Vị thế chuỗi cung ứng của Trung Quốc và Việt Nam nhìn từ nhà máy Lego

Phạm Sơn - 08:44, 22/01/2023

TheLEADERViệt Nam không thể thay thế vai trò “công xưởng của thế giới” của Trung Quốc, do đó cần tìm ra công thức riêng để thu hút đầu tư.

Vị thế chuỗi cung ứng của Trung Quốc và Việt Nam nhìn từ nhà máy Lego
Nhà máy Lego tại Gia Hưng, Trung Quốc.

Nhà máy châu Á đầu tiên của tập đoàn sản xuất đồ chơi hàng đầu thế giới Lego được đặt tại thành phố Gia Hưng, thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, một thành phố có thể nói là điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu khu vực và thế giới. Thành phố Gia Hưng có nền công nghiệp phát triển, hệ thống giao thông thông suốt giúp các nhà đầu tư kết nối dễ dàng với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cuối năm 2021, tập đoàn Lego đã “chốt” được địa điểm để xây dựng nhà máy thứ 2 tại châu Á, đó là tỉnh Bình Dương, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp bậc nhất vùng Đông Nam Bộ của Việt Nam. Nhà máy được khởi công xây dựng vào năm 2022 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2024, được vận hành đảm bảo tiêu chí “không phát thải”.

Lý do lựa chọn Việt Nam cho nhà máy thứ 2 tại châu Á và nhà máy thứ 6 trên toàn thế giới được lãnh đạo Lego lý giải, đến từ kế hoạch phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo của Chính phủ, cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong việc xúc tiến đầu tư chất lượng cao. Bên cạnh đó, lực lượng lao động cũng là yếu tố được tập đoàn đồ chơi tỷ đô đánh giá cao.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của South China Morning Post, quyết định đặt nhà máy tiếp theo tại Việt Nam thay vì Trung Quốc của Lego mở ra những câu chuyện về vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như khả năng cạnh tranh về thu hút đầu tư của Việt Nam, so với gã hàng xóm khổng lồ Trung Quốc.

Việt Nam bắt đầu thu hút FDI từ cách đây khoảng 30 năm, với lợi thế từ tài nguyên thiên nhiên phong phú và lực lượng lao động đông đảo. Trong suốt quá trình thu hút vốn đầu tư, Việt Nam đã bổ sung thêm nhiều lợi thế cạnh tranh, thông qua việc tích cực ký kết các hiệp định thương mại tự do, cải cách thủ tục hành chính hay ban hành nhiều cơ chế ưu đãi đặc biệt cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, nhiều ông lớn toàn cầu như Samsung, Foxconn, Intel, Pegatron... đã hiện diện tại quốc gia này.

Năm 2018, khi cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, Việt Nam một lần nữa trở thành điểm sáng, nhận được nhiều hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. FDI vào Việt Nam năm 2018 đạt 35,5 tỷ USD, giải ngân đạt 19,1 tỷ USD, đến năm 2019 đạt hơn 38 tỷ USD, giải ngân 20,4 tỷ USD. Vốn từ Trung Quốc và Hồng Kông vào Việt Nam tăng mạnh, đạt mức 165% và 240% tương ứng cho 2 năm 2018 và 2019.

Tiếp đó, các đợt phong tỏa quy mô lớn cùng chính sách “zero Covid-19” của Trung Quốc cũng tạo tác động tích cực đến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Sau khi dòng vốn bị chững lại bởi Covid-19 vào năm 2020, Việt Nam thu hút được 38,85 tỷ USD vốn đăng ký mới vào năm 2021.

Việt Nam thay thế Trung Quốc?

Sự kiện đáng chú ý nhất cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2023 đến ngay từ đầu năm, đó là việc Trung Quốc quyết định mở cửa trở lại sau 3 năm thực hiện chính sách “zero Covid-19”. Sự kiện này được đánh giá là điểm sáng giúp giảm áp lực lạm phát, tăng nhu cầu tiêu dùng toàn cầu, tuy nhiên cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu những quốc gia đang hưởng lợi thế từ xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng như Việt Nam có còn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài?

Liệu những quốc gia đang hưởng lợi thế từ xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng như Việt Nam có còn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài?

Bởi lẽ, không thể phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc thu hút FDI, thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh nhưng dường như những lợi thế của Việt Nam vẫn còn kém xa so với Trung Quốc.

Ông David Dapice, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Trung tâm Ash thuộc Đại học Havard, nhận định, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam, tuy nhiên sẽ bị hạn chế bởi nhiều yếu tố. Đó là dung lượng thị trường và lực lượng lao động. Việt Nam có dân số chỉ bằng 7% dân số Trung Quốc, do đó sẽ chỉ đảm nhiệm được một phần trong chuỗi cung ứng nhỏ hơn nhiều so với đất nước tỷ dân.

Bà Trương Mạt Nam, chuyên gia kinh tế tại Bắc Kinh, phủ nhận khả năng trở thành công xưởng toàn cầu của Việt Nam. Theo đó, để trở thành công xưởng của thế giới, cần có hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh và thị trường nội địa khổng lồ. Xét 2 yếu tố này, Việt Nam cũng kém xa Trung Quốc.

Thực tế, ngành sản xuất của Việt Nam, do thiếu chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh, có nguồn đầu vào phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc. Việt Nam cũng chỉ có thể đảm nhiệm được một số mắt xích trong chuỗi sản xuất chứ chưa thể có được ngành sản xuất hoàn chỉnh giống như Trung Quốc.

Bên cạnh đó, lao động có tay nghề cao cũng là điểm yếu của Việt Nam nếu đem so sánh với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chỉ 11% lực lượng lao động tại Việt Nam là lao động lành nghề, chỉ bằng 2/5 tỷ lệ 26% của Trung Quốc. Nếu so sánh con số tuyệt đối, mức chênh lệch còn lớn hơn rất nhiều.

TS. Lê Hồng Hiệp, Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), cũng nhìn nhận, Việt Nam không thể thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng toàn cầu. Tuy nhiên, nếu nhìn về dài hạn, khu vực ASEAN có thể sẽ làm được điều này.

Tìm công thức riêng

Khẳng định Việt Nam đã giành thắng lợi trong xu thế Trung Quốc + 1, tuy nhiên, ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành Khu công nghiệp Deep C, cũng cho rằng, Việt Nam không thể trở thành công xưởng của thế giới.

Việt Nam không thể trở thành công xưởng của thế giới
Ông Bruno Jaspaert
Giám đốc KCN Deep C

Nêu quan điểm tại một sự kiện diễn ra năm vừa qua, ông Bruno nhận xét, Việt Nam không cần thiết phải cạnh tranh với Trung Quốc để tìm đường trở thành công xưởng toàn cầu. Thay vào đó, cần tìm ra lối đi riêng, công thức riêng để thành công.

Lời giải cho công thức riêng này cũng phần nào được nhìn ra từ câu chuyện về quyết định xây dựng nhà máy không phát thải của Lego tại Bình Dương. Đó là tập trung vào phát triển bền vững và thúc đẩy các yếu tố về ESG (môi trường – xã hội – quản trị) trong thu hút đầu tư.

Việt Nam có nhiều lợi thế để thực hiện công thức này, với một ngành sản xuất vẫn chưa được định hình hoàn chỉnh. Việt Nam có thể đưa yếu tố bền vững vào thiết lập chuỗi cung ứng dễ dàng hơn và tiêu tốn ít chi phí hơn so với Trung Quốc, với một hệ sinh thái sản xuất toàn diện. Một lợi thế nữa là Việt Nam đang nhận được chú ý từ quốc tế, kể từ sau cam kết đầy tham vọng tại COP26.

Xu thế phát triển bền vững đang trở thành điều tất yếu. Việc EU công bố cơ chế đánh thuế carbon xuyên biên giới (CBAM) khiến doanh nghiệp xuất khẩu bắt buộc phải tìm cách sản xuất sạch hơn. Các thị trường lớn trên thế giới cũng đã và đang ban hành tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về tính bền vững của sản phẩm và dịch vụ.

Trung Quốc cũng đang phải làm mới các chính sách thu hút FDI, trong đó tập trung vào công nghệ năng lượng mới và công nghệ ít phát thải carbon. Rõ ràng, cạnh tranh thu hút FDI sẽ tiếp tục diễn ra nhưng với hình hài khác hơn nhiều so với trước đây.

Thực tế, một số nhà đầu tư đã rời Trung Quốc, bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không còn đủ sức hấp dẫn đối với họ. Theo ông Hiệp, Trung Quốc đang tiến thêm một bước trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và Việt Nam cũng như ASEAN có thể thừa hưởng những gì Trung Quốc bỏ lại phía sau.

Tuy nhiên, điều này cũng chứng tỏ một quy luật mang tính thị trường, cũng là bản chất của FDI, là tìm kiếm điểm đến đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Có được công thức riêng để thu hút FDI, tuy nhiên, nếu Việt Nam không tận dụng được lợi thế từ công thức này, nhà đầu tư có thể chuyển sang Ấn Độ, Bangladesh hay bất cứ quốc gia nào khác làm tốt hơn.