Việt Nam đón thêm 2 tân binh gọi xe nội

Việt Hưng - 19:00, 21/02/2020

TheLEADERHiện có hơn 10 ứng dụng gọi xe đã và đang hoạt động tại Việt Nam gồm: vận tải hành khách, giao hàng, giao đồ ăn... Dự kiến, trong năm 2020 này, sẽ có thêm ít nhất 2 hãng gọi xe nội tham chiến thị trường tỉ USD là: Unicar và Zuumviet.

Dù mới xuất hiện tại Việt Nam chưa đầy 5 năm, nhưng lĩnh vực gọi xe đã phát triển nhanh chóng, hiện đạt quy mô lên tới 1,1 tỷ USD. Giai đoạn 2015 - 2019, trung bình mỗi năm thị trường gọi xe ở Việt Nam tăng trưởng 57% - cao nhất ở Đông Nam Á.

Tới năm 2025, dự báo sân chơi này sẽ đạt ngưỡng 4 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 38%/năm. Điều này giải thích tại sao, Việt Nam liên tục thu hút đầu tư của các ông lớn quốc tế, lẫn trong nước như Grab, Go-Viet, FastGo hay Be...

Tính sơ bộ, hiện có hơn 10 ứng dụng gọi xe đã và đang hoạt động tại Việt Nam gồm: vận tải hành khách, giao hàng, giao đồ ăn... Dự kiến, trong năm 2020 này, sẽ có thêm ít nhất 2 hãng gọi xe nội tham chiến thị trường tỉ USD là: Unicar và Zuumviet.

Theo tìm hiểu, Unicar là ứng dụng gọi xe do một nhóm khởi nghiệp tại Nghệ An phát triển và ra mắt từ cuối năm 2018, với các dịch vụ cơ bản như: gọi xe, vận chuyển hàng hóa, thuê xe với chi phí giá rẻ.

Việt Nam đón thêm 2 tân binh gọi xe nội
Unicar hiện đang được thử nghiệm hoạt động tại thành phố Vinh, Nghệ An

Cụ thể, Unicar đưa ra các tiện ích như: Uni Car (dịch vụ đưa đón tận nơi bằng xe hơi), Uni Bike (dịch vụ đưa đón bằng xe máy), Uni Fast (giao hàng nhanh), Uni Truck (vận tải ký gửi hàng hóa), Uni Rent (cho thuê xe tự lái).

Ứng dung Unicar hiện đang được thử nghiệm hoạt động tại thành phố Vinh, Nghệ An từ cuối năm 2019, và dự kiến sẽ mở rộng ra Huế và Đà Nẵng trong thời gian tới.

Trong khi đó, ZuumViet có xuất phát điểm muộn hơn và đang trong quá trình tuyển dụng tài xế để chuẩn bị ra mắt ứng dụng. Các dịch vụ của ZuumViet bao gồm ZuumBike (xe máy), ZuumCar (4 chỗ, 7 chỗ) và ZuumLux (ứng dụng gọi xe sang như Audi, BMW).

Trên trang thông tin ZuumViet, hãng này đưa ra mức chiết khấu đối với tài xế là 25% (đã bao gồm các mức thuế thu nhập cá nhân, các mức thuế khác áp dụng cho tài xế theo luật thuế hiện hành...).

Hiện chưa rõ quy mô, cũng như mức độ đầu tư của 2 ứng dụng gọi xe là Unicar và ZuumViet, nhưng dễ thấy đây là một cuộc chơi khốc liệt, nhất là khi thị trường gọi xe trong nước đã bắt đầu định hình và có sự phân cấp mạnh mẽ.

Việt Nam đón thêm 2 tân binh gọi xe nội 1
ZuumViet có trụ sở tại quận Tân Bình, TP. HCM

Theo báo cáo gần nhất của ABI Research, Grab đứng đầu thị trường Việt Nam về số lượng cuốc xe hoàn thành. Theo đó, nửa đầu năm 2018, nền tảng này hoàn thành hơn 146 triệu cuốc xe, gấp gần 5 lần so với đối thủ thứ hai là Be (hơn 31 triệu cuốc).

Cũng theo số liệu này, Go-Viet đã hoàn thành gần 21 triệu cuốc xe, còn FastGo là gần 2,4 triệu cuốc, lần lượt đứng thứ 3 và thứ 4 tại thị trường gọi xe Việt Nam. Các ứng dụng gọi xe khác chỉ chiếm tổng cộng hơn 200 ngàn cuốc.

Cách đây ít ngày, Bộ GTVT đã có quyết định dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (như Grab, FastGo,...) từ ngày 1/4/2020.

Trong đó, Bộ GTVT nhấn mạnh và tập trung vào việc yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Điều 35 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP.