Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu quản lý thuế xuyên biên giới ở Đông Nam Á

Nhật Hạ - 10:50, 30/09/2022

TheLEADERQuá trình chuyển đổi số trong quản lý thuế được thực hiện khá nhanh, nhờ đó, khi những hoạt động giao dịch không còn là vật lý, cơ học bình thường nữa mà chuyển sang môi trường mạng thì công cụ quản lý thuế của Việt Nam cũng đã thay đổi để thích nghi, GS. TS Hoàng Văn Cường nhận định.

Thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh, kéo theo việc quản lý của cơ quan nhà nước nói chung và trong đó có vấn đề liên quan đến quản lý thu thuế, từ đó đặt ra một thách thức rất lớn.

Tuy nhiên, đây không phải là thách thức nói riêng của Việt Nam mà với cả các nước phát triển. Trên thế giới, việc quản lý thu thuế với hệ thống thương mại điện hiện cũng đang rất lúng túng, đặc biệt là vấn đề kinh doanh xuyên biên giới, GS.TS Hoàng Văn Cường thông tin tại tọa đàm “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều nay.

Tuy vậy, ông nhận định việc quản lý thuế trên thương mại điện tử của Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu quản lý thuế xuyên biên giới ở Đông Nam Á
GS.TS Hoàng Văn Cường. Ảnh: Nhật Bắc

Ngành thuế là ngành tiên phong, tích cực trong chuyển đổi số của Việt Nam. Quá trình chuyển đổi số trong quản lý thuế được thực hiện khá nhanh, vì vậy khi những hoạt động giao dịch không còn là vật lý, cơ học bình thường nữa mà chuyển sang môi trường mạng thì công cụ quản lý thuế của Việt Nam cũng đã thay đổi để thích nghi.

Và cũng nhờ đó, Việt Nam được đánh giá là một trong 4 nước đi đầu ở khu vực Đông Nam Á về việc quản lý thuế xuyên biên giới thông qua việc các nhà mạng phải kê khai thuế trên Cổng thông tin điện tử, GS.TS Hoàng Văn Cường cho biết.

Theo đó, “chúng ta khá tiên phong, nắm bắt được những công nghệ quản lý mới trên thế giới. Ngay trong lĩnh vực quản lý nhà nước, ở giai đoạn đầu xuất hiện những sản phẩm dịch vụ được kinh doanh thông qua nền tảng số như Uber, Grab, không biết nó là hàng hóa gì, kinh doanh thế nào nhưng đến nay chúng ta đã có đầy đủ các công cụ pháp lý để thực hiện thu thuế các hoạt động dịch vụ này”, theo ông Cường.

'Hàng rào' pháp lý mà ngành thuế Việt xây dựng cho thương mại điện tử 

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay chính sách thuế cũng đã có quy định về tổ chức, cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử.

Theo đó, tổ chức, cá nhân trên thương mại điện tử sẽ tự kê khai và nộp thuế theo quy định, cơ quan thuế đóng vai trò hướng dẫn tuyên truyền là chính.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng có những cơ chế kiểm soát, trong trường hợp người nộp thế cố tình không kê khai thì sẽ có chế tài cụ thể. Nếu có dấu hiệu trốn thuế, cơ quan thuế sẽ chuyển vụ việc sang cơ quan công an, các cơ quan pháp luật khác để xử lý.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, các chính sách về thuế đã được hướng dẫn rất đầy đủ và đến thời điểm này chính sách thuế khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, để các chính sách thuế được thực thi hiệu quả, cần có sự phối hợp các đơn vị liên qua, đặc biệt là để đồng nhất chính sách thuế cho hoạt động thương mại điện tử.

Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu quản lý thuế xuyên biên giới ở Đông Nam Á 1
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế. Ảnh: Nhật Bắc

Theo bà Lan Anh, ngành thuế đang triển khai đồng bộ 8 biện pháp quản lý thuế đối với thương mại điện tử:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế tự kê khai trên cổng thông tin điện tử của ngành thuế.

Thứ hai, tích cực tham gia đàm phán Hiệp định đa phương về phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập từ hoạt động kinh tế số.

Thứ ba, hoàn thiện quy định, chính sách pháp luật về thuế để tăng cường khả năng trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh thông qua sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để quản lý thuế.

Thứ tư, tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế (nhà cung cấp nước ngoài, sàn thương mại điện tử...) theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Theo đó, nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện khai thuế, nộp thuế, ngày 21/3/2022, Bộ Tài chính đã chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và triển khai Ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho các cá nhân.

Thứ năm, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử; áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Lúc đó xử lý dữ liệu lớn ở đây gồm cả quản lý các dữ liệu về công tác quản lý thuế và dữ liệu về hóa đơn điện tử.

Thứ sáu, xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước và người nộp thuế, các sàn giao dịch thương mại điện tử để tạo điều kiện cho việc kê khai nộp thuế 24/7.

Thứ bảy, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối chiếu thông tin phát hiện ra những vi phạm của người nộp thuế từ đó có những kiến nghị xây dựng chính sách phù hợp hơn.

Thứ tám, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để trao đổi, kết nối thông tin, xây dựng chính sách pháp luật đồng nhất trong quản lý hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là đối với Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Công thương. Thời gian qua Bộ Tài chính đã có chỉ đạo Tổng cục thuế phối hợp ký những thỏa thuận công tác xây dựng pháp luật cũng như kết nối thông tin.