Từng quốc gia châu Á được mất thế nào từ cuộc chiến Nga – Ukraine?

Hường Hoàng - 12:19, 12/04/2022

TheLEADERTheo báo cáo của Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU), cuộc chiến Nga -Ukraine sẽ gây ảnh hưởng nặng đến lĩnh vực lương thực, du lịch và nguồn cung vũ khí của các nước châu Á-Thái Bình Dương.

Bởi Nga và Ukraine là hai nước sản xuất lương thực quan trọng, cuộc chiến đã ảnh hưởng rất lớn đến giá lương thực quốc tế. Một số quốc gia đang phụ thuộc vào những nguyên liệu sản xuất nông nghiệp của Nga (ví dụ như phân bón) cộng với tình trạng thiếu hụt toàn cầu đã khiến cho giá nông sản và ngũ cốc tăng cao.

Từng quốc gia châu Á được, mất thế nào từ cuộc chiến Nga – Ukraine?
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã khiến cho giá lương thực thế giới tăng vọt (Ảnh: Bloomberg)

EIU cho biết: “Do khu vực Đông Nam Á và Nam Á phụ thuộc nhiều vào hoạt động nhập khẩu phân bón và ngũ cốc của Nga và Ukraine, cuộc chiến sẽ gây gián đoạn trong lĩnh vực nông nghiệp của các nước này”.

Khi cuộc chiến nổ ra, nhiều cường quốc trên thế giới đã giáng đòn trừng phạt trên diện rộng đối với Nga. Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu Nga, Anh cũng đang lên kế hoạch cấm dầu Nga vào cuối năm nay; trong khi đó, Liên minh châu Âu cũng đang xem xét làm tương tự. Những nhà tài phiệt, các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và trái phiếu chính phủ của Nga cũng đang bị áp nhiều biện pháp trừng phạt.

Trong báo cáo, EIU viết: “Đông Bắc Á là khu vực có nhiều nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới. Khi cuộc chiến xảy ra, khu vực này cũng có nguy cơ thiếu nguồn cung khí hiếm chuyên dùng trong sản xuất chất bán dẫn”. Doanh thu du lịch và tình hình nhập khẩu vũ khí của khu vực này cũng có nguy cơ suy giảm.

“Người được kẻ mất” khi giá hàng hóa tăng vọt

Kể từ khi cuộc chiến xảy ra vào cuối tháng Hai, giá dầu, giá khí đốt và giá ngũ cốc toàn cầu đã tăng vọt do Nga và Ukraine là hai quốc gia chiếm tỷ trọng lớn về xuất khẩu những loại hàng hóa này.

Giá lúa mì kỳ hạn đã tăng 65% và giá ngô kỳ hạn cũng tăng hơn 40% so với năm ngoái. Bên cạnh thực phẩm và năng lượng, nguồn cung niken cũng bị ảnh hưởng do Nga là nhà cung cấp niken lớn thứ ba thế giới.

Mặc dù giá cả hàng hóa tăng gây ảnh hưởng tiêu cực tới một số quốc gia, nhưng lại có ảnh hưởng tích cực tới một số quốc gia khác. EIU cho biết: “Một số quốc gia sẽ được lợi từ hoạt động xuất khẩu do nhu cầu tìm kiếm nguồn cung thay thế và giá cả hàng hóa đang tăng lên”.

Các quốc gia sẽ được hưởng lợi từ việc giá hàng hóa tăng cao đó là:

Những quốc gia xuất khẩu than: Úc, Indonesia, Mông Cổ;

Những quốc gia xuất khẩu dầu thô: Malaysia, Brunei;

Những quốc gia xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng: Australia, Malaysia, Papua New Guinea;

Những quốc gia xuất khẩu niken: Indonesia, New Caledonia;

Những quốc gia xuất khẩu lúa mì: Úc, Ấn Độ.

Các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong khu vực do giá cả tăng cao (nhập khẩu các sản phẩm từ Nga / Ukraine tính theo tỷ lệ phần trăm nhập khẩu trên thế giới vào năm 2020):

Phân bón: Indonesia (hơn 15%), Việt Nam (hơn 10%), Thái Lan (hơn 10%), Malaysia (khoảng 10%), Ấn Độ (hơn 6%), Bangladesh (gần 5%), Myanmar ( khoảng 3%), Sri Lanka (khoảng 2%)

Ngũ cốc nhập khẩu của Nga: Pakistan (khoảng 40%), Sri Lanka (hơn 30%), Bangladesh (hơn 20%), Việt Nam (gần 10%), Thái Lan (khoảng 5%), Philippines (khoảng 5%), Indonesia (dưới 5%), Myanmar (dưới 5%), Malaysia (dưới 5%)

Ngũ cốc nhập khẩu của Ukraine: Pakistan (gần 40%), Indonesia (hơn 20%), Bangladesh (gần 20%), Thái Lan (hơn 10%), Myanmar (hơn 10%), Sri Lanka (gần 10%), Việt Nam (dưới 5%), Philippines (khoảng 5%), Malaysia (khoảng 5%)

Về vũ khí

Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai thế giới. EIU chỉ ra rằng Nga là nhà cung cấp vũ khí chính cho Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam trong hai thập kỷ qua.

Công ty này cho biết: “Lệnh trừng phạt quốc tế đối với các công ty quốc phòng Nga sẽ khiến cho các nước châu Á ít khả năng tiếp cận với các loại vũ khí này trong tương lai”. Tuy nhiên, điều này cũng tạo điều kiện cho những công ty sản xuất vũ khí nội địa cũng như nhà sản xuất của các quốc gia khác phát triển.

Các quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào vũ khí nhập khẩu của Nga từ năm 2000-2020 đó là:

Mông Cổ (xấp xỉ 100%), Việt Nam (hơn 80%), Trung Quốc (gần 80%), Ấn Độ (hơn 60%), Lào (hơn 40%), Myanmar (khoảng 40%), Malaysia (hơn 20 %), Indonesia (hơn 10%), Bangladesh (hơn 10%), Nepal (hơn 10%), Pakistan (dưới 10%)

Số lượng du khách Nga giảm

Mặc dù vẫn mở cửa chào đón khách Nga, tỷ lệ du khách nước này đến thăm châu Á có khả năng sẽ giảm trong thời gian tới.

EIU cho biết: “Người dân Nga có thể sẽ giảm hoạt động du lịch do nền kinh tế trong nước bị gián đoạn, đồng rúp mất giá và các dịch vụ thanh toán quốc tế đã bị rút khỏi nước này”. Một số ngân hàng của Nga cũng bị loại khỏi SWIFT - hệ thống giao dịch kết nối hơn 11.000 ngân hàng thành viên của khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Ngoài ra, từ khi chiến tranh bắt đầu, đồng rúp đã giảm hơn 10% so với đầu năm và thấp hơn gần 30% giá trị so với đồng đô la, gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng chi tiêu của người dân Nga.

Tuy nhiên, du khách Nga vẫn chưa có quá nhiều ảnh hưởng đối với du lịch châu Á. Trong năm 2019, Thái Lan đón 1,4 triệu lượt khách Nga và là nước hưởng lợi lớn nhất trong khu vực. Tuy nhiên, con số đó chỉ chiếm 4% tổng lượt khách của nước này. Việt Nam là nước đón khách Nga nhiều thứ hai. Trong khi đó, Indonesia, Sri Lanka và Maldives lần lượt lọt top 5 những điểm đến hàng đầu châu Á của du khách Nga.

Tuy nhiên, EIU cho biết: “Nếu xung đột không xảy ra, du lịch Nga sẽ đóng góp nhiều hơn vào nền du lịch châu Á bởi du khách Trung Quốc đang bị hạn chế xuất cảnh”.