Cơ hội 'chưa từng có' trong thu hút FDI công nghệ cao
Phạm Sơn
Thứ tư, 05/10/2022 - 14:40
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn chưa từng có để trở thành cứ điểm quan trọng cho chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, theo nhận xét của GS.TS Nguyễn Mại.
Với bộ đồ nghề đơn giản gồm một chiếc hộp gỗ, vài lọ xi, vài chiếc khăn, bàn chải, nghề đánh giày đã tạo ra sinh kế cho nhiều người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là những người già hay trẻ em cơ nhỡ. Ít ai biết được rằng, nghề đánh giày ấy đã từng đứng trước nguy cơ biến mất khi cán bộ, công nhân viên chức ở Việt Nam chỉ quen… đi dép.
GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), kể lại, “ông tổ” của nghề đánh giày, góp phần hồi sinh ngành đánh giày là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhờ vào việc yêu cầu cán bộ, viên chức “bỏ dép đi giày” khi tiếp và làm việc với doanh nghiệp nước ngoài.
Một thay đổi nhỏ đó nhưng lại là minh chứng cho tác động của doanh nghiệp nước ngoài tới nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ vốn đầu tư, tạo việc làm, tiếp thu công nghệ mà còn tác động tới văn hóa kinh doanh, thay đổi cách nghĩ, cách làm việc của doanh nghiệp nội.
Dấu ấn FDI trong hơn 30 năm phát triển
Năm 1987, sau chưa đầy 1 năm thực hiện đường lối Đổi mới, Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên của Việt Nam đã chính thức được ban hành, sớm hơn 3 năm so với Luật Doanh nghiệp.
Chỉ hơn 30 năm sau đó, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành quốc gia đứng thứ 18 toàn thế giới về thu hút FDI. Lũy kế từ năm 1998 đến hết tháng 8 năm 2022, Việt Nam có khoảng gần 36 nghìn dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng lý 430 tỷ USD, tổng vốn thực hiện khoảng 264 tỷ USD.
Dấu ấn của cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam ngày càng trở nên rõ nét khi chiếm đến 55% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành và phát triển một số ngành đặc thù như khai thác dầu khí, công nghệ thông tin, điện tử, xe máy, ô tô, kinh doanh khách sạn 5 sao…
Doanh nghiệp nước ngoài đang tạo ra việc làm trực tiếp với thu nhập tương đối cao cho khoảng 5 triệu lao động, tạo việc làm gián tiếp cho 10 triệu lao động. Khu vực này cũng chiếm 18% thu ngân sách, đóng góp 20% vào GDP cả nước.
Samsung là một trong số những tập đoàn đa quốc gia tiêu biểu đã đồng hành với nền kinh tế Việt Nam. Bắt đầu đầu tư tại Việt Nam vào năm 2006 với nhà máy trị giá 650 triệu USD tại Bắc Ninh, sau 16 năm, tổng vốn đầu tư của Samsung vào Việt Nam đã lên đến 17,7 tỷ USD, tức là tăng gấp gần 30 lần.
Cũng bắt đầu triển khai đầu tư vào năm 2006, Intel cũng là một ông lớn ngành điện tử in đậm dấu ấn tại thị trường Việt Nam. Đến nay, Intel biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm sản xuất lớn nhất toàn cầu. Đặc biệt, với dự án trị giá 1,5 tỷ USD để sản xuất chất bán dẫn mới đây, tập đoàn Intel đã đưa Việt Nam tham gia cuộc đua “nóng” nhất thế giới hiện nay, là xu thế mà những ông lớn đang theo đuổi.
Cùng với nhiều cái tên lớn khác như LG, Foxconn, Panasonic, HP… Việt Nam đã và đang định hình trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu, không chỉ ở công đoạn sản xuất, lắp ráp, gia công mà còn cả hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), với việc một số tập đoàn lớn đang xây dựng trung tâm R&D tại Việt Nam.
Một thực trạng hay được chỉ ra trong ngành điện tử là giá trị gia tăng chủ yếu đến từ doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nội chỉ chủ yếu thực hiện công đoạn gia công có giá trị thấp.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VAFIE, đây không phải là tín hiệu tiêu cực mà là điều tất yếu, bởi bất kể quốc gia nào cũng cần phải “đi từ thấp đến cao” trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng. Hiện tại, doanh nghiệp Việt cũng đang có nhiều dấu ấn riêng trong ngành điện tử, không chỉ làm đại lý cấp 1, cấp 2 cho các tập đoàn lớn mà một số doanh nghiệp tiêu biểu như Viettel, FPT… đã sở hữu riêng những phát minh, sáng chế.
Cơ hội phía trước
Đánh giá cao thành tựu thu hút FDI đã đạt được, theo ông Mại, thời gian tới, cơ hội lớn hơn nữa, “lớn chưa từng có” đang đặt ra cho Việt Nam để tiếp tục thu hút FDI, đặc biệt là dòng vốn bền vững, chất lượng cao.
Cơ hội này đến từ việc nền kinh tế vẫn trụ vững sau 2 năm đại dịch Covid-19, tiếp tục duy trì được lạm phát thấp và tăng trưởng cao trong bối cảnh bất ổn địa chính trị làm gia tăng lạm phát, phản ứng chính sách của nhiều quốc gia đang triệt tiêu động lực tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam cũng tiếp tục nhận được những đánh giá tích cực, điển hình như việc Moody’s mới đây đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2. Tổ chức này khẳng định, năng lực cạnh tranh ngày càng nâng cao và sự tham gia sâu vào chuỗi cung ứng sẽ tạo ra sức mạnh cho nền kinh tế Việt Nam.
Những lợi thế đó giúp Việt Nam trở thành điểm đến sáng giá cho dòng vốn đầu tư nước ngoài theo xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Cơ hội rất lớn, rất triển vọng, rất tích cực, nhưng theo Chủ tịch VAFIE, vấn đề cốt lõi là làm sao để biến cơ hội, triển vọng ấy thành hiện thực.
Giải pháp đầu tiên được ông Mại đưa ra là tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, pháp luật, tránh tình trạng thiếu tính hệ thống, chồng chéo và gây mâu thuẫn. Trong bối cảnh mới, việc hoàn thiện thể chế và pháp luật cần đặc biệt lưu ý tới 3 cam kết toàn cầu của Việt Nam: cam kết đưa mức phát thải carbon ròng về không vào năm 2050 tại COP26; cam kết quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu 15% và cam kết tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thực hiện trách nhiệm xã hội được đưa ra trong các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới.
Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư công nghệ cao đang tìm đến Việt Nam, cũng cần phải có chính sách thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sự hỗ trợ của doanh nghiệp FDI là cách hiệu quả nhất để doanh nghiệp nội nhanh chóng đáp ứng được các điều kiện để tham gia vào chuỗi cung ứng chất lượng cao. Ông Mại lấy ví dụ từ chính việc Samsung xây dựng đội ngũ các nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 tại Việt Nam, thông qua cử cán bộ, chuyên gia trực tiếp đến tư vấn, làm việc với doanh nghiệp Việt.
Một giải pháp đặc biệt quan trọng khác là tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết ách tắc giao thông, giảm thiểu thời gian và chi phí cho logistics, từ đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thực tế, doanh nghiệp khi tìm hiểu đầu tư thường không hỏi về khoảng cách mà hỏi “cần bao lâu” để di chuyển từ nơi sản xuất, kho hàng tới các trạm trung chuyển giao thông (sân bay, cảng biển…).
Cải cách và cắt giảm thủ tục hành chính tiếp tục là việc cần được đẩy mạnh. Trong bối cảnh mới, Nghị quyết 50 được Bộ Chính trị ban hành năm 2019 đặt ra nhiệm vụ phải đa dạng hóa nhà đầu tư, không chỉ từ châu Á mà phải tăng cường vốn đầu tư đến từ Âu, Mỹ.
Ông Mại nhận định, để thu hút FDI từ châu Âu, châu Mỹ, cần phải thay đổi cách tiếp cận, cách làm việc, trong đó cốt lõi là giảm thiểu thủ tục hành chính và loại bỏ hiện tượng tham nhũng vặt. Mặt khác, công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng là yếu tố cần được lưu tâm.
Đây là hai động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu và thu hút FDI sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong cuối năm và cả năm 2023 khi nhu cầu trên thế giới có nguy cơ giảm mạnh do suy thoái kinh tế và lạm phát cao.
Bên cạnh thúc đẩy cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh Quảng Ninh còn ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các bộ, ngành và địa phương cần xác định và ưu tiên đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với những lĩnh vực có tiềm năng thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp phụ trợ, những lĩnh vực Việt Nam chưa thể đáp ứng trong chuỗi cung ứng.
Thay vì cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo nhiều chuyên gia, các địa phương có thể lựa chọn thu hút FDI phù hợp với lợi thế, đặt vào bối cảnh phát triển kinh tế chung của vùng, khu vực, từ đó tạo ra tác động lan tỏa và lợi ích to lớn hơn rất nhiều.
Chính phủ yêu cầu, việc sửa Luật Điện lực cần cập nhật đầy đủ các nội dung vướng mắc hiện nay, với tinh thần mở ra không gian để phát triển nhưng phải quản lý được.
Đây là kết luận của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Minh Sơn tại buổi làm việc với chủ đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành hôm 2/11.