng lây nhiễm. Mình vừa động viên, vừa hướng dẫn đào tạo cho anh em để làm sao tuân thủ các bước trong phòng dịch như cách sử dụng trang bị thiết bị bảo hộ.

Các anh em làm quen rồi lại thấy yên tâm vì chính sân bay lại là môi trường an toàn nhất trong các nơi công cộng vì thường xuyên được khử trùng theo một quy trình chặt chẽ.

Tôi luôn khích lệ anh em, đây là công việc mang ý nghĩa cộng đồng và xã hội. Sân bay Vân Đồn đang góp sức cùng cả nước trong công cuộc chống dịch, ngăn ngừa mọi nguồn lây nhiễm ra ngoài cộng đồng. Và dần dà, khi tâm lý anh em đã ổn định hơn, thì chính các anh em lại trang bị sẵn cho mình một tâm thế sẵn sàng, một niềm tự hào khi tham gia vào công việc ý nghĩa này.

‘Tư lệnh’ sân bay Vân Đồn: Ba mũi nhọn tạo nên sức mạnh chống dịch Covid-19 1
Nhân viên sân bay Vân Đồn đang góp sức cùng cả nước chống dịch

Thưa ông, tại sao một sân bay rất trẻ, chỉ hơn một tuổi, lại thực hiện tốt trọng trách đón các chuyến bay từ vùng dịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối như vậy, thưa ông?

Ông Phạm Ngọc Sáu: Sân bay Vân Đồn là sân bay tư nhân mới được đưa vào khai thác. Quan điểm của chúng tôi là đào tạo cho nhân viên về tinh thần trước khi đào tạo về chuyên môn. Chuyên môn là rất cần thiết nhưng tinh thần, trách nhiệm, văn hóa là điều cũng rất quan trọng để tạo nên một tập thể mạnh. Trước khi đón các chuyến bay, chúng tôi phải rà soát tất cả quy trình, trang thiết bị và rà soát con người có đảm bảo phục vụ hay không. Đây là lý do tại sao chúng tôi luôn phục vụ ở tâm thế tốt nhất.

Con người, phương tiện và quy trình chính là ba mũi nhọn tạo nên sức mạnh của chúng tôi, đảm bảo cho việc khai thác sân bay tốt nhất.

Có câu chuyện nào khiến ông thực sự cảm động?

Ông Phạm Ngọc Sáu: Nhiều anh em ban ngày vẫn phục vụ các chuyến bay theo lịch hoạt động chung nhưng đến khi nhận thông tin các chuyến bay giải cứu thì lại tiếp tục được huy động. Đặc biệt, các anh em ở vị trí tiếp xúc gần với khách để hướng dẫn thủ tục, quy trình, họ là người chịu rủi ro cao nhất. Các chuyến bay bất thường lại hay về vào nửa đêm hoặc sáng sớm, trời mưa rét.

Nhưng họ luôn nhiệt huyết với công việc, sẵn sàng nhận nhiệm vụ đột xuất. Nhiều khi xử lý xong việc, trời sáng, lại bắt đầu vào ngày làm việc mới. Họ vẫn chia sẻ với tôi: Tuy mệt nhưng chúng em vẫn sẵn sàng.

Rồi hình ảnh em bé trên chuyến bay được bạn nhân viên nữ vẫn mặc nguyên đồ bảo hộ bế em bé cho em bú bình, vỗ về cho em khỏi khóc. Đó là những hình ảnh ấm áp của tình người, chỉ thấy trong thời khắc khó khăn của dịch bệnh. Tôi không thể quên được.

Đến thời điểm này, đâu là những bài học kinh nghiệm rút ra để chúng ta có thể đảm bảo tốt nhất việc đón các chuyến bay đặc biệt đưa công dân Việt Nam từ vùng dịch trở về nước?

Ông Phạm Ngọc Sáu: Kinh nghiệm lớn nhất chính là sự phối hợp. Các đơn vị phải phân rõ trách nhiệm, ai làm gì và các đơn vị phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, tránh chồng chéo làm chậm tiến trình nhưng cũng tránh việc thiếu trách nhiệm. Chỉ một công đoạn không hoàn thành thì các công đoạn sau sẽ bị ảnh hưởng.

Xin cảm ơn ông.