Tương lai đầy chông gai của ngành khách sạn

An Chi - 15:18, 03/10/2020

TheLEADERNgay cả khi các đường bay thương mại quốc tế được kết nối trở lại với một số quốc gia, ngành du lịch và khách sạn cũng không nên quá kỳ vọng vào sự phục hồi ngay lập tức từ thị trường khách quốc tế.

Tương lai đầy chông gai của ngành khách sạn
Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khách sạn phân khúc cao cấp trong tháng 8 sụt giảm gần 75% so với cùng kỳ năm trước

Ngành du lịch Việt Nam đã trải qua những biến động lớn trong thời gian qua và theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, một số khách sạn thậm chí hoạt động với tỷ lệ lấp đầy ở mức một chữ số. 

Việc tái bùng phát dịch Covid-19 ở Đà Nẵng trong tháng bảy đã khiến nhiều địa điểm du lịch nhận được yêu cầu hủy phòng, kéo theo sự sụt giảm công suất của toàn thị trường. 

Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khách sạn phân khúc cao cấp trong tháng 8 chỉ đạt dưới 20%, tương ứng mức sụt giảm gần 75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, TP. HCM ghi nhận công suất ở mức 14% và Hà Nội là 24%. 

Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm 2020, giá phòng trung bình giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này gây thiệt hại nặng nề cho hầu hết các chủ khách sạn. Tuy nhiên, nhìn về hướng tích cực thì nhu cầu du lịch nội địa đang dần khôi phục trở lại nhờ vào các biện pháp ứng phó với đại dịch hiệu quả của Chính phủ. 

Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng vẫn nhận được yêu cầu đặt phòng cho tháng 9 và 10 mặc dù đã bắt đầu vào mùa du lịch nội địa thấp điểm (mùa thấp điểm dự kiến kéo dài đến cuối năm). Các chuyến bay quốc tế vẫn còn bị hạn chế dù nhu cầu du lịch nội địa đang trên đà khôi phục.

Ông Mauro nhận định, năm 2021 vẫn còn nhiều thách thức với ngành khách sạn. Việc quản lý và hoạch định ngân sách trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, các chủ sở hữu cần kiểm soát chi phí một cách thận trọng, nhưng vẫn phải đảm bảo kịp thời khôi phục hoạt động kinh doanh khi nhu cầu du lịch quay trở lại.

Theo đó, các phương án dự phóng cần được cập nhật thường xuyên theo diễn biến của thị trường. Ông Mauro nhấn mạnh, việc giao tiếp, cập nhật dữ liệu thường xuyên giữa chủ sở hữu và đội ngũ quản lý là cực kỳ quan trọng vì đây là cơ sở cho việc dự toán 2021 một cách đúng đắn. 

Theo chuyên gia này, rất khó để dự đoán bức tranh ngành du lịch năm 2021 vì khả năng hồi phục của thị trường khách quốc tế vẫn là một câu hỏi lớn. 

Vì thế, chủ sở hữu khách sạn vẫn nên duy trì sự tích cực với những kế hoạch dài hạn nhưng cần chú trọng trong việc kiểm soát dòng tiền trong thời gian tới và tập trung vào việc khai thác tiềm năng và thế mạnh của thị trường nội địa. 

Các định chế tài chính cũng nên làm việc chặt chẽ với chủ sở hữu và nhà điều hành để đảm bảo dòng tiền hoạt động cho những tháng tiếp theo.

Ông Mauro cho rằng, thậm chí khi đường bay thương mại quốc tế được kết nối trở lại với một số quốc gia, chủ khách sạn cũng không nên quá kỳ vọng vào sự phục hồi ngay lập tức từ thị trường khách quốc tế. 

Có thể sẽ có nhu cầu du lịch xuất ngoại từ nhóm khách cá nhân hoặc nhóm nhỏ, nhưng phần lớn du khách, đặc biệt là nhóm khách đoàn và khách gia đình sẽ cần thêm thời gian để đánh giá mức độ an toàn trước khi quyết định du lịch trở lại. 

Mặc dù vậy, chuyên gia này vẫn đánh giá ngành du lịch Việt Nam sẽ có khả năng phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác nhờ vào yếu tố an toàn và đà tăng trưởng tốt trong quá khứ.

Trao đổi thêm về việc hoạch định ngân sách cho khách sạn năm 2021, ông Douglas Louden, đối tác quản lý tài sản, Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ, có nhiều cách thức để tạo thêm nguồn doanh thu cho khách sạn. Chủ sở hữu hãy cân nhắc mọi ý tưởng có thể trong việc tăng doanh thu và giảm chi phí hoạt động. 

Dù có thể các ý tưởng này trước đây được cho là không thực tế hoặc không phù hợp thì việc tận dụng và áp dụng thử các phương án vào thời điểm này là điều nên làm để tìm kiếm những cơ hội mới.

Đây được xem là giai đoạn quan trọng, chủ sở hữu cần đưa ra những quyết định mang tính chiến lược để đảm bảo hoạt động vận hành và đón đầu quá trình phục hồi trong tương lai.