Việt Nam sẽ mở lại đường bay quốc tế từ tháng 12

Nhật Hạ - 17:48, 25/11/2021

TheLEADERThủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam dự kiến mở lại các đường bay quốc tế từ đầu tháng 12/2021, trong đó có đường bay sang Nhật Bản.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 25/11, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) Nobuhiko Sasaki đã kiến nghị một số vấn đề, trong đó có việc mở lại đường bay từ Việt Nam đến Nhật Bản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong cuộc hội đàm trước đó, ông và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã giao các cơ quan chức năng nghiên cứu, mở cửa lại đường bay thẳng giữa hai nước.

Theo Thủ tướng, Việt Nam dự kiến đầu tháng 12 bắt đầu mở lại các đường bay quốc tế, trong đó có đường bay sang Nhật Bản.

Bên cạnh đó, ông cho biết Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hợp tác đầu tư vào hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ tài chính, ngân hàng, đổi mới sáng tạo, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam...

"Chính phủ cam kết sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ, tạo mọi thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, đem lại lợi ích nhiều hơn cho các bên, góp phần đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên tầng cao mới", ông Chính khẳng định.

Thủ tướng đề nghị Jetro tiếp tục phối hợp các cơ quan Việt Nam triển khai hoạt động quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư, cơ hội hợp tác đầu tư của Việt Nam đến các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản.

Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật tăng cường đầu tư vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng; hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, xanh, sạch; hỗ trợ Việt Nam thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia”, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

Việt Nam sẽ mở lại đường bay quốc tế từ tháng 12
Cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) Nobuhiko Sasaki. Ảnh: Nhật Bắc.

Trước các ý kiến của Jetro, Thủ tướng chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam thời gian qua. Ông cho biết Việt Nam đã chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Chính quyền các cấp phải bàn với doanh nghiệp và người dân để triển khai các giải pháp phù hợp tình hình, đưa cuộc sống trở lại bình thường, vừa mở cửa sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống dịch hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản chung tay với phía Việt Nam trong phòng chống dịch, tiếp tục góp phần hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, đầu tư hạ tầng cứng và mềm, hợp tác trong các lĩnh vực như ứng phó biến đổi khí hậu, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Bên cạnh đó, Chủ tịch Jetro cũng báo cáo Thủ tướng về các hoạt động và dịch vụ của tổ chức này tại Việt Nam như số hóa các hoạt động kết nối doanh nghiệp, hội thảo online, tổ chức các hoạt động liên quan đến chuỗi cung ứng, công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam...

Sáng nay, Thủ tướng cũng tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn tài chính lớn của Nhật Bản như quỹ Nippon, tập đoàn MUFG, tập đoàn Infrontneer, ngân hàng JBIC, tập đoàn Idemitsu và ngân hàng Mizuho.

Trong đó, ông Kibe Kazunari, Giám đốc đại diện, Chủ tịch kiêm CEO Infrontneer trình bày với Thủ tướng một số đề xuất liên quan tới các dự án hạ tầng giao thông kết nối giữa TP.HCM và sân bay quốc tế Long Thành.

Thủ tướng khuyến khích Infrontneer tham gia đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên và kêu gọi thu hút đầu tư, như cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án lớn, cần sự tham gia của những nhà thầu có năng lực, uy tín, trình độ.

Thủ tướng đánh giá cao các đề xuất của Infrontneer và đề nghị công ty phối hợp với các cơ quan liên quan trao đổi, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, lên kế hoạch thực hiện dự án, bảo đảm phù hợp theo quy định của pháp luật.

Việt Nam sẽ mở lại đường bay quốc tế từ tháng 12 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp lãnh đạo INFRONEER. Ảnh: Nhật Bắc

Mặt khác, ông Tadashi MAEDA, Thống đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã bày tỏ mong muốn tham gia hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải carbon của Việt Nam; đề xuất giải pháp hỗ trợ tài chính và đầu tư với một số dự án.

Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng hợp tác với JBIC trong quá trình chuyển đổi năng lượng và xây dựng lộ trình giảm phát thải carbon tại Việt Nam.

Việt Nam đang nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng… do đó cần rất nhiều nguồn lực để phát triển.

Tại hội đàm vừa diễn ra, hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất tích cực thúc đẩy các chương trình hợp tác sử dụng ODA cơ sở ưu đãi, thủ tục tinh giản tối đa và linh hoạt trong quá trình thực hiện. Nhật Bản cũng đang triển khai Sáng kiến chuyển dịch năng lượng châu Á do Nhật Bản đề xuất với trị giá 10 tỷ USD.

Thủ tướng đề nghị JBIC xem xét hỗ trợ tài chính ưu đãi nhất có thể; triển khai hoạt động đầu tư; hỗ trợ hoạch định chính sách, quy hoạch, chiến lược… tại Việt Nam trong quá trình phát triển.

Tại cuộc gặp Thủ tướng, ông Shunichi Kito, Tổng giám đốc Tập đoàn Idemitsu nêu một số đề nghị liên quan đến dự án lọc dầu Nghi Sơn.

Thủ tướng cho biết, trên tinh thần hợp tác vì lợi ích chung, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ các nhà đầu tư có các giải pháp đồng bộ, cụ thể để tháo gỡ khó khăn và sớm đưa dự án đi vào vận hành ổn định, hiệu quả, trở thành biểu tượng hợp tác giữa 3 nước Việt Nam, Nhật Bản và Kuwait. Thủ tướng cũng đề nghị và Tổng giám đốc Idemitsu khẳng định tập đoàn sẽ có tiếp tục triển khai các dự án đầu tư, hợp tác mới vào Việt Nam thời gian tới.

Tiếp ông Tatsufumi Saka, Tổng Giám đốc của Ngân hàng Mizuho, Thủ tướng đánh giá cao các hoạt động hợp tác của Mizuho đã góp phần đưa Vietcombank trở thành ngân hàng có thương hiệu trong khu vực.

Ông cho biết, Việt Nam khuyến khích các ngân hàng nước ngoài hợp tác, tham gia cơ cấu lại các ngân hàng của Việt Nam và mong muốn hoạt động hợp tác giữa Mizuho và Vietcombank sẽ trở thành một hình mẫu trong quá trình này.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản sáng 25/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao đổi 44 văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai nước, trong đó các thỏa thuận hợp tác kinh tế với tổng trị giá nhiều tỷ USD. 

Trong đó, thỏa thuận hợp tác đầu tư nhà máy điện Long Sơn trị giá 1,75 tỷ USD, dự án chăn nuôi, chế biến, phân phối bò thịt tại Vĩnh Phúc trị giá 500 triệu USD, thỏa thuận hợp tác phát triển khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng) trị giá 250 triệu USD…