Việt Nam: 'Con hổ' kinh tế mới nhất của châu Á

Hồng Hải - 09:08, 15/08/2018

TheLEADERNhững thành tựu rực rỡ về tăng trưởng kinh tế thời gian gần đây đã giúp Việt Nam được nhận định là "con hổ" kinh tế đang nổi lên mạnh mẽ tại khu vực châu Á.

Việt Nam: 'Con hổ' kinh tế mới nhất của châu Á
Xuất khẩu của Việt Nam đã có những bước tiến dài thời gian gần đây. Ảnh: VGP

Trong những thập niên 1970, 1980, các nền kinh tế được xem là "con hổ" của châu Á bao gồm Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và Hong Kong. Danh hiệu này sau đó đã được truyền cho thế hệ sau với những cái tên Thái Lan, Malaysia, Indonesia và gần hơn là Ấn Độ.

Trong bình luận kinh tế hàng tuần của Ngân hàng Trung ương Qatar (QNB) được đưa ra mới đây, Việt Nam được đánh giá là "con hổ" mới nhất của châu Á nhờ vào những dữ liệu cho thấy một nền kinh tế đang bùng nổ và phát triển gần như nhanh nhất thế giới trong năm nay. 

Một loạt chỉ số đang cho thấy sự đi lên mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam. GDP tăng trưởng 7,1% trong 6 tháng đầu năm 2018, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Lĩnh vực sản xuất gia tăng với tốc độ 13,1%, xây dựng đóng vai trò hỗ trợ mạnh với tốc độ tăng 7,9% so với cùng kỳ.

Theo các nhà phân tích của QNB, tăng trưởng sản xuất đã kéo theo xuất khẩu tăng vọt. Nửa đầu năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, vượt mức 17% của cả năm 2017.

Theo nhận định của QNB, thành công của công nghiệp chế tạo và xuất khẩu xuất phát từ khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực như may mặc, giày dép và đặc biệt là điện tử. Ước tính rằng hiện nay cứ 10 điện thoại thông minh trên thế giới thì có 1 chiếc được sản xuất tại Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2018, khoảng 13 tỷ USD dòng vốn FDI đã chảy vào Việt Nam.

Sự thành công của kinh tế Việt Nam càng đáng chú ý hơn khi diễn ra giữa thời điểm nhiều nền kinh tế đang phát triển khác phải vật lộn để bắt kịp với sự thành công của những "con hổ" châu Á trước đây như Singapore hay Hàn Quốc mà vẫn phải đảm bảo tăng trưởng bền vững của chế tạo và xuất khẩu.

Ví dụ, xuất khẩu của Ấn Độ đã vấp phải nhiều khó khăn trong những năm gần đây dù cho các khía cạnh kinh tế khác vẫn sôi động.

Nền tảng để thành công của Việt Nam rất rõ ràng: nhân khẩu học thuận lợi, mức lương thấp, ổn định chính trị, vị trí địa lý, sự tiệm cận với các chuỗi cung ứng lớn toàn cầu, đặc biệt trong ngành điện tử.

Tuy vậy, những yếu tố này chỉ giải thích một phần thành công của Việt Nam. Nghiên cứu gần đây từ Viện Brookings (Mỹ) nhấn mạnh khả năng xây dựng trên những nền tảng vững chắc thông qua các chính sách chính là điều giúp Việt Nam khác biệt.

Có ba yếu tố đặc biệt quan trọng.

Thứ nhất, trong khi nhiều người phương Tây đang đặt ra câu hỏi về lợi ích của thương mại tự do, Việt Nam đã liên tục theo đuổi tự do hóa thương mại ở cả đa phương và song phương. Các hiệp định thương mại đã giúp giảm đáng kể thuế quan mà xuất khẩu phải đối mặt, giúp Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và thúc đẩy hơn nữa các khoản đầu tư từ FDI.

Thứ hai, sự đầu tư ấn tượng vào vốn nhân lực thông qua giáo dục.

Thứ ba, đầu tư vào nguồn nhân lực được hỗ trợ bởi tiến bộ trong cải thiện môi trường kinh doanh. Việt Nam đã liên tục gia tăng thứ hạng trên bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh cũng như các khảo sát về kinh doanh.

Tuy vậy, bản chất của sự thành công đang mang lại những lỗ hổng và thách thức trong tương lai.

FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dệt may và điện tử, tạo ra các công việc có ít kỹ năng với mức lương khá thấp và hầu như không gia tăng giá trị. Điều này khiến Việt Nam sẽ bị tổn thương trong chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong ngắn hạn, giống như nhiều nền kinh tế châu Á khác tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu điện tử như Hàn Quốc, Đài Loan.

Về lâu dài, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ nhạt dần khi mức lương và mức sống được cải thiện.

Những động lực phát triển kinh tế mới sẽ phải được tìm ra để đảm bảo "con hổ" kinh tế mới của châu Á không rơi vào nguy cơ tuyệt chủng trong vài năm tới.