‘Việt Nam phải tránh xa nguồn đầu tư không mang lại cạnh tranh’

Nhật Hạ - 17:46, 16/05/2022

TheLEADERGiáo sư của Harvard cho rằng muốn trở thành nền kinh tế đáng tin cậy trong bối cảnh thu hút FDI ngày càng khó hơn, Việt Nam phải tránh xa nguồn đầu tư không mang lại cạnh tranh.

GS Kinh tế tại Đại học Harvard - David Dapice đánh giá việc tham gia những hiệp định thương mại quốc tế là thành công lớn của Việt Nam. 

Hàng triệu người lao động nông nghiệp đã vào nhà máy. Tuy nhiên, điểm yếu là phần lớn nguyên liệu sản xuất đều nhập từ Trung Quốc. Khi Covid-19 xảy ra, biên giới đóng cửa hay khi có căng thẳng thương mại sẽ ảnh hưởng đến hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Do đó, "cần phát triển đầu vào trong nước, đa dạng hóa nguồn phục vụ xuất khẩu", GS. David Dapice cho biết.

Theo ông, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ năm nay có thể lên 100 tỷ USD. Con số này so với Mỹ là nhỏ, nhưng Việt Nam cần liên tục trao đổi để tránh bị cho là thao túng tiền tệ.

Bên cạnh đó, "thu hút FDI ngày càng khó hơn. Hãy làm sao cho năng lượng tái tạo hiện hữu, tạo lợi thế cạnh tranh so với ASEAN. Đồng thời, muốn trở thành nền kinh tế đáng tin cậy, phải tránh xa nguồn đầu tư không mang lại cạnh tranh cho Việt Nam” GS. David Dapice gợi ý tại tọa đàm chính sách tại Đại học Harvard ngày 14/5 với sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Cùng với đó, nền kinh tế phải được duy trì độ mở cần có, đặc biệt là vấn đề thông tin trao đổi. Khi có độ mở sẽ thu hút nhiều tài năng hơn, nhà đầu tư có thể cảm thấy thoải mái với môi trường kinh doanh không bị cấm đoán.

Mặt khác, đặc thù của Việt Nam là có nhiều tỉnh ở khu vực xa không có cơ sở hạ tầng thuận lợi, khó thu hút FDI. GS. David Dapice đề nghị sử dụng những thử nghiệm mới về thuế bất động sản, cho phép địa phương sử dụng thuế bất động sản để đầu tư mà không dùng ngân sách quốc gia.

‘Việt Nam phải tránh xa nguồn đầu tư không mang lại cạnh tranh’
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam dự và phát biểu tại tọa đàm chính sách tại Đại học Harvard, thành phố Cambridge, bang Massachusetts - Ảnh: VGP

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá hội nhập kinh tế mang lại nhiều cơ hội nhưng Việt Nam cũng phải đối mặt không ít thách thức. Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường phân tích dự báo để đưa ra chính sách đồng bộ, phù hợp thực tiễn. Việt Nam kiên quyết không dùng chính sách tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh trong thương mại.

"Với sự kiên định đó, nhiều năm kết quả kiểm soát lạm phát của Việt Nam rất ấn tượng, đi đôi với tốc độ tăng trưởng khá cao. Thị trường ngoại hối ổn định, là điểm sáng để Việt Nam nâng cao vị trí trong xếp hạng tín nhiệm", bà Hồng cho biết.

Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng muốn phát triển bền vững thì không chỉ có kinh tế bền vững, mà còn phải bền vững trong văn hóa, xã hội, con người. Việt Nam xác định mục tiêu lấy người dân làm chủ thể, mọi chính sách đều xoay quanh người dân, đem lại lợi ích cho nhân dân.

"Việt Nam thấy rằng phát triển nhanh và bền vững phải dựa trên động lực mới. Ngoài thể chế, hạ tầng, phải bổ sung hai động lực mới trong ba đột phá là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và giá trị văn hóa con người Việt Nam", ông Dũng nhấn mạnh.

Trả lời thắc mắc của các giáo sư, nghiên cứu sinh tại tọa đàm về việc khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đổi mới sáng là quan điểm nhất quán của Việt Nam, phải có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.

"Phải có hệ sinh thái về đổi mới sáng tạo, trước hết phải có thể chế, nguồn lực, con người, làm sao để mỗi người hào hứng tham gia đổi mới sáng tạo. Đồng thời, phải có sự chung tay hợp tác quốc tế mới tạo ra được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, về các giải pháp để hạn chế tác động từ thượng nguồn tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng cho biết trong cuộc thảo luận với tổng thống Joe Biden ở khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt cũng đề cập nội dung này. Đây là vấn đề của khu vực nên cần có sự chung tay của các nước, và tác động đến người dân nên phải kêu gọi người dân cùng quan tâm.

Thủ tướng cho biết quy mô nền kinh tế Việt Nam không ngừng mở rộng thời gian qua, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN; một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; có mạng lưới 15 hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã có hiệu lực...

Việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện nay, Thủ tướng nêu rõ.

Trong đó, Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán là kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả với bên ngoài. Đường lối đổi mới dựa trên 3 trụ cột gồm: Xóa quan liêu bao cấp, thực hiện đa sở hữu và hội nhập. 

Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của các doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro và tuân thủ pháp luật. Việt Nam mong muốn là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế và những thách thức toàn cầu vì sự thịnh vượng chung, Thủ tướng nhấn mạnh.