Vị trí của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng 4.0

Phương Linh - 11:40, 17/10/2019

TheLEADERDoanh nghiệp sẽ nắm vai trò dẫn dắt trong cuộc cách mạng công nghiệp mới, cần tư duy chấp nhận rủi ro và đầu tư lâu dài cho khoa học công nghệ.

Trong làn sóng cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam được nhận định có nhiều lợi thế và dư địa để phát triển khi sở hữu hơn 64 triệu dân sử dụng Internet, cao hơn mức trung bình thế giới.

Cùng với đó, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin tăng 54 bậc trong năm 2019, chỉ số năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 12 bậc sẽ thúc đẩy chuyển đổi số thuận lợi hơn.

Mặc dù bước đầu có những kết quả khả quan, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit 2019) cho rằng, Việt Nam đang rất cần những sản phẩm “sáng tạo tại Việt Nam” (Created in Việt Nam) chứ không chỉ Made in Vietnam hay Make in Vietnam.

Ông lưu ý khởi nghiệp là yêu cầu của tất cả các doanh nghiệp chứ không phải của chỉ riêng các doanh nghiệp mới thành lập.

Khởi nghiệp là việc thường xuyên của cả những doanh nghiệp dù đã tồn tại hàng chục, thậm chí hàng trăm năm trên thị trường. Khởi nghiệp không chỉ là việc của những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa mà còn là công việc hàng ngày của cả những người khổng lồ trong nền kinh tế.

Vị trí của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng 4.0
Chủ tịch VCCI cho rằng cần nâng cao gắn kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa.

Trong cuộc cách mạng mới, doanh nghiệp sẽ giữ vai trò dẫn dắt và con người ở vị trí trung tâm. Chính vì vậy, hệ thống đào tạo không thể phát triển nếu không có vai trò của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp phải là người định hướng cho nền giáo dục, giáo dục phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế. Chúng ta định hướng giáo dục theo nhu cầu của thị trường. Doanh nghiệp là nhà đầu tư vào giáo dục, đào tạo. Các doanh nhân, kỹ sư phải trở thành giảng viên. Phải gắn học với hành, gắn xưởng với trường”, ông Lộc nhấn mạnh.

Cùng với đó, các doanh nghiệp FDI phải gắn kết với các doanh nghiệp nội địa, gắn bó với các cơ sở đào tạo và các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam để hình thành hệ sinh thái cộng sinh cùng phát triển.

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, trong quá trình thực hiện chuyển đổi công nghệ và đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp sẽ gặp phải nhiều rủi ro.

Rủi ro nhiều thì lợi nhuận lớn và các doanh nghiệp đều hiểu khi kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro.

Bên cạnh đó, ông đánh giá phần lớn doanh nghiệp sản xuất hiện nay đang ở mức 2.0 – 3.0, phần nhiều là 2.5. Do đó, không thể nhảy vọt một bước lên 4.0 nếu không tập trung vào bắt kịp công nghiệp trước đó là 3.0 - 3.5.

Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu đang ở mức đổi mới công nghệ, tức là mua dây chuyền, máy móc, thiết bị về vận hành nhưng khi thế hệ công nghệ mới ra đời doanh nghiệp lại phải mua mới.

Dù sở hữu mức công nghệ cao nhất nhưng năng lực công nghệ lại được đánh giá ở mức thấp nhất. Thứ trưởng Duy khẳng định: “Doanh nghiệp muốn đi nhanh thì phải cập nhật nhanh, và nếu muốn đi xa thì cần phải làm chủ và hấp thụ công nghệ”.

Đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp đang chiếm số lượng chủ đạo trong nền kinh tế, ngoài việc đổi mới, hấp thụ công nghệ thì cần chú trọng đổi mới quy trình.

Khi công nghệ được cập nhật mà hệ thống quản lý không được đổi mới, doanh nghiệp sẽ không thể tận dụng được hiệu quả từ công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm, nâng cao năng suất lao động.

Ông khuyến nghị các doanh nghiệp cần đưa ra những yêu cầu, hiến kế cụ thể cho việc thay đổi chính sách và cần có tư duy chấp nhận rủi ro, đầu tư lâu dài cho khoa học công nghệ.

Về phía cơ quan chức năng, ông cho rằng cần phải tháo gỡ các rào cản, vướng mắc và sự không đồng bộ giữa các quy định, điều luật, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.