Kiến nghị bỏ mức trần, doanh nghiệp tự quyết giá bán xăng dầu
VCCI khuyến nghị, về cơ chế giá bán xăng dầu, cần cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán hoặc bỏ/miễn thủ tục kê khai giá khi doanh nghiệp bán hàng đúng giá trần.
Đầu tư, kinh doanh xăng dầu sẽ càng nóng hơn với những đề xuất mới đây trong dự thảo nghị định của Bộ Công thương.
Dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu lần ba của Bộ Công thương đưa ra nhiều thông tin được đánh giá là "sát sườn" cho các doanh nghiệp kinh doanh phân phối.
Cụ thể, so với các nội dung dự thảo các lần trước, Bộ Công thương đã điều chỉnh việc trao quyền tự quyết giá bán lẻ cho thương nhân đầu mối/phân phối như bổ sung yếu tố “premium” vào công thức giá bán tối đa và kỳ điều chỉnh bảy ngày một lần, điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức theo chỉ số giá tiêu dùng CPI và rà soát lại 3 năm một lần/khi có biến động bất thường.
Theo đó, thương nhân đầu mối kinh doanh hay phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn. Căn cứ tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn trần giá bán xăng dầu theo quy định.
Dự thảo lần này cũng chỉ đề cập tới việc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chuyển, nộp số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Đồng thời, không có quy định khác về quỹ bình ổn xăng dầu, tức có thể hiểu doanh nghiệp không còn chịu điều chỉnh từ việc quản lý, sử dụng quỹ này như thời gian trước vốn xảy ra nhiều bất cập, thậm chí vi phạm.
Theo đánh giá ban đầu từ một số công ty chứng khoán, doanh nghiệp hoàn toàn có thể “yên tâm” hơn khi tinh thần của nghị định đang dần bám sát chi phí kinh doanh thực tế, nhất là trong bối cảnh diễn biến giá xăng dầu thế giới còn biến động cộng với các chi phí vận tải, logistics đang đè nặng hoạt động sản xuất.
Đáng chú ý, những thương nhân đầu mối có thị phần lớn như Petrolimex hay PVOil sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ các thay đổi nêu trên.
Tuy nhiên, một trong những chi tiết chỉ nêu ngắn gọn trong dự thảo nhưng được cho là khá hấp dẫn với những doanh nghiệp đang “để mắt” tới lĩnh vực đặc thù này, là chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài các trường hợp đã được phê duyệt góp vốn/chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thương nhân kinh doanh xăng dầu có hoạt động sản xuất xăng dầu nếu có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần, vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài thì phải được Thủ tướng cho phép.
Dẫu vậy, tỷ lệ chuyển nhượng cho phép cụ thể ra sao lại không được đề cập.
Thực tế, việc cho phép thương nhân kinh doanh nếu có sản xuất xăng dầu được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư ngoại đã “nóng” từ nhiều năm qua, nhất là khi Bộ Công thương giải trình Thủ tướng về nội dung sửa đổi Nghị định 83/2014 cách đây khoảng ba năm.
Nhà đầu tư ngoại đã bước vào nắm quyền ảnh hưởng, chi phối hoạt động không ít dự án dầu khí trọng điểm quốc gia từ trước khi được luật hóa vấn đề chuyển nhượng cổ phần ở lĩnh vực đặc thù này.
Trước năm 2021, khi Chính phủ và bộ ngành đang cân nhắc việc “luật hóa” cho phép chuyển nhượng cổ phần ở mức không quá 35%, sự xuất hiện của nhà đầu tư nước ngoài đã diễn ra ở hầu hết các tên tuổi lớn trong ngành như NSRP với 75%, BSR 49%, PVOil 35% hay Petrolimex 2% sau khi được Thủ tướng cho phép thực hiện thông qua quá trình cổ phần hóa, huy động vốn đầu tư.
Dẫu vậy, theo Bộ Công thương, ngoài các doanh nghiệp đã được Thủ tướng cho phép chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thực tế còn nhiều doanh nghiệp hoạt động đa ngành (trong đó có lĩnh vực xăng dầu) cũng có nhu cầu thu hút vốn ngoại, đặc biệt thông qua niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Cần nhắc lại, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia biểu cam kết dịch vụ khi gia nhập WTO, dịch vụ phân phối dầu thô và dầu đã qua chế biến được loại trừ khỏi phạm vi cam kết.
Vì vậy, việc cho phép hoặc không cho phép nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền phân phối xăng dầu tại Việt Nam thuộc thẩm quyền quyết định của Nhà nước Việt Nam, tức không chịu điều chỉnh của các cam kết quốc tế.
Về pháp luật trong nước, Luật Đầu tư 2014 quy định không giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói chung nếu không có quy định khác của pháp luật liên quan.
Đồng thời, Nghị định 60/2015 của Chính phủ quy định đối với công ty đại chúng hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà chưa có quy định cụ thể về mức giới hạn cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần, thì nhà đầu tư nước ngoài được phép mua cổ phần với tỷ lệ sở hữu tối đa 49%.
Cũng theo Bộ Công thương, do chưa có quy định chính thức và cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong kinh doanh xăng dầu nên hiện có “khoảng trống pháp lý” trong quản lý nhà nước và niêm yết trên sàn chứng khoán của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn, Ủy ban chứng khoán Nhà nước không có căn cứ pháp lý để giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước lúng túng trong thương thảo với các nhà đầu tư ngoại về đầu tư, phát hành tăng vốn và đặc biệt là thiếu đồng nhất về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của đối tượng này.
Một chi tiết đáng chú ý, liên quan đến phát hành tăng vốn cho cổ đông chiến lược của Petrolimex, tháng 3/2016, Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo “Bộ Công thương nắm kỹ tình hình, sửa đổi, hoàn thiện các quy định chưa phù hợp để bảo đảm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ cùng Petrolimex đầu tư dài hạn cho dự án nhà máy lọc dầu…”.
Do đó, Bộ Công thương nhìn nhận, việc rà soát và bổ sung nội dung cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước nếu có hoạt động sản xuất có thể chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35% là cần thiết, phù hợp thực tế đã phát sinh và nhu cầu phát triển của ngành xăng dầu trong nước.
Trước vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng, ý kiến từ các chuyên gia, nhà kinh tế cho biết, việc giới hạn 35% cổ phần chuyển nhượng đáp ứng được yêu cầu để không bị mất kiểm soát: không quá 35% để không có quyền phủ quyết Nghị quyết của Hội đồng quản trị theo quy định). Để kiểm soát tốt hơn, nên bổ sung quy định khi chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài cần có phê duyệt của các cấp thẩm quyền.
Bóc tách sâu hơn, việc cho phép chuyển nhượng không quá 35% là hoạt động đầu tư gián tiếp, chưa cho phép doanh nghiệp nước ngoài được trực tiếp thực hiện quyền phân phối xăng dầu tại Việt Nam. Quyền này chỉ được thực hiện khi doanh nghiệp nước ngoài lập chi nhánh tại Việt Nam và trực tiếp triển khai hoạt động phân phối.
Từ đây, thời điểm ba năm trước, Bộ Công thương đã đề xuất Thủ tướng ba phương án xử lý. Thứ nhất, nếu việc cho chuyển nhượng không quá 35% chưa thích hợp để “luật hóa” thì bỏ nội dung này khỏi dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014 và đề nghị Thủ tướng thông qua và sớm ban hành Nghị định do đã có thống nhất của các thành viên Chính phủ.
Tuy nhiên, để giải quyết “khoảng trống pháp lý” như nêu trên, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu để xử lý vấn đề.
Phương án 2 là cho phép việc chuyển nhượng cố phần không quá 35% sau khi đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý (như trường hợp Petrolimex, PVOil, BSR hay NSRP đã thực hiện trước đây). Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, phương án này sẽ phát sinh thủ tục hành chính, phải xử lý từng trường hợp trên cơ sở doanh nghiệp báo cáo và xin phép Thủ tướng.
Phương án cuối cùng, là cho phép chuyển nhượng cổ phần không quá 35%. Ở nội dung này, dự thảo Nghị định không đề cập tới điều kiện quy định doanh nghiệp phải báo cáo hay được cho phép của cấp thẩm quyền.
Như vậy, sau 3 năm được Bộ Công thương “chắp bút” phương kế xử lý, cánh cửa bước vào “vùng cấm” mang tên phân phối xăng dầu tại thị trường Việt Nam đối với nhà đầu tư ngoại đang dần hé mở.
Bởi, nội dung nêu tại dự thảo lần ba nghị định kinh doanh xăng dầu đã cho phép chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không minh định tỷ lệ cụ thể. Đồng thời, việc vấp phải những rào cản thủ tục hành chính trong xin, cấp phép là điều đã được chính Bộ Công thương dự báo trước.
VCCI khuyến nghị, về cơ chế giá bán xăng dầu, cần cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán hoặc bỏ/miễn thủ tục kê khai giá khi doanh nghiệp bán hàng đúng giá trần.
Nhiều ý kiến cho rằng việc lập sàn giao dịch xăng dầu tại Việt Nam gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là về vấn đề quản lý giá.
Cơ chế quản lý giá xăng dầu hiện nay nên chuyển từ quản lý hành chính nhà nước sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết.
Tập đoàn Sanofi đã tổ chức chuỗi hội thảo khoa học nhằm nâng cao nhận thức về bệnh cúm và giải pháp tiêm ngừa.
Công nghệ số được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp thúc đẩy hiệu quả các giải pháp chuyển đổi xanh.
Phát triển bền vững tại nhiều doanh nghiệp xuất phát từ mối liên kết chặt chẽ giữa các thế hệ lãnh đạo, nhân sự với nhau, song hành với công nghệ và văn hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, khi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia tiếp thị, nhà quản trị chiến lược và doanh nghiệp xuất sắc.
Khởi đầu rồi phát triển mạnh nhờ bất động sản, doanh nhân Trần Văn Kỳ tiếp tục dẫn dắt Hateco Group đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển.
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.