Uber, Grab nhận ‘trái đắng’ vì sáp nhập tại Singapore

Tiến Nhật - 09:00, 25/09/2018

TheLEADERSingapore mới đây đã tuyên phạt Grab và Uber 9,5 triệu USD sau khi kết luận về vụ sáp nhập của hai ứng dụng gọi xe này vào hồi tháng 3.

Uber, Grab nhận ‘trái đắng’ vì sáp nhập tại Singapore
Sau sự rút lui cua Uber, hàng loạt cái tên khác đã nhảy vào thị trường gọi xe. Ảnh: Channel NewsAsia

Số tiền phạt trên là kết quả sau khi cơ quan giám sát chống độc quyền của Singapore đưa ra kết luận về hành vi chống lại sự cạnh tranh liên quan đến vụ sáp nhập, bất chấp khẳng định của Grab về việc doanh nghiệp này không có ý vi phạm luật cạnh tranh, South China Morning Post đưa tin.

Mặc dù khoản phạt trị giá 9,5 triệu USD không đáng kể so với mức định giá hàng tỷ USD, hành động lần này cho thấy biện pháp mạnh mẽ nhất của nhà chức trách Singaopre kể từ khi vụ sáp nhập được tiết lộ.

Chỉ vài ngày sau khi thương vụ đình đám giữa hai ứng dụng đối đầu được công bố, Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Singapore (CCCS) đã tiến hành cuộc điều tra liên quan đến việc vi phạm luật cạnh tranh.

“Những thương vụ sáp nhập làm suy giảm sự cạnh tranh trên thị trường là bị cấm và CCCS đã có những hành động liên quan đến vụ sáp nhập giữa Uber và Grab. Theo đó vụ sáp nhập này loại bỏ đối thủ cạnh tranh gần nhất của Grab, gây ảnh hưởng lên tài xế và hành khách tại Singapore”, Reuters dẫn lời Giám đốc CCCS Toh Han Li.

Theo đánh giá của cơ quan này, giá cước Grab trên thực tế tăng 10 – 15% sau khi vụ sáp nhập được diễn ra. Hãng gọi xe này hiện chiếm tới 80% thị phần tại thị trường Singapore.

CCCS kết luận phạt Uber 6,6 triệu USD và phạt Grab 6,4 triệu USD; yêu cầu Grab xóa bỏ những yêu cầu độc quyền với tài xế, Reuters đưa tin.

Bên cạnh đó, các nhà chức trách tại đảo quốc sư tử cũng cho rằng Uber không được bán số xe thuộc công ty cho thuê xe City Rentals cho Grab nếu không được phép mà phải bán lại cho một đối thủ nào đó với mức giá phù hợp thị trường.

Trong một tuyên bố, người đứng đầu Grab Singapore nhấn mạnh việc “không cố ý vi phạm luật cạnh tranh” và công ty này đã không hề tăng giá cước sau khi vụ sáp nhập diễn ra, trái ngược với những phát hiện của CCCS, South China Morning Post dẫn tin.

Tuy nhiên, hãng này cho biết sẽ tuân thủ hình phạt và các biện pháp khắc phục do cơ quan quản lý ban hàng, bao gồm việc loại bỏ những thỏa thuận độc quyền.

Trong khi đó, Uber bày tỏ sự thất vọng về quyết định mới này và cho biết đang xem xét các lựa chọn của mình.

"Chúng tôi cảm thấy thất vọng trước quyết định được công bố của CCCS. Chúng tôi tin rằng điều này được đưa ra dựa trên một định nghĩa hẹp hòi và không phù hợp về thị trường cũng như miêu tả thiếu chính xác về bản chất năng động của lĩnh vực này", SCMP dẫn lời vị giám đốc kinh doanh Uber.

Hồi tháng 3, Uber đã quyết định bán lại mảng hoạt động tại Đông Nam Á cho đối thủ cạnh tranh Grab để đổi lại 27,5% cổ phần tại doanh nghiệp này sau chuỗi ngày dài đầy khó khăn.

Một ứng dụng gọi xe khác Go-Jek của Indonesia lại cho thấy sự vui mừng trước quyết định của cơ quan quản lý Singapore, đặc biệt trong bối cảnh hãng này đang tiến hành mở rộng ra nước ngoài.

Gần đây nhất, Go-Jek đã đổ bộ vào Việt Nam với thương hiệu Go-Viet, cung cấp dịch vụ gọi xe và sẽ hướng tới giao hàng và thanh toán sau này.