Việt Nam là địa điểm đầu tư điện than hàng đầu của Trung Quốc

Hương Vũ - 10:51, 23/01/2019

TheLEADERViệt Nam xếp thứ hai về công suất điện than được tài trợ từ Trung Quốc và xếp thứ tư về tổng giá trị với 3,6 tỷ USD.

Theo báo cáo “Trung Quốc ở ngã tư đường: Hỗ trợ liên tục cho điện than làm suy yếu vai trò lãnh đạo năng lượng sạch của Trung Quốc” mới đây của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), Trung Quốc là nhà tài trợ cho hơn một phần tư (102GW) trong tổng sống 399GW công suất nhiệt điện than hiện đang được phát triển bên ngoài nước này.

Trong số 27 quốc gia có dự án nhiệt điện than nhận đầu tư từ Trung Quốc, Việt Nam xếp thứ hai sau Bangladesh về công suất được cam kết đầu tư với 13.380MW, xếp thứ tư về tổng giá trị với 3,6 tỷ USD tính đến tháng 7/2018.

Hầu hết các dự án đã được thúc đẩy phát triển với 4.800MW đang trong quá trình xây dựng và 3.000MW khác được cấp phép. 42% số công suất còn lại đã được Trung Quốc cam kết tài trợ.

Khác với Bangladesh, rất ít dự án đề xuất tại Việt Nam liên quan đến sở hữu chung mà thay vào đó là Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (Hợp đồng EPC) hay Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Là một trong những quốc gia đi đầu về tài trợ năng lượng sạch năm 2017, Trung Quốc lại đang cho thấy sự mâu thuẫn với mức đầu tư gia tăng vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than.

Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) Nguỵ Thị Khanh, người được trao giải thưởng môi trường Goldman 2018, nhấn mạnh: “Việt Nam đang ở một thời điểm quan trọng trong quỹ đạo tăng trưởng của đất nước. Nếu chúng ta chọn con đường phát triển nhiệt điện than, tình trạng ô nhiễm không khí độc hại vốn đã bao trùm các thành phố của chúng ta sẽ trở nên tồi tệ hơn, buộc chúng ta phải sống như những công dân hạng hai trong nhiều thập kỷ tới”.

“Đầu tư của Trung Quốc có tiềm năng định hình Đông Nam Á, nhưng khi làm như vậy, họ phải đầu tư vào năng lượng tái tạo sạch, không tạo gánh nặng cho chúng ta bằng than bẩn”.

Đồng tác giả báo cáo, bà Melissa Brown, chuyên gia tư vấn tài chính năng lượng của IEEFA, cho biết tài trợ cho các dự án nhà máy điện than khiến Trung Quốc và 27 quốc gia phụ thuộc vào tài trợ của Trung Quốc ngày càng phải đối mặt với kết quả kinh tế tồi tệ khi các quốc gia rời xa điện than.

“Mô hình dự báo bảo thủ nhất của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cũng cho thấy có lý do chính đáng để tin rằng giao thương về than đá toàn cầu sau năm 2018 sẽ giảm sút. Nhiệt điện than khiến các nước nhập khẩu mắc kẹt vào những năm tháng không chắc chắn về giá điện khi giá than bất ổn. Ngược lại, năng lượng tái tạo đang được hưởng lợi từ những cải tiến công nghệ khổng lồ và có tác động khiến cho giá điện giảm”.

Báo cáo cho thấy hầu hết tài trợ cho nhiệt điện than bên ngoài Trung Quốc đang được cung cấp bởi các ngân hàng nước này, hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc xây dựng với lực lượng lao động chủ yếu là người Trung Quốc.

“Những quốc gia chấp nhận tài trợ cho nhiệt điện than từ Trung Quốc đang nhận được một thỏa thuận tồi tệ từ các tổ chức cho vay của nhà nước Trung Quốc vì tổng chi phí là quá đắt khi so sánh với đầu tư vào các giải pháp thay thế năng lượng tái tạo đang giảm giá”, đồng tác giả Christine Shearer nhấn mạnh.