Tỷ phú Phạm Nhật Vượng gặp chủ tịch tập đoàn Adani

Trần Anh - 20:35, 08/11/2023

TheLEADERMới đây, VinFast công bố kế hoạch kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp xe điện tại Ấn Độ với quy mô vốn 150-200 triệu USD và công suất lên tới 50.000 xe/năm trong giai đoạn 1.

Trên trang Twitter (X) cá nhân, Chủ tịch tập đoàn Adani (Ấn Độ), ông Gautam Shantilal Adani vừa tiết lộ có cuộc gặp với tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Ông Adani cũng là tỷ phú thế giới đang sở hữu tài sản hơn 52 tỷ USD. Chủ tịch hai tập đoàn đã thảo luận về những cơ hội hợp tác tiềm năng giữa Ấn Độ và Việt Nam. 

"Tôi thực sự được truyền cảm hứng từ hành trình khởi nghiệp ấn tượng, được dẫn dắt bởi một người lãnh đạo có tầm nhìn, từ kinh doanh mì ăn liền đến dẫn đầu trong việc sản xuất nhiều mẫu xe điện và giải pháp pin tiên tiến cho sự thay đổi toàn cầu hướng tới di chuyển xanh. Tất cả đều được hoàn thành trong thời gian kỷ lục!", nhà lãnh đạo của Adani Group viết.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng gặp gỡ chủ tịch tập đoàn Adani

Cuộc gặp của 2 tỷ phú diễn ra tại Ấn Độ ngày 8/11, sau khi VinFast công bố kế hoạch kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp xe điện tại Ấn Độ, thị trường ô tô lớn thứ 3 thế giới sau kế hoạch xây dựng nhà máy tại Mỹ và Indonesia.

Tổng vốn đầu tư nhà máy tại Ấn Đô dự kiến khoảng 150-200 triệu USD với công suất lên tới 50.000 xe/năm trong giai đoạn 1.

Trong khi đó, Adani Group là tập đoàn đa quốc gia, nổi tiếng trong lĩnh vực phát triển và vận hành cảng biển ở Ấn Độ. Ngoài ra tập đoàn cũng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, logistics, cơ sở hạ tầng...

Hồi tháng 5, người đứng đầu Adani đã thăm Việt Nam và có cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tổng giám đốc Adani cho biết ông rất quan tâm, đã dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá cơ hội và đi đến quyết định, cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, không chỉ trong lĩnh vực cảng biển, logistics, mà còn các lĩnh vực năng lượng, công nghệ số. 

Trong đó, Adani mong muốn xây dựng hệ sinh thái cảng biển theo hướng xanh hóa và đầu tư các nhà máy điện gió, điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam, tổng số vốn khoảng 3 tỷ USD, phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam. 

Được biết, cảng Liên Chiểu tại thành phố Đà Nẵng sẽ là một trong những dự án đầu tiên được đầu tư thuộc gói 10 tỷ USD nêu trên của tập đoàn Adani tại Việt Nam.

Ngoài ra, tập đoàn này đã đầu tư vào hai dự án năng lượng sạch tại Việt Nam, bao gồmmột nhà máy điện gió với công suất 27,3 MW và một dự án điện mặt trời đang được triển khai có công suất 50 MW tại Ninh Thuận.