Vai trò của cơ chế sandbox trong cuộc cách mạng 4.0

Việt Hưng - 13:16, 18/11/2019

TheLEADERThời điểm hiện tại, các regulatory sandbox để thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới dường như vẫn vắng bóng ở Việt Nam, do còn gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách, cũng như hành lang pháp lý cụ thể.

Trong khi toàn bộ các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đều đã và có thể chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, pháp luật đang đứng trước những thách thức lớn để điều chỉnh, hoàn thiện thích ứng với cuộc cách mạng này.

Theo TS. Trần Thị Quang Hồng - Trưởng ban NCPL Dân sự Kinh tế, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, có 2 thách thức lớn đặt ra với quy trình lập pháp ở Việt Nam, sau những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thách thức thứ nhất là khả năng điều chỉnh các vấn đề mới nảy sinh một cách phù hợp.

Sự phù hợp đòi hỏi sự hiểu biết chính xác về công nghệ phát sinh cũng như tác động của nó đối với xã hội. Chỉ nhìn vào sự ra đời và phát triển của Uber trên thế giới và Grab ở Đông Nam Á, có thể thấy các nhà lập pháp đang gặp những khó khăn như thế nào trước những vấn đề mới phát sinh. Khi Uber trở thành một dịch vụ rộng khắp trên thế giới, pháp luật vẫn chưa hề có những quy định tương ứng để điều chỉnh, dẫn đến những xung đột xã hội và xung đột pháp lý gay gắt.

Từ năm 2014, ở Pháp và nhiều nước trên thế giới đã chứng kiến hàng loạt các cuộc biểu tình của tài xế taxi truyền thống để phản đối và yêu cầu Chính phủ có biện pháp để Uber cũng phải thực thi pháp luật như họ. Uber cũng đối mặt với các cuộc khiếu kiện tập thể từ những người làm taxi theo mô hình truyền thống khiến họ có nguy cơ phải chịu những thiệt hại lớn về tài chính.

Ở Việt Nam cũng diễn ra những xung đột tương tự giữa taxi hoạt động theo mô hình truyển thống và taxi hoạt động trên nền tảng công nghệ. Tuy nhiên, những vấn đề pháp lý phát sinh đối với hoạt động của taxi công nghệ kiểu như Uber không chỉ thể hiện những điểm trống trong pháp luật về mô hình kinh doanh mà còn thể hiện điểm trống trong pháp luật liên quan đến lao động.

Ở Anh, các tài xế Uber kiện công ty ra toà án Anh để yêu cầu công ty ứng xử với họ như những người lao động làm việc cho công ty (thay vì việc Uber áp dụng chính sách đối với họ như những đối tác thương mại).

Vấn đề chính sách với người lao động hợp tác với doanh nghiệp theo công việc cũng không phải là vấn đề của riêng Uber hay các hãng taxi vận chuyển khách trên nền tảng công nghệ khác mà là vấn đề phổ biến của cái gọi là gig economy - nền kinh tế trong đó người lao động hợp tác với doanh nghiệp theo công việc - một mô hình kinh tế được đánh giá là đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong xã hội.

Trong khi các nhà nước chưa có những giải pháp pháp lý có thể giải quyết triệt để những vấn đề phát sinh từ việc ứng dụng các công nghệ mới thì họ cũng lại phải đối mặt với những thách thức mới còn lớn hơn.

Ở Mỹ, việc Facebook công bố kế hoạch ban hành đồng tiền kỹ thuật số Libra đang làm các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ lúng túng và quan ngại bởi sức ảnh hưởng có thể nói là vô cùng to lớn của Libra khi nó được gắn với mạng xã hội Facebook có hàng tỷ người dùng.

Thách thức thứ hai là khả năng đáp ứng của luật với những diễn biến nhanh của cách mạng công nghiệp.

Pháp luật vốn thường đi sau sự phát triển của xã hội và càng đi sau sự phát triển của công nghệ. Những ví dụ trên đây về Uber, Grab, Libra hay gig economy cũng là minh chứng rõ rệt của sự đi sau này. Tốc độ phát triển của công nghệ ngày càng gia tăng.

Để một đạo luật được ban hành, quy trình nghiên cứu đòi hỏi nhiều thời gian, tất cả những vấn đề liên quan đến nó phải được xem xét, tất cả những chủ thể liên quan đến nó phải được tham vấn, việc thông qua nó phải dựa trên cơ sở thảo luận kỹ càng và vì vậy, không thể diễn ra trong ngày một ngày hai.

Với những yêu cầu đặt ra như vậy, quy trình lập pháp về cơ bản là không thể rút ngắn. Có nghĩa là chúng ta khó có thể có những đạo luật vừa đáp ứng được những yêu cầu lập pháp như trên, lại vừa có thể phản ứng tức thời với những vấn đề đang phát sinh từ tốc độ phát triển chóng mặt như vậy của công nghệ.

Tuy nhiên, pháp luật cũng không thể không tìm cách thích ứng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Thách thức đặt ra ở đây, do vậy, chính là phải làm sao để tạo ra sự cân bằng giữa yêu cầu đảm bảo tính phổ quát, tính cân bằng lợi ích của một đạo luật với khả năng phản ứng một cách nhanh chóng với các vấn đề mới đang liên tục phát sinh từ cách mạng công nghiệp.

Khái niệm và vai trò của regulatory sandbox

Regulatory sandbox (môi trường pháp lý thử nghiệm công nghệ) đang trở thành một công cụ quản lý được nhiều quốc gia trên thế giới tìm đến trong nỗ lực tìm kiếm phương thức phù hợp để điều chỉnh những vấn đề đang phát sinh từ những công nghệ mới chưa được kiểm chứng và chưa được dự liệu bởi các quy tắc pháp lý vốn ổn định, khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều.

Từ một khái niệm để chỉ những hộp đựng cát được dựng lên để trẻ em chơi, sandbox trở thành một thuật ngữ trong công nghiệp phần mềm để chỉ một môi trường máy tính cho phép cô lập các phần mềm hoặc chương trình máy tính nhất định để chạy thử, giám sát và đánh giá riêng. Từ đó, người Anh tạo ra thuật ngữ regulatory sandbox dùng để chỉ một môi trường pháp lý để thử nghiệm các ứng dụng công nghệ được chọn lọc mà về lý thuyết thì sẽ không thể thực hiện được trong khuôn khổ các quy định pháp luật.

Regulatory sandbox cho phép người thử nghiệm các ứng dụng mới được miễn thực thi một số quy tắc pháp luật trong một khoảng thời gian giới hạn và trong một số trường hợp có thể là trong một khu vực địa lý cố định với sự giám sát, hỗ trợ của cơ quan quản lý.

Cách làm này giúp cho những người xây dựng các ứng dụng trên nền tảng công nghệ mới có thể triển khai được các ý tưởng của mình trong khi môi trường pháp luật chung chưa cho phép, qua đó có cơ hội chứng minh những lợi ích về mặt kinh tế - xã hội mà công nghệ mới có thể mang lại.

Cách làm này cho phép cơ quan nhà nước kiểm nghiệm, đánh giá những khía cạnh công nghệ mới chưa được pháp luật dự liệu, để từ đó xây dựng các quy tắc pháp lý thích hợp, có thể là cấm, cho phép có kiểm soát hoặc cho phép ứng dụng rộng rãi.

Regulatory sandbox có thể được xem như một không gian pháp lý trong đó công nghệ mới có thể được thử nghiệm mà không bị cản trở bởi những yêu cầu về cấp phép, về những điều kiện kinh doanh không phù hợp hoặc bởi sự thiếu vắng khung pháp lý tương ứng. Việc miễn những ràng buộc về giấy phép hay điều kiện kinh doanh không có nghĩa là miễn trừ trách nhiệm về mặt dân sự hay các trách nhiệm khác trước pháp luật.

Với những đặc tính như vậy, TS. Trần Thị Quang Hồng đánh giá phương thức quản lý này thích ứng với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Phương thức quản lý này xuất phát từ nước Anh, thông qua việc Cục quản lý tài chính Anh quốc (The UK’s Financial Conduct Authorigy, viết tắt là FCA) tạo ra một môi trường pháp lý thử nghiệm cho lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) bằng cách thực thi trách nhiệm bổ sung là hỗ trợ và tư vấn, phát hành các giấy phép tạm thời cho phép các startup được hoãn thực thi một số quy định trong thời gian 2 năm.

Thêm vào đó, FCA không chỉ tổ chức các hoạt động tham vấn công khai để nắm bắt cũng như giải thích về các rào cản pháp luật mà lĩnh vực Fintech phải đối mặt, mà còn xây dựng một Dự án về sáng tạo, trong đó có một Trung tâm sáng tạo (Innovation Hub) và Văn phòng tư vấn (Advice Unit) dành cho các doanh nghiệp Fintech và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo.

Các chủ thể thuộc khu vực tư được áp dụng cơ chế này có thể có quyền nhất định trong việc quyết định có thực thi một số quy định hay không. Phương thức quản lý này đã góp phần đưa nước Anh trở thành một trong những điểm đến lý tưởng của các startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), đồng thời tạo ra hiệu ứng lan toả khi ngày càng nhiều quốc gia áp dụng phương thức quản lý này, không chỉ trong Fintech mà cả các lĩnh vực khác, chẳng hạn như thử nghiệm ứng dụng công nghệ xe tự lái, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ trong y tế, môi trường...

Phát triển regulatory sandbox ở Việt Nam

Trong một vài năm trở lại đây, regulatory sandbox là một trong những vấn đề được nhắc khá nhiều trong các diễn đàn chính sách về phát triển công nghệ ở Việt Nam. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và chuyên gia thường xuyên đề xuất về mô hình này và bản thân các nhà quản lý cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc xây dựng các regulatory sandbox. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, các regulatory sandbox để thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới dường như vẫn vắng bóng ở Việt Nam.

Sự vắng bóng các regulatory sandbox trên thực tiễn mặc dù đã có sự nhất quán về mặt ý chí cho thấy việc triển khai regulatory sandbox trên thực tế còn gặp nhiều vướng mắc.

Việc triển khai regulatory sandbox đòi hỏi cơ quan quản lý phải vượt qua chức năng thực thi pháp luật thông thường và có sự chủ động nhất định trong việc tiến hành các biện pháp quản lý cụ thể. Đồng thời, sự chủ động đó phải có những ràng buộc nhất định để đảm bảo quá trình thử nghiệm được thực hiện công bằng, hiệu quả và đồng bộ, tránh lạm quyền, phục vụ được cho mục tiêu là không làm mất cơ hội ứng dụng công nghệ mới do các quy tắc pháp luật chậm được ban hành hay thay đổi, đồng thời qua đó xác định được các yêu cầu thay đổi pháp luật phù hợp với yêu cầu điều chỉnh các vấn đề phát sinh từ công nghệ mới sau thử nghiệm. Đây là những vấn để cần được giải quyết để thúc đẩy sự hình thành các regulatory sandbox ở Việt Nam.

Ngày 12/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, trong đó khẳng định quan điểm “thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ”. Đề án này mở ra cơ hội mới cho việc triển khai các regulatory sandbox ở Việt Nam, không chỉ liên quan đến kinh tế chia sẻ mà cả các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, trong điều kiện thuận lợi như vậy, việc phát triển các regulatory sandbox ở Việt Nam vẫn sẽ không thể thực hiện được nếu như không có những hành lang pháp lý cụ thể hơn và không có sự trao quyền mạnh mẽ cũng như xác định trách nhiệm rõ ràng hơn cho các bộ, ngành.

Vì sao regulatory sandbox cần một hành lang pháp lý cụ thể hơn? Cho đến nay, ngoài việc được nhắc đến trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chưa có bất kỳ một quy tắc pháp lý nào xác định một cách hiểu thống nhất về regulatory sandbox cũng như cách thức để triển khai regulatory sandbox. Trong khi đó, việc triển khai regulatory sandbox liên quan đến nhiều vấn đề, bao gồm: lựa chọn doanh nghiệp/đơn vị phát triển công nghệ được phép thử nghiệm, loại công nghệ được thử nghiệm, thời gian và không gian thử nghiệm, trách nhiệm giám sát trong quá trình thử nghiệm, trách nhiệm pháp lý của người thử nghiệm, những yêu cầu về đánh giá trong quá trình thử nghiệm.

Do vậy, một hành lang pháp lý thiết lập các quy tắc chung cho việc triển khai sandbox là cần thiết trong điều kiện hiện nay. Hành lang pháp lý đó phải đảm bảo được các yêu cầu:

Thứ nhất, phải xác định được cách hiểu thống nhất về regulatory sandbox, các mục tiêu và quan điểm phát triển sandbox.

Thứ hai, cần trao quyền cho các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực trong việc triển khai regulatory sandbox trong lĩnh vực của mình. Khi phát sinh yêu cầu điều chỉnh với một ứng dụng công nghệ mới, cơ quan quản lý cần xác định rõ quan điểm và có đề xuất cụ thể về việc cho ứng dụng rộng rãi hoặc không cho phép dựa trên các lý giải cụ thể. Nếu không lựa chọn một trong hai phương án trên, cơ quan nhà nước có thể cho phép triển khai ứng dụng thử nghiệm thông qua regulatory sandbox để có cơ sở đưa ra những đề xuất cụ thể sau thời gian thử nghiệm. Cơ quan nhà nước cũng cần được trao quyền để xác định các tiêu chí cụ thể để lựa chọn doanh nghiệp hoặc cá nhân được tham gia vào regulatory sandbox, bao gồm tiêu chí về chủ thể và công nghệ và công khai, minh bạch các tiêu chí này cũng như công khai về quy trình tuyển chọn.

Thứ ba, cần quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát quá trình thử nghiệm và hỗ trợ các chủ thể trong quá trình thử nghiệm.

Thứ tư, cần xác định các nguyên tắc chung cho regulatory sandbox, bao gồm nguyên tắc xác định giới hạn thời gian và không gian địa lý để triển khai sandbox, các điều kiện để có thể gia hạn về thời gian và mở rộng phạm vi về không gian nếu cần.

Thứ năm, cần làm rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia thử nghiệm công nghệ trong regulatory sandbox. Các chủ thể này có thể được miễn một số nghĩa vụ tuân thủ pháp luật như giấy phép, được hưởng ưu đãi về thuế nhưng phải tuân thủ

Thứ sáu, cần xây dựng khung đánh giá thử nghiệm, đảm bảo mỗi dự án thử nghiệm trong khuôn khổ của regulatory sandbox đều được đánh giá đầy đủ trong quá trình thử nghiệm trên cơ sở các tiêu chí cơ bản:

Lợi ích kinh tế - xã hội đạt được từ việc ứng dụng công nghệ và so sánh với các chi phí xã hội để triển khai các ứng dụng công nghệ này;

Những rủi ro có thể phát sinh đối với người tiêu dùng, đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và khả năng giảm thiểu những rủi ro và tác động bất lợi đó;

Việc triển khai các ứng dụng đó có xung đột với các quy tắc pháp luật hiện hành hay không? Liệu có cần sửa đổi, bổ sung các quy định nào không nếu cho phép triển khai rộng rãi các ứng dụng này.