Dấu hiệu chững lại trong thu hút FDI mới

Nhật Hạ - 12:31, 28/04/2022

TheLEADERMặc dù Covid-19 gần như không còn là 'rào cản' trong các hoạt động tại Việt Nam, nhưng việc thu hút các dự án FDI mới đang có dấu hiệu chững lại, trong khi đó số vốn đăng ký mới cũng sụt giảm mạnh.

Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm nay đạt trên 10,8 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2021, theo Bộ Kế hoạch đầu tư tính đến ngày 20/4/2022.

Trong đó, tuy vốn đăng ký mới giảm 56,3%, nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh lần lượt là 92,5% và 74,5%.

Cụ thể, 454 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT), tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký dự án mới đạt gần 3,7 tỷ USD, giảm 56,3%.

Việc sụt giảm mạnh về vốn đăng ký mới đã được lãnh đạo Tổng cục Thống kê vào cuối tháng 3 lý giải rằng do được so sánh trên nền tăng cao vì yếu tố đột biến của cùng kỳ năm ngoái với 2 dự án tỷ đô đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký đạt 4,41 tỷ USD gồm dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) và dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản). 

Đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư có 323 lượt dự án, tăng 22,8%. Tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 5,29 tỷ USD, tăng 92,5%.

Góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.026 lượt, giảm 11% so với cùng kỳ. Tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,83 tỷ USD, tăng mạnh 74,5%.

Theo lĩnh vực đầu tư, từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư ngoại đã đầu vào 18/21 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu. Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn, bán lẻ; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ.

Báo hiệu sự chững lại trong thu hút các dự án FDI mới

Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 28,6%, 25,8% và 18,1% tổng số dự án.

Theo đối tác đầu tư, 72 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam trong năm nay, với Singapore dẫn đầu. Theo sau là Hàn Quốc, Đan Mạch.

Báo hiệu sự chững lại trong thu hút các dự án FDI mới 1

Tuy nhiên, về số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần nhất trong năm nay khi chiếm 19% số dự án mới, 34% số lượt điều chỉnh và 37% số lượng góp vốn mua cổ phần.

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào 44 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Bình Dương giữ vị trí dẫn đầu. Tiếp theo là Bắc Ninh, TP.HCM.

Dấu hiệu chững lại trong thu hút FDI mới 2

Nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM chiếm 40% số dự án mới và 70% góp vốn mua cổ phần, Hà Nội chiếm 16% dự án điều chỉnh vốn.

Vốn thực hiện của dự án FDI trong 4 tháng đầu năm nay ước đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tiếp tục tăng. Xuất khẩu (kể cả dầu thô) 4 tháng qua ước đạt hơn 91 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 90,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, chiếm 73,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhập khẩu ước đạt gần 80,4 tỷ USD, tăng 19% so cùng kỳ và chiếm 65,8% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Do đó, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 10,75 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 10 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu trên 9,79 tỷ USD.

Trong 4 tháng đầu năm, bốn dự án FDI lớn đã thú hút sự chú ý gồm dự án Công ty TNHH Lego manufaturing Việt Nam (Đan Mạch), tổng vốn đầu tư gần 1,32 tỷ USD với mục tiêu sản xuất đồ chơi và thực hiện quyền xuất nhập khẩu, bán buôn bán lẻ hàng hóa tại Bình Dương (GCNĐKĐT cấp ngày 18/3/2022).

Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ Vsip Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngày 18/01/2022).

Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngành 15/02/2022).

Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại Bắc Ninh (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngành 21/01/2022).