Vì sao xe điện chưa thể 'bùng nổ'?

Phạm Sơn - 18:18, 11/07/2021

TheLEADERLiên minh Pin toàn cầu cho biết đến năm 2040, toàn thế giới cần khoảng 290 triệu điểm sạc xe điện, với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ USD.

Vì sao xe điện chưa thể 'bùng nổ'?
Thiếu trạm sạc là một nguyên nhân cản trở sự phát triển của thị trường xe điện. Ảnh: Reuters.

Trên khắp thế giới, các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang huy động nguồn vốn khổng lồ để chuyển đổi sang sản xuất xe điện. Những ông lớn công nghệ cũng bắt đầu tham gia nghiên cứu và phát triển ứng dụng phụ trợ cho sự vận hành của xe điện.

Tất cả dường như đang đặt cược vào dòng phương tiện được kỳ vọng sẽ thay thế động cơ đốt trong để trở thành bộ mặt của ngành giao thông vận tải tương lai. Báo cáo của các tổ chức như Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Bloomberg New Energy Finance (BNEF) cũng đưa ra những dự đoán lạc quan về sự tăng trưởng của thị phần xe điện trong tương lai.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù mức tăng trưởng thị phần rất cao nhưng số lượng xe điện lưu thông trên đường vẫn còn quá ít so với phương tiện truyền thống. Thống kê của IEA chỉ ra, chỉ có khoảng 10 triệu xe điện đang được sử dụng trên toàn thế giới, tính đến cuối năm 2020.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), có 4 nguyên nhân khiến xe điện chưa thể thực sự bùng nổ.

Thứ nhất, giá đắt hơn rõ rệt so với những phương tiện động cơ đốt trong. Theo dữ liệu từ trang Compare the market, một chiếc Nissan Leaf chạy điện có giá khoảng 28.000 USD, trong khi người tiêu dùng chỉ cần phải bỏ ra khoảng 17.000 USD để sở hữu Nissan Micra với cùng khả năng vận hành.

Ông Douglas Broom, chuyên gia của WEF nhận xét, yếu tố về giá không phải là vấn đề quá đáng ngại, bởi giá thành xe điện đang ngày càng giảm xuống theo chi phí sản xuất pin. Một số doanh nghiệp cũng đang áp dụng chiến lược cho thuê pin để giảm giá bán cho xe điện.

Thứ hai là sự thiếu hụt về trạm sạc, mặc dù số lượng trạm sạc đã tăng gấp 7 lần trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo IEA, tính riêng tại châu Âu, dù nhiều chính sách phát triển thị trường xe điện được đưa ra, chỉ có 3 quốc gia là Pháp, Ý và Hà Lan đáp ứng được số lượng trạm sạc điện theo yêu cầu về cơ sở hạ tầng nhiên liệu thay thế của EU.

IEA dự báo, đến năm 2040, toàn thế giới cần phải xây dựng khoảng 290 triệu trạm sạc pin cho xe điện để bắt kịp nhu cầu thị trường. Số lượng trạm sạc này đòi hỏi tổng vốn đầu tư lên tới 500 tỷ USD.

Thứ ba, tình trạng thiếu chip toàn cầu đang kìm hãm quá trình sản xuất xe điện. Tổ chức nghiên cứu thị trường HIS Markit cho biết, tính riêng quý I/2021, khoảng 1,4 triệu chiếc xe điện đã không thể được sản xuất như dự kiến bởi thiếu chip.

Các nhà sản xuất chip toàn cầu đang phải chật vật để đối mặt với nhu cầu gia tăng đột biến khi ngành ô tô đẩy mạnh sản xuất sau thời gian gián đoạn chuỗi cung ứng bởi đại dịch Covid-19. Dự báo, tình trạng thiếu chip sẽ còn kéo dài đến cả năm 2022.

Cuối cùng, người tiêu dùng lo ngại về nguy cơ cháy pin. Theo nghiên cứu của Deloitte, khoảng 31% người tiêu dùng Trung Quốc, thị trường xe điện tiềm năng nhất thế giới, bày tỏ những lo ngại về độ an toàn của pin xe điện.

Chưa có một nghiên cứu rõ ràng nào về nguy cơ cháy nổ của pin xe điện, tuy nhiên một số dòng sản phẩm sử dụng pin Lithium-ion như điện thoại, máy tính đã từng phải thu hồi vì pin thiếu an toàn. Đây chính là lý do khiến người tiêu dùng cảm thấy lo ngại.

Ông Broom nhận định, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ngành công nghiệp xe điện vẫn đáng để kỳ vọng, khi các chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đều đang nỗ lực khắc phục những bất cập.

Cụ thể, các chính phủ đang ban hành kế hoạch trợ giá cho xe điện cũng như thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Nhiều tổ chức quốc tế và doanh nghiệp về xe điện đang thành lập nhiều liên minh để cùng nhau kiện toàn hóa chuỗi cung ứng, tiêu biểu như Liên minh Pin toàn cầu hay liên minh Sáng kiến Mobility open blockchain (MOBI).

IEA cho biết, vào năm 2030, khoảng 145 triệu xe điện sẽ được vận hành trên đường, tức là gấp hơn 14 lần so với hiện tại.