Từ thương vụ 3 triệu USD của Luxstay nhìn lại thị trường OTA Việt Nam

Việt Hưng - 14:34, 09/01/2019

TheLEADERThương vụ đầu tư 3 triệu USD của Luxstay có thể được coi như phát súng mở đầu năm mới tích cực dành cho OTA (đại lý du lịch trực tuyến) Việt Nam, trong bối cảnh thị trường này vẫn chi phối bởi nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

Ngày 02/01/2019, nền tảng kết nối và cho thuê nhà ngắn hạn Luxstay công bố hoàn thành vòng gọi vốn Bridge Round với tổng số tiền 3 triệu USD từ các nhà đầu tư: CyberAgent Ventures, Y1 Ventures, cùng một số nhà đầu tư khác.

Ông Dzung Nguyễn – Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Ventures Việt Nam cho rằng: "Sharing Economy là xu thế phát triển không thể tránh khỏi trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, sẽ tác động đến thị trường du lịch và bất động sản. Chúng tôi tin mô hình như Luxstay hoạt động đúng với xu hướng và có thể thay đổi cuộc chơi trên thị trường nhanh chóng trong thời gian tới".

Đây không phải lần đầu tiên nền tảng du lịch trực tuyến này chứng tỏ sức hút của mình. Trong năm 2017, Luxstay hoàn tất vòng gọi vốn Seed Round từ Quỹ đầu tư Genesia Ventures Nhật Bản. 

Tiếp đến, tháng 4/2018, Luxstay huy động thành công 2,5 triệu USD tại vòng đầu tư Pre-Serie A từ CyberAgent Ventures (Nhật Bản), Genesia Ventures (Nhật Bản), ESP Ventures (Singapore), Founders Capital (Singapore) và Nextrans (Hàn Quốc). 

Tháng 9/2018, Luxstay trở thành đối tác chiến lược tại Việt Nam của Rakuten Travel (thuộc tập đoàn thương mại điện tử Rakuten - Nhật Bản).

Cán cân du lịch nghiêng về OTA ngoại

Cuộc chơi OTA tại Việt Nam vẫn dành ưu thế nghiêng về các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện tại, các OTA ngoại vẫn khai thác khá hiệu quả thị trường du lịch trực tuyến ở Việt Nam, điển hình như "gã khổng lồ" Expedia và các trang đặt phòng trực thuộc Tập đoàn Priceline (agoda.com, booking.com).

Thị trường còn có sự tham gia của Tripadvisor, Airbnb… ước tính chiếm tới 80% thị phần - theo báo cáo của VECOM. Trong khi phía "sân nhà” vẫn có một vài doanh nghiệp tham gia khai thác ứng dụng đặt phòng trực tuyến như Luxstay, Ivivu…

Từ thương vụ 3 triệu USD của Luxstay nhìn lại thị trường OTA Việt Nam
Thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam dự đoán đạt 9 tỷ USD trong năm 2025

Sự phát triển của mạng xã hội đi đôi với công nghệ 4.0 là đòn bẩy để các nền tảng du lịch trực tuyến phát triển. Theo nghiên cứu của Google và Temasek về kinh tế internet Đông Nam Á, thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam (đặt phòng và đặt vé máy bay) dự đoán đạt 9 tỷ USD trong năm 2025.

Lợi thế cạnh tranh của những OTA ngoại chủ yếu tới từ hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện và nguồn vốn dồi dào. Bên cạnh đó, trong khi những công ty du lịch trực tuyến thế giới thường định vị mình là công ty công nghệ, tập trung vào nhiệm vụ tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và nâng cao tốc độ truy cập, thì không ít các công ty du lịch của Việt Nam lại thường có xuất phát điểm là công ty du lịch thuần túy.

Cũng vì điều này, Việt Nam còn đang mơ hồ trong việc trở thành một "trung tâm sản xuất" thay vì trở thành một “trung tâm ứng dụng”. Một số startup vừa mới phát triển nhưng lại nhanh chóng bị “đại gia ngoại” thâu tóm. Có thể nói, nuôi dưỡng bản sắc riêng của quốc gia đồng thời hội nhập cuộc cách mạng 4.0 được coi như bài toán nan giải dành cho không ít startup Việt hiện nay.

Khai thác thế mạnh của startup OTA Việt

Báo cáo từ AIRDNA (Nhà cung cấp và phân tích dữ liệu của dịch vụ cho thuê nhà ngắn ngày) cho biết nhu cầu về đặt phòng trực tuyến tại Hà Nội và Hồ Chí Minh tăng mạnh từ chưa đầy 1.000 chỗ ở đến xấp xỉ 24.000 chỗ ở trong giai đoạn 2015 - 2018, cho thấy sức tăng trưởng nóng của ngành này tại Việt Nam.

Từ thương vụ 3 triệu USD của Luxstay nhìn lại thị trường OTA Việt Nam 1
Luxstay hiện vận hành 20.000 chỗ ở tính đến cuối năm 2018

Đón đầu xu hướng này, cũng như số lượng phòng tại Luxstay cũng tăng một cách ấn tượng, lên tới hơn 20.000 căn tính đến cuối năm 2018. "Tại Việt Nam, hàng triệu chỗ ở là các nhà phố, chung cư và các biệt thự nghỉ dưỡng có thể sẵn sàng tham gia thị trường lưu trú ngắn hạn. Vì vậy, hướng tới số lượng vài trăm ngàn chỗ ở tham gia nền tảng Luxstay trong 5 năm tới là tầm nhìn của chúng tôi", ông Nguyễn Văn Dũng – nhà sáng lập Luxstay nhận định.

Việc Luxstay am hiểu thị trường và người tiêu dùng Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp khai thác đặc điểm và thị hiếu của người Việt nhằm đáp ứng nhu cầu người dùng. Việc được hình thành và tập trung phát triển tại một thị trường duy nhất cũng giúp Luxstay đem tới những trải nghiệm chất lượng, tinh gọn thay vì dàn trải như các "đại gia ngoại" vốn chỉ coi Việt Nam như một thị trường nhỏ, có hạn mức đầu tư nhất định.

Ngoài việc nhận được tiền đầu tư, Luxstay còn có được lợi thế cạnh tranh lớn là sự hỗ trợ từ hệ sinh thái công nghệ, bao gồm các công ty mà CyberAgent đã đầu tư như Tiki, Foody, Vatgia, Topica… Riêng Luxstay cũng đang tiếp tục xây dựng hệ sinh thái xoay quanh sản phẩm của mình, đơn cử như hệ thống khóa nhà thông minh đồng bộ với smartphone, nhằm tối đa hóa trải nghiệm người dùng.

Từ câu chuyện của Luxstay, startup Việt cần chú trọng đem tới một “giải pháp cuộc sống” chứ không chỉ là sản phẩm thương mại đơn thuần. Không chỉ là ý tưởng, startup cần hiểu rõ thị trường vận hành thế nào, làm sao để đáp ứng nhu cầu khách hàng, đồng thời khai thác thế mạnh địa phương, chất xám, con người.